Phương pháp dùng tơ bắt mạch đã xuất hiện trong nhiều bộ phim của Trung Quốc.
Trong phim Tây Du Ký năm 1986, Tôn Ngộ Không cũng từng bắt mạch qua sợi tơ cho quốc vương nước Chu Tử, sau đó chẩn đoán bệnh và bốc thuốc chính xác. Nhiều người nghi ngờ cách chẩn bệnh này liệu có thực sự tồn tại.
Cảnh phim kinh điển trong Tây Du Ký 1986
Ở tập 20 của bộ phim Tây Du Ký (1986), Tôn Ngộ Không khiến khán giả bất ngờ với biệt tài chữa bệnh.
Khi đó, thầy trò Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh và đi qua nước Chu Tử. Quốc vương nước này đang lâm trọng bệnh. Các thái y đều bó tay không tìm được thuốc chữa. Vua bèn treo bảng cáo thị chiêu mời danh y, hứa chia đôi giang sơn nếu bệnh được trị khỏi.
Quốc vương của nước Chu Tử lâm bệnh nặng nên treo cáo thị mời danh y về chữa bệnh.
Lúc ấy, Tôn Hành Giả đang đi bách bộ ngắm phố phường, dò hỏi thực hư, rồi bày ra một kế. Hành Giả đọc thần chú, dùng phép ẩn thân, lén đến giật tờ cáo thị xuống, lại thổi ra một trận cuồng phong đánh lạc hướng đám người đang vây quanh.
Sau đó, lão Tôn đến bên Bát Giới, khi ấy đang say sưa ngủ, bèn lấy tờ cáo thị khe khẽ nhét vào bụng lão Trư. Dân chúng hớt hải đi tìm tờ cáo thị đã bị gió cuốn đi, thấy Bát Giới vẫn còn nằm ngủ ở vệ đường, lại thấy từ trong bụng lấp ló một tờ giấy.
Đám người bèn túm chặt lấy Bát Giới, bắt phải vào cung chữa bệnh cho vua vì cho rằng lão Trư là người đã dám giật tờ cáo thị thì ắt có tài lạ. Lúc này, Trư Bát Giới chỉ biết gọi tên sư huynh Ngộ Không đến cứu.
Tôn Ngộ Không làm phép cho tờ cáo thị bay vào người Bát Giới.
Sau đó, Tôn Ngộ Không đã gặp đám người nọ, kể lại chuyện khi trước và nhận lời chữa bệnh cho quốc vương. Vào cung, quốc vương vừa trông thấy bộ dạng dữ tợn của Tôn Ngộ Không thì sợ hãi quá, run lẩy bẩy, ngã nhào xuống đất. Đám người hầu phải lao vào vực dậy và mắng mỏ Hành Giả là thô lỗ, quê mùa.
Quốc vương vẫn không chịu cho Tôn Ngộ Không vào coi bệnh vì sợ dung mạo trông như yêu quái của hắn. Lão Tôn bèn nghĩ ra cách chẩn bệnh không giống ai.
Tôn Ngộ Không đem 3 sợi kim tuyến cho thái giám cầm vào bên trong, dặn buộc vào tay trái của vua, một sợi ngay bộ thốn, một sợi ngay bộ quan, một sợi ngay bộ xích, rồi đưa 3 mối chỉ ra ngoài.
Cuối cùng, Tôn Ngộ Không không hổ danh là Tề Thiên Đại Thánh, dễ dàng chẩn đoán bệnh của quốc vương Chu Tử là chứng “song điểu thất quần”, ám chỉ rằng quốc vương mất vợ nên khổ não mà sinh bệnh.
Sau khi bắt bệnh xong, hai sư đệ là Trư Bát Giới và Sa Tăng cùng điều chế thuốc trị bệnh cho quốc vương nước Chu Tử. Trước đó, Ngộ Không yêu cầu quan thái y phải mua đủ 808 vị thuốc, mỗi vị 3 cân mang về quán trọ để 3 huynh đệ điều chế.
Cả 3 người hì hục giã nặn suốt đêm, cuối cùng chế được thành 3 viên hoàn lớn mang vào dâng cho quốc vương. Thứ thuốc này còn phải dùng với nước mưa từ trên trời rơi xuống, chưa chạm đất đã phải uống ngay.
Sau khi quốc vương uống thứ nước ấy vào thì thấy bụng sôi lên sùng sục, sai người mang chiếc thùng sạch để nôn vào. Các cung nhân mang thùng ra kiểm tra thì thấy các thứ đờm dãi ô uế đều đã được thải ra. Nhờ vậy, quốc vương dần dần hồi tỉnh, bệnh cũ cũng được chữa lành.
Tôn Ngộ Không và hai sư đệ cùng điều chế thuốc trị bệnh cho quốc vương nước Chu Tử.
Khi đó, khán giả cho rằng đây chỉ là tình tiết hư cấu. Tuy nhiên trên thực tế, dân gian Trung Quốc đã lưu truyền rất nhiều về việc đoán bệnh qua sợi tơ. Phương pháp này được gọi là “huyền ty bắt mạch”.
Bí mật về phương pháp bắt mạch qua sợi chỉ tơ
Không chỉ xuất hiện ly kỳ trong phim, bí thuật này còn được vị thần y Tôn Tư Mạc đời nhà Đường sử dụng để bắt mạch chữa bệnh cho hoàng hậu lúc bấy giờ. Theo như truyền thuyết kể lại rằng, vì hoàng hậu hoài thai đã lâu nhưng chưa sinh được nên đã cho mời Tôn Tư Mạc vào cung chữa bệnh.
Cách bắt mạch bằng sợi tơ bắt nguồn từ hoàng cung.
Với việc là một người xuất thân cao quý nên thái giám bên cạnh hoàng hậu đã tìm cách thử vị thần y nổi tiếng lẫy lừng với phương pháp cột tơ bắt mạch trước khi kê đơn, chẩn bệnh cho bà.
Ông đã dùng sợi tơ cột vào chân con vẹt để xem thử vị danh y này có thật sự tài giỏi như lời đồn đại hay không. Tôn Tư Mạc đã khiến tên thái giám một phen khiếp sợ khi vừa chạm tay vào tơ đã đoán ra mạch đập đó không phải của người. Sau khi hoàng hậu được bắt mạch và kê đơn, bà đã hạ sinh long tử cho nhà vua.
Trong cuốn “Cổ đại y học tuyệt kỹ: Huyền ty bắt mạch” có viết rằng đây chính là chướng nhãn pháp, tức là thủ thuật che mắt người khác. Những danh y thời xưa thực chất không hề dựa vào sợi tơ mỏng manh để chẩn đoán bệnh mà thực tế, họ dựa vào cảm nhận và phán đoán tình trạng bệnh để kê đơn.
Huyền ty bắt mạch thực chất là thủ thuật che mắt người khác.
Trong quá khứ, giới tu luyện cho rằng đây là một khả năng sẵn có của cơ thể, thông qua tu luyện, nâng cao tâm tính thì nó sẽ được khai mở. Những danh y thời cổ đại có thể “huyền ty bắt mạch” đều là những người có đạo đức cực kỳ cao, có thể thông qua con mắt thứ 3 mà nhìn vào bên trong cơ thể.
Hơn nữa, bắt mạch qua sợi tơ cũng là một nghi thức thể hiện sự tôn trọng với hoàng gia. Bên cạnh đó, thông qua cách này, các danh y cũng tranh thủ thời gian suy nghĩ thêm về đơn thuốc và cách chữa bệnh để tránh không bị sai sót.
Theo Nguyệt Lương/Người Đưa Tin