Thông tư 35/2024/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành là một trong các chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2025. Có hiệu lực từ ngày 3/2/2025, Thông tư này quy định quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại.
Trên thực tế, việc xử lý chất thải rắn đã và đang là chủ đề nóng toàn cầu. Nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật và chế tài để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả. Sau đây là một số kinh nghiệm nổi bật từ các quốc gia phát triển trong khu vực.
Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống quản lý chất thải rắn tiên tiến nhất thế giới. Nhờ vào chính sách chặt chẽ, công nghệ hiện đại và ý thức cộng đồng cao, người Nhật đã thành công trong việc giảm thiểu rác thải và tối ưu hóa việc tái chế.
Theo quy định của Nhật Bản, nguyên tắc 3R được áp dụng để giảm thiểu lượng rác thải phát sinh và tối ưu hóa quá trình xử lý. Nội dung cơ bản của 3R gồm: Giảm thiểu (Reduce) - Giảm sản xuất và tiêu dùng sản phẩm có thể tạo ra nhiều rác; Tái sử dụng (Reuse) - Khuyến khích tái sử dụng các sản phẩm như quần áo, đồ điện tử; Tái chế (Recycle) - Phân loại rác thải kỹ lưỡng để tái chế thành vật liệu mới.
![Các nước xử lý chất thải rắn sinh hoạt thế nào? Cac nuoc xu ly chat thai ran sinh hoat the nao?](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/quocquan/2025_02_06/cac-nuoc-xu-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-the-nao.jpg) |
Nhật Bản áp dụng nguyên tắc 3R (Reduce - Reuse - Recycle) trong việc xử lý chất thải rắn. Ảnh: Green Queen. |
Người dân Nhật Bản phải phân loại rác theo quy định của từng địa phương, thường bao gồm các nhóm như: Rác cháy được (thực phẩm, giấy, nhựa mềm...); Rác không cháy được (thủy tinh, gốm sứ, kim loại nhỏ...); Rác tái chế (nhựa PET, giấy, lon nhôm...); Rác cồng kềnh (đồ nội thất, thiết bị điện tử lớn...); Rác nguy hại (pin, bóng đèn huỳnh quang, hóa chất...).
Về công nghệ xử lý rác, Nhật Bản có hơn 1.000 nhà máy đốt rác, giúp xử lý 70% tổng lượng rác thu gom được. Các nhà máy này sử dụng công nghệ hiện đại để giảm khí thải độc hại và tận dụng nhiệt để sản xuất điện. Hệ thống thu gom và tái chế nhựa, kim loại, giấy... của Nhật Bản cũng rất hiệu quả.
Do diện tích đất hạn chế, Nhật Bản hạn chế tối đa việc chôn lấp rác. Rác chôn lấp được xử lý bằng công nghệ sinh học để tránh ô nhiễm môi trường.
Hàn Quốc
Hệ thống quản lý chất thải rắn của Hàn Quốc được đánh giá cao về mức độ hiệu quả nhờ các chính sách nghiêm ngặt, công nghệ hiện đại và ý thức cao của người dân.
Quốc gia này áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát và xử lý rác thải, trong đó nổi bật nhất là Hệ thống thu phí rác thải theo lượng (Volume-based Waste Fee System - VBWF). Hệ thống này quy định: Người dân phải mua túi đựng rác chuyên dụng từ chính quyền địa phương để đựng rác thải sinh hoạt; giá túi rác tùy theo dung tích (ví dụ: 5L, 10L, 20L...), càng dùng nhiều rác thì càng tốn tiền.
![Các nước xử lý chất thải rắn sinh hoạt thế nào? - Hình 2 Cac nuoc xu ly chat thai ran sinh hoat the nao?-Hinh-2](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/quocquan/2025_02_06/cac-nuoc-xu-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-the-nao-hinh-2.jpg) |
Rác thải thực phẩm ở Hàn Quốc được thu gom và xử lý bằng hệ thống chuyên biệt. Ảnh: Envac. |
Theo quy định, người dân Hàn Quốc phải phân loại rác thành các nhóm chính, được thu gom riêng biệt: Rác tái chế ; Rác thực phẩm; Rác thải sinh hoạt; Rác cồng kềnh. Nếu rác không được phân loại đúng cách, chính quyền có thể phạt tiền người vi phạm.
Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải. Nhiều trung tâm tái chế sử dụng công nghệ hiện đại để phân loại tự động. Nhựa, giấy, kim loại được tái chế với tỉ lệ cao và tái sử dụng trong ngành công nghiệp. Hệ thống thu gom rác thực phẩm là một nét đặc sắc trong hệ thống xử lý chất thải của Hàn Quốc. Loại chất thải đặc thù này được chế biến thành phân bón hoặc nhiên liệu sinh học.
Singapore
Singapore là một trong những quốc gia có hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại và hiệu quả nhất thế giới. Dù có diện tích nhỏ và dân số đông, nhưng Singapore đã thành công trong việc kiểm soát lượng rác thải, tăng cường tái chế và xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến.
Về mặt chính sách, Singapore áp dụng chiến lược "Không rác thải đến bãi chôn lấp" (Zero Waste Nation). Theo chiến lược này, Chính phủ khuyến khích người dân và doanh nghiệp giảm lượng rác thải phát sinh bằng cách hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, túi nilon và bao bì không cần thiết.
![Các nước xử lý chất thải rắn sinh hoạt thế nào? - Hình 3 Cac nuoc xu ly chat thai ran sinh hoat the nao?-Hinh-3](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/quocquan/2025_02_06/cac-nuoc-xu-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-the-nao-hinh-3.jpg) |
Toàn cảnh bãi chôn lấp ngoài khơi Semakau của Singapore. Ảnh: The Straits Times. |
Người dân được yêu cầu phân loại rác thành rác tái chế và rác thông thường. Các khu dân cư có các thùng tái chế xanh để thu gom nhựa, kim loại, giấy, thủy tinh... Hệ thống tái chế thông minh giúp phân loại rác tự động và giảm công sức thu gom.
Singapore có luật chống xả rác nghiêm ngặt: người vi phạm có thể bị phạt từ 300 SGD đến 10.000 SGD (tương đương 5 - 180 triệu VND). Người tái phạm có thể bị yêu cầu lao động công ích để dọn dẹp đường phố.
Về công nghệ xử lý rác, điểm nhấn của Singapore là bãi chôn lấp ngoài khơi Semakau. Đây là bãi chôn lấp ngoài khơi đầu tiên trên thế giới, được xây dựng trên đảo nhân tạo. Hơn 90% rác thải của Singapore được đốt tại 4 nhà máy đốt rác phát điện, giúp sản xuất điện năng và giảm lượng rác cần chôn lấp.
Thanh Bình