Mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm trước thông tin UBND TP.HCM chấp thuận giá thuê dịch vụ máy bơm công suất 93.000 m3 mỗi giờ để chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh gần 10 tỷ đồng/năm. Theo đó, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố tạm thanh toán 1 năm chi phí cho chủ đầu tư máy bơm là Công ty tập đoàn Quang Trung.
Trước thông tin này, người dân hy vọng giải pháp này sẽ đạt hiệu quả và không còn điểm ngập úng nghiêm trọng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.
|
Đường hầm SMART được đánh giá là giải pháp chống ngập lụt thông minh của Malaysia. |
Không riêng Việt Nam, ngày nay, những trận bão, mưa lớn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới với xu hướng ngày càng gia tăng. Sự việc này khiến nhiều tuyến đường trong các thành phố bị ngập lụt nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền các nước đã có những giải pháp chống ngập lụt hiệu quả.
Một trong những nước có giải pháp chống ngập lụt hiệu quả là của thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Giống với Hà Nội và TP HCM của Việt Nam, người dân Kuala Lumpur thường xuyên phải đối mặt với những điểm đen về ngập lụt khi xảy ra những trận mưa hay bão lũ. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Kuala Lumpur đã cho xây dựng đường hầm có tên Stormwater Management and Road Tunnel, viết tắt là SMART. Đường hầm dài 9,7 km với chi phí 500 triệu USD này được thiết kế vừa dùng để thoát lũ vừa phục vụ giao thông.
Cụ thể, trong điều kiện thời tiết bình thường, đường hầm SMART của Kuala Lumpur sẽ được sử dụng như hầm đường bộ bình thường dành cho xe cộ qua lại. Khi nước sông tràn bờ và gây ngập lụt, đường hầm trên sẽ trở thành một kênh thoát lũ ngay bên dưới những con đường sầm uất người qua lại. Nhờ có đường hầm này, tình trạng ngập lụt ở các đường phố trong thành phố Kuala Lumpur không còn xảy ra nghiêm trọng như trước.
|
Dự án điện Pantheon dưới lòng đất nhằm chống ngập lụt của Nhật Bản. |
Nhật Bản nổi tiếng thế giới với giải pháp chống ngập hiệu quả và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thay vì nâng cao nền các công trình để chống ngập lụt, chính quyền Nhật Bản lựa chọn phương án xây dựng kênh thoát nước ngầm nằm dưới một sân bóng đá và công viên trượt băng ở ngoại ô Tokyo. Dự án này được biết đến với tên gọi "điện Pantheon dưới lòng đất".
Mời độc giả xem video: Bão Fung Wong gây mưa lớn và ngập lụt ở Philippines (nguồn: VTC14)
Được khởi công xây dựng từ năm 1993, công trình chống ngập của Tokyo hoàn thành sau 13 năm với kinh phí 3 tỷ USD. Công trình này nằm sâu 50m dưới lòng đất, được các kiến trúc sư thiết kế gồm 5 trụ chứa cao 75m, rộng 32m. Các trụ chứa nối với nhau bằng hệ thống ống dài 6,3 km và có đường kính 10m.
Nước thoát ra sẽ được đẩy vào một tháp điều áp cao 25m, dài 177m, rộng 78m. Mỗi khi xảy ra mưa lớn hay bão lũ, máy bơm công suất lớn được sử dụng để bơm nước ra sông Endo. Nhờ vậy, tình trạng ngập lụt ở Tokyo và các vùng lân cận đạt được hiệu quả, giúp đời sống của nhân dân được cải thiện.
Tâm Anh (TH)