Bỏ ghế giám đốc về quê… “tay đe, tay búa”

Google News

Tốt nghiệp đại học, quay trở về làng làm dao, anh Lê Ngọc Lâm, chủ cơ sở sản xuất dao Lâm Ánh (làng Đa Sỹ, Hà Nội) chia sẻ, anh đã chịu nhiều áp lực tâm lý. Nhưng sau 7 năm, anh thấy quyết định của mình là đúng đắn.

“Đang đi làm có xe ô tô, mặc quần áo đẹp, bỏ về làng làm dao truyền thống, tay chân, quần áo lấm lem, rồi cũng có người nói ra nói vào. Nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ, miễn mình làm ăn tử tế, không trộm cắp của ai thì không có gì phải xấu hổ”, anh Lê Ngọc Lâmchủ cơ sở sản xuất dao Lâm Ánh (làng Đa Sỹ, Hà Nội) chia sẻ về quãng thời gian khó khăn khi anh quyết định trở về làng lập nghiệp.
Bo ghe giam doc ve que… “tay de, tay bua”
 Anh Lê Ngọc Lâm, chủ cơ sở sản xuất dao Lâm Ánh (làng Đa Sỹ, Hà Nội). Ảnh: Mai Loan.
Đang “quần là áo lượt” quyết về làng “tay đe, tay búa” lấm lem
Vào những ngày giáp Tết, đến làng Đa Sỹ, Hà Nội dễ dàng cảm nhận được không khí khẩn trương, tất bật của một làng nghề làm dao truyền thống nổi tiếng đang vào vụ sản xuất phục vụ Tết. Những lò rèn đỏ lửa, tiếng búa nện chan chát, tiếng mài dao… khung cảnh gợi nên vẻ náo nức, khẩn trương.
Đứng giữa xưởng sản xuất, xung quanh toàn…. dao và những người thợ đang làm việc miệt mài, anh Lê Ngọc Lâm, chủ cơ sở sản xuất dao Lâm Ánh (làng Đa Sỹ) cho biết, mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất ra khoảng 1.000 dao thái. Riêng mặt hàng dao chặt chất lượng cao thì mỗi ngày làm được khoảng 20 chiếc, làm tới đâu hết tới đó.
Bo ghe giam doc ve que… “tay de, tay bua”-Hinh-2
 Bộ quần áo lấm lem, tay chân dính bụi than, dầu mỡ, anh Lâm bảo, giờ trông anh đã giống như những người thợ rèn thực thụ trong làng. 
Bộ quần áo lấm lem, tay chân dính bụi than, dầu mỡ, anh Lâm cười bảo, trông anh giờ đã giống như những người thợ rèn thực thụ trong làng. Đây là một hình ảnh hoàn toàn khác với anh – một giám đốc công ty tư nhân, quần áo là lượt, bảnh bao, đi làm bằng ô tô cách đây 7 năm.
“Sau khi tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải, tôi theo ngành xây dựng hàng chục năm, lập công ty riêng. Tuy nhiên, công việc của tôi vất vả, lại thường xuyên phải xa gia đình. Trong khi ở làng, các thế hệ trẻ bỏ nghề nhiều quá, không còn mặn mà với việc làm dao truyền thống. Điều đó đã khiến tôi trăn trở rất nhiều.
Một lần xem chương trình “Sinh ra từ làng” trên truyền hình, tôi thấy nhiều người học xong đại học cũng quay về làng quê khởi nghiệp và khá thành công. Chính điều đó đã thôi thúc tôi quyết định quay trở về với nghề “tay đe, tay búa”, làm giàu trên chính quê hương của mình”, anh Ngọc Lâm tâm sự.
Bo ghe giam doc ve que… “tay de, tay bua”-Hinh-3
 Một công đoạn làm dao.
Anh Lâm chia sẻ, quyết định “bỏ phố về làng” lập nghiệp của anh gặp nhiều áp lực, trong đó, có áp lực về tâm lý, rằng là người “thất bại”, tốt nghiệp đại học rồi mà lại phải bỏ về nhà làm lao động chân tay…
Lúc đó, anh tự nhủ, sẽ không quan trọng người khác nghĩ về mình thế nào, mà quan trọng là mình sẽ sống ra sao. Nếu mình cứ lao động chân chính, tử tế, không ăn trộm ăn cắp của ai thì không việc gì phải hổ thẹn, nghề nào cũng đáng trân quý cả, nhất lại là nghề truyền thống của cha ông mình.
"May mắn, tôi được gia đình ủng hộ, nhất là người bạn đời đã luôn động viên. Và những người thợ lành nghề trong làng đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Lúc mới mở xưởng, kinh nghiệm còn non kém, tôi không giấu dốt, chỗ nào không hiểu thì hỏi. Cứ dần dần từng bước, tôi nỗ lực để làm tốt hơn mỗi ngày”, anh Lâm nói.
Anh Lâm cho biết, lúc mới mở xưởng, do vốn còn ít nên anh chỉ dám mua một hai máy làm dao. Thế rồi, vừa làm vừa vay mượn, đến nay, cơ sở của anh Lâm đã có 8 máy dập cùng nhiều máy hỗ trợ khác đi kèm, đáp ứng cho 8 nhân công làm việc thường xuyên mỗi ngày,
Ấp ủ ước mơ về làng nghề du lịch
Sau 7 năm kể từ khi quyết định quay về làng phát triển nghề dao truyền thống của ông cha, anh Lâm cho biết, vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng cho đến thời điểm này, anh không phải ân hận về lựa chọn của mình.
Hiện tại, anh không những nuôi sống được gia đình, mà còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khác. Và điều khiến anh vui nhất, là anh có được tình yêu, tâm huyết với công việc mình đang làm.
Hiện tại, anh Lâm là một trong số ít những thanh niên trong làng theo đuổi được nghề truyền thống. Và câu chuyện tốt nghiệp đại học bỏ về làng làm dao của anh đã truyền cảm hứng cho không ít những bạn trẻ trong làng về việc hoàn toàn có thể khởi nghiệp từ chính nghề truyền thống của cha ông.
Bo ghe giam doc ve que… “tay de, tay bua”-Hinh-4
 Không khí làm dao khẩn trương ngày giáp Tết Nguyên đán 2023.
Tuy nhiên, anh Lâm cho biết, dù anh đã chọn về làm nghề dường như “không liên quan” với kiến thức chuyên ngành đại học, nhưng anh chưa bao giờ ân hận về việc mình đã học đại học.
“Việc học đại học đã cho tôi một tư duy tốt. Ngoài ra là những kiến thức, hiểu biết xã hội. Những điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều ở công việc hiện tại. Đối với tôi, bất cứ một nghề chân chính nào cũng đáng quý, và đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời hay thành công. Nhưng nếu có điều kiện để học lên cao, tôi thấy việc có kiến thức, có tri thức sẽ rất bổ ích, nó không hề vô nghĩa", anh Lâm chia sẻ. 
Bo ghe giam doc ve que… “tay de, tay bua”-Hinh-5
 Những chiếc dao chuẩn bị xuất xưởng.
Anh Lâm cho biết, từ bao đời nay, từ trẻ nhỏ đến những người già của làng Đa Sỹ đều biết làm dao. Từ thuở bé, anh đã sống trong khung cảnh, những âm thanh của làng nghề rộn rã tiếng làm dao. Những âm thanh đó đã thôi thúc anh trở về giữ nghề.
"Tôi mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ may mắn được sinh ra từ các làng nghề truyền thống sẽ tiếp tục có cách giữ nghề truyền thống của cha ông theo cách riêng của mình”, anh Lâm nói.
Anh Lâm chia sẻ, điều trăn trở nhất của anh hiện nay là làm sao phát triển được làng nghề. Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm dao. Tuy nhiên, so với những sản phẩm tương đương về giá, dao làng Đa Sỹ vẫn rất chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa.
Vấn đề là, để phát triển được làng nghề, thì phải có được thu nhập tốt cho bà con, để mọi người sống được với nghề. Một trong những hướng theo anh có thể phát triển được, đó là phát triển theo hướng làm làng nghề du lịch.
“Thực tế, tôi thấy có những làng nghề họ làm du lịch rất tốt. Chẳng hạn các làng về lụa tơ tằm, làm gốm… Hiện nay, nhiều nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, do sản phẩm truyền thống đứng trước rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại. Tìm được cách “giữ lửa” được nghề truyền thống, tôi thấy là điều rất cần”, anh Lâm nói.

Làng nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) có truyền thống lịch sử hàng trăm năm nay đã và đang tạo công ăn việc làm và đưa lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân địa phương. Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làng Đa Sỹ cho biết, khoảng 70% số hộ dân đang tham gia nghề rèn truyền thống của làng, thường mỗi hộ làm chuyên về một loại mặt hàng. Thợ giỏi trong làng có khoảng 20 người. Có khoảng hơn chục người đã được phong danh hiệu nghệ nhân. Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ rất bền bởi kỹ thuật tôi thép điêu luyện của những người thợ thạo nghề, dày kinh nghiệm với những con dao “chặt được cả sắt”, là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Mời quý độc giả xem video: Anh Lê Ngọc Lâm, chủ cơ sở sản xuất dao Lâm Ánh (làng Đa Sỹ, Hà Nội) chia sẻ về quãng thời gian khó khăn khi anh quyết định trở về làng lập nghiệp. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan