Trong tiểu thuyết “Lang đồ đằng” có một câu chuyện khiến người ta phải kinh ngạc: Người bản địa sẽ gài những chiếc bẫy thú có tính sát thương cao trên thảo nguyên, dùng nó để săn bắt thú hoang nhưng lại rất hiếm khi bắt được sói. Điều này không phải là vì sói thông minh đến đâu mà là nếu như sói bị bẫy kẹp chân lại thì sẽ tự cắt đứt cả xương lẫn gân chân, sau đó trốn thoát bằng 3 chân còn lại. Còn những con thú hoang khác khi bị trúng bẫy chỉ biết rú lên tại chỗ, cuối cùng trở thành món ăn nóng hổi trên bàn ăn của người thợ săn.
Nếu như đổi là bạn thì bạn liệu có dám tự cắt đứt chân để tự cứu mình như sói không? Hay là sẽ trở nên hoang mang, sợ hãi thành con mồi trên bàn ăn của thợ săn? Không thể không thừa nhận rằng chúng ta thường xuyên đưa ra những lựa chọn sai lầm. Nhưng những người không biết dừng tổn thất kịp thời thì sẽ càng bị tổn thất nhiều hơn.
Giống như “chi phí chìm” trong kinh tế học có nói là những thứ đã bỏ ra và không thể thu hồi về được, ví dụ như thời gian, tiền bạc, tình cảm, sức lực,...
Trong cuộc sống, rất nhiều người thường không nỡ từ bỏ những "chi phí chìm" ấy. Ví dụ như bạn mua một tấm vé xem phim, xem được một nửa thấy nó không hay nhưng vẫn cố xem hết cho đỡ tiếc. Hay yêu nhau 3 năm, rõ ràng đối phương đã không còn tình cảm nhưng vẫn cố gắng bên nhau chịu đựng tạm bợ. Hoặc là đi du lịch ở khu du lịch nổi tiếng, tới nơi rồi mới thấy cảnh sắc quá tệ nhưng vẫn cố đi nốt cả chuyến đi.
Có thể là bạn làm trong một ngành đã nhiều năm, không có tương lai phát triển nhưng vẫn không muốn từ bỏ kinh nghiệm đã tích lũy nhiều năm, vì thế vẫn cứ tiếp tục băn khoăn sầu não… Những "chi phí chìm" khiến người ta kinh ngạc này nói với chúng ta rằng, biết dừng tổn thất kịp thời mới là cảnh giới cao nhất của người trưởng thành.
Những người dám dừng tổn thất kịp thời sẽ giành chiến thắng trong tương lai
Người Anh có một câu ngạn ngữ: “Đừng khóc vì ly sữa đã bị đổ”. Ý nói đừng buồn lòng vì những kết cục đã xảy ra, chúng ta chẳng thể cứu vãn được. Nhưng tại sao trong cuộc sống lại có nhiều người vẫn cứ khóc lóc vì ly sữa đã bị đổ như vậy? Đó là vì nếu từ bỏ "chi phí chìm" sẽ tạo ra “hiệu ứng ghét thua lỗ” (Loss aversion). Nghiên cứu tâm lý học hành vi phát hiện ra rằng, cảm giác mất mát của con người mạnh hơn cảm giác đạt được những 4 lần, đây chính là “hiệu ứng ghét thua lỗ”. Trong cuộc sống hiện thực, bạn cứ giương mắt nhìn tiền bạc “đội nón ra đi”, cảm giác đau khổ mà bạn cảm nhận được lớn hơn rất nhiều niềm vui mà bạn nhận được khi đạt được thứ có giá trị tương đương.
Cũng tức là khi phát sinh "chi phí chìm", con người ta sẽ “cứng đầu tiếp tục làm” theo bản năng. Những quan niệm này dường như đã là nhận thức ăn sâu vào trong mỗi chúng ta. Nó kiểm soát mọi thói quen tư duy của chúng ta, khiến chúng ta đưa ra những lựa chọn thiếu lý trí vào những thời khắc quan trọng. Chúng ta luôn sợ tổn thất nhưng lại quên rằng chúng ta có thể sẽ có được nhiều hơn. Nếu như dám chấp nhận những tổn thất này, chúng ta sẽ có cơ hội đưa cuộc sống của chúng ta vào một tương lai có nguồn tài nguyên vô hạn, tìm thấy con đường tốt đẹp hơn để bù đắp lại những tổn thất này.
Công ty Panasonic của Nhật Bản từng phải đối diện với nguy cơ to lớn. Vốn dĩ Panasonic là công ty số 1 Nhật Bản, là công ty nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin, điện tử hàng đầu thế giới. Nhưng không ngờ là IBM của Mỹ lại ra đời, “chú hắc mã” này nhanh chóng vượt qua Panasonic trên bảng xếp hạng trong lĩnh vực công nghệ thông tin điện tử. Các lãnh đạo cấp cao của Panasonic bắt đầu cảm thấy nguy cơ đến gần, lần lượt đưa ra những kế hoạch để chiếm lại thị phần của IBM.
Không ngờ rằng Tổng giám đốc của Panasonic - Matsushita Konosuke lại đưa ra một quyết định khiến người ta kinh ngạc: Từ bỏ luôn lĩnh vực công nghệ thông tin điện tử cho dù là đã bỏ ra chi phí nghiên cứu rất lớn. Từ đó, Panasonic chuyên tâm phát triển những sản phẩm truyền thống, cuối cùng đã tìm ra đường đi của riêng mình. Những công ty vẫn quyết đấu cao thấp với IBM như Fujitsu, Hitachi sau này đều thất bại thảm hại.
Quá khứ đã qua thì không thể lấy lại được nhưng tương lai thì vẫn luôn đáng để chờ đợi. Người thông minh mãi mãi sẽ không ngồi đó mà buồn lòng vì những gì họ đã mất, họ sẽ vui vẻ mà nghĩ cách để bù đắp cho những tổn thất của họ. Giống như nhà văn nổi tiếng Trung Quốc – Lâm Ngữ Đường từng nói: “Sự từ bỏ sáng suốt còn hơn là cố chấp mù quáng”. Những người dám dừng tổn thất kịp thời, tuy đã mất đi quá khứ nhưng lại giành thắng lợi trong tương lai.
Những người khó lòng từ bỏ "chi phí chìm", cuối cùng cũng sẽ chìm
Tôi có một người bạn, cô ấy và chồng yêu nhau 5 năm, kết hôn 3 năm, chồng cô ấy có thói xấu là cờ bạc, thường xuyên lên mạng chơi bài. Mọi người xung quanh đều khuyên cô ấy nhân lúc vẫn chưa có con thì nhanh chóng ly hôn đi. Thế nhưng cô ấy lại do dự, chần chừ, nói không nỡ vứt bỏ tình cảm nhiều năm với chồng suốt từ thời đại học đến nay, thà giúp anh ta trả nợ, gìn giữ cuộc sống tồi tệ cũng không chịu ly hôn. Cuối cùng, khi người của bên cho vay nặng lãi tới nhà đòi nợ, đến nhà cửa cũng bị siết nợ, cô ấy mới lựa chọn ly hôn.
Một trường hợp tương tự chính là nhân vật Hà Vũ trong bộ phim truyền hình Trung Quốc “Một năm không có việc làm”, cô ấy lại quyết đoán hơn rất nhiều. Tuy Hà Vũ và chồng chưa cưới đã có tình cảm 10 năm bên nhau, nhưng khi chồng chưa cưới và thực tập sinh trẻ trung trong công ty anh ta có quan hệ mập mờ với nhau, cô ấy không cần xem điện thoại của anh ta, cũng chẳng cần tự mình nghĩ ngợi lung tung, lập tức nói rõ mọi chuyện, để anh ta bày tỏ thái độ.
Thấy chồng chưa cưới bảo vệ cho cô thực tập sinh kia, không quan tâm tới cảm nhận của cô ấy, cô đã tạt luôn cốc nước vào mặt tên sở khanh này, chủ động chấm dứt mối tình ấy. Sau khi chia tay với tên sở khanh, cô cũng rất đau khổ, tự nhốt mình trong phòng không ăn không uống. Nhưng sau một đêm, cô sốc lại tinh thần, tự phấn chấn trở lại, lao đầu vào công việc.
Ít ai có thể quyết đoán được như cô, đa số mọi người khi đứng trước những "chi phí chìm" này đều sẽ tỏ ra đó là lẽ đương nhiên bằng những câu nói: “Chuyện gì xảy ra cũng xảy ra rồi”, “đã lâu như vậy rồi”, “tiền cũng đã trả rồi”, “con cũng đã có với nhau rồi”,… Chính bởi mình đã trả giá rồi, thế nên chỉ đành tiếp tục cứng đầu cố chấp chịu đựng đau khổ, cho tới khi chẳng còn gì để mất nữa.
Giống như nhà thơ Ấn Độ nổi tiếng Tagore từng viết trong thơ của ông rằng: “Nếu như bạn rơi lệ vì mất đi mặt trời, vậy thì bạn cũng sẽ mất đi bầu trời sao”. Cách làm hiệu quả chính là khi mất đi mặt trời, hãy chủ động ôm lấy bầu trời sao, như vậy mới là thông minh thực sự.
Ý thức tự giác khó nhất của người trưởng thành, chính là dừng tổn thất kịp thời. Dừng tổn thất kịp thời không phải là nhu nhược, mà đó là tự cứu chính mình. Người càng thông minh, càng biết cách từ bỏ mang tính chiến lược, không dây dưa với những người hay việc tồi tệ. Những người phá bỏ được những "chi phí chìm", trong tương lai có thể tạo ra những giá trị khiến người khác kinh ngạc.
Dừng tổn thất kịp thời mới là đỉnh cao của người trưởng thành
Một lần, vị anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi đi tàu hỏa. Khi ông vừa bước chân lên cửa xe thì đúng lúc ấy xe lửa khởi động, một chiếc giày của ông không may rơi ra ngoài cửa xe. Chính lúc này, Mahatma Gandhi nhanh chóng cởi chiếc giày còn lại ra, vứt về phía chiếc giày bị rơi kia.
Mọi người đều thấy khó hiểu, ông giải thích: “Nếu như một người nghèo vô tình đi ngang qua đường sắt, người đó có thể nhặt được một đôi giày hoàn chỉnh. Đây có lẽ là một thu hoạch lớn đối với người đó, giá trị của đôi giày có thể được phát huy ở mức độ lớn nhất". Đối với Mahatma Gandhi mà nói, chiếc giày đã rơi không thể nào lấy lại được nữa, vì thế chiếc giày đã trở thành "chi phí chìm" của ông.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người luôn canh cánh trong lòng vì những "chi phí chìm", khi thực hiện những quyết định tiếp theo thì lại e dè, sợ hãi, từ đó mất đi cơ hội dừng tổn thất kịp thời. Những người dũng cảm thực sự, không chỉ dám trực diện đối mặt với cuộc đời ảm đạm, mà còn dám từ bỏ quá khứ không có giá trị.
3 tư duy bên dưới có thể giúp bạn khắc phục hiệu ứng "chi phí chìm", có thể dừng tổn thất kịp thời.
Tư duy lối sống tối giản
Hideko Yamashita có viết trong cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” như thế này: “Cho dù thứ đồ đó có đắt đến mấy, quý hiếm đến mấy, những người có thể đưa ra quyết định dựa vào việc phán đoán bản thân mình có thực sự cần thiết có nó hay không mới có thể thực sự lớn mạnh”. Lối sống tối giản không chỉ là một kiểu sắp xếp, thu mua đồ đạc trong nơi ở, mà còn là quan niệm sắp xếp cuộc đời của con người ngày nay. Học được cách sống tối giản có thể giúp chúng ta thoát khỏi ảnh hưởng của các "chi phí chìm".
Tinh túy của tư duy lối sống tối giản việc chấp nhận vứt bỏ, chỉ khi bạn nhận thức rõ những sai lầm trong hiện thực, đưa ra quyết định “vứt bỏ”, mới có thể có được lối sống tối giản thực sự. Rất nhiều người đều không dám “vứt bỏ”, vì không dám thừa nhận thất bại của bản thân. Càng là người có lòng tự tôn cao, "chi phí chìm" của họ sẽ càng nghiêm trọng. Vì họ luôn muốn chứng minh rằng bản thân mình là đúng, giả vờ rằng mình không đi đường vòng. Mỗi người đều có lúc phạm sai lầm, nhưng dám đối mặt với sai lầm mà mình từng phạm phải mới có thể thoát khỏi vũng lầy của "chi phí chìm".
Tư duy cắt giảm
Tạp chí “Nature” từng đăng tải một bài nghiên cứu phát hiện ra rằng khi con người muốn thay đổi hiện trạng thường có khuynh hướng thực hiện “phép cộng” chứ không làm những việc giản tiện hóa. Lựa chọn “phép cộng” có lẽ vì họ nghĩ rằng cắt giảm bớt thứ gì đó có nghĩa phải thừa nhận rằng những thứ mà trước kia mình thêm vào là "chi phí chìm". Nhưng thực tế chứng minh chỉ làm “phép cộng” không hẳn là cách tối ưu nhất trong cuộc đời.
Làm thế nào để nắm bắt những ý lớn, chủ đạo, lược bớt những tiểu tiết, cách thức tư duy và hành động tinh lọc mới là cách để nâng cao hiệu suất công việc và chỉ số hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi từng đọc được một câu nói như thế này: “Ghét bị tổn thất không nên trở thành cái cớ để chúng ta bỏ qua việc cắt giảm, việc kiên trì cắt giảm chính là một sự cải tiến. Kiểu cải tiến này cho dù có giảm về số lượng nhưng cũng là một kiểu tiến bộ chứ không phải là tổn thất”. Ví dụ như tránh xa những người liên tục làm bạn mệt mỏi, từ bỏ công việc không khiến bạn trưởng thành, dứt khoát từ bỏ những cách làm sai lầm,… Lớn lên là làm phép cộng, còn trưởng thành là làm phép trừ.
Tư duy vòng vo
Tư duy vòng vo tức là khi suy nghĩ vấn đề nào đó, tránh đối đầu trực tiếp, tạm thời rời khỏi tuyến đường chính mà đi đường vòng và cố gắng tìm đường tắt trong những khúc quanh co. Những người quanh chúng ta đều cổ xúy phải kiên trì đến cùng, còn từ bỏ kịp thời lại trở thành “cả thèm chóng chán”, “đi ngược lại với tư tưởng chính thống”. Con đường thành công không chỉ có một kiểu, đường này đi không được thì ta đổi sang đường khác. Điều chỉnh phương hướng, vòng quanh tìm lối thoát, còn hơn là kiên trì đi thẳng đến sứt đầu mẻ trán rồi chẳng được kết quả gì.
Trong “Hoàng tử bé” có một câu nói như thế này: “Bạn phải tốn thời gian cho hoa hồng thì mới có thể khiến nó trở nên quý giá đến vậy”. Hoa hồng thì có rất nhiều, bông này hay bông kia chẳng có gì khác biệt. Bạn không cam tâm từ bỏ là vì bạn đã dành thời gian cho nó. Nhưng nếu hoa hồng đã phản bội lại với bạn, thậm chí còn làm tổn thương bạn, vậy thì hãy dứt khoát từ bỏ, đó mới là trí tuệ của cuộc đời. Cuộc đời dài đến vậy, mua nhầm đồ, đi sai đường, yêu nhầm người, tất cả chỉ cần dừng tổn thất kịp thời là được, tiếp tục xuất phát, bạn vẫn có thể gặp được phong cảnh đẹp.
Cuộc đời ngắn đến vậy, đừng để mình lún sâu vào những "chi phí chìm", cái gì cần bỏ thì hãy bỏ, cái gì cần tránh xa thì hãy tránh xa, tương lai của bạn vẫn còn có khả năng vô hạn.
Theo Vũ Phong/Bảo Vệ Công Lý