Phi tần thọ nhất của hoàng đế Ung Chính
Thuần Ý Hoàng Quý phi Cảnh thị vốn xuất thân là một nữ tử Bao y thuộc Nội vụ phủ, là con gái của Nội Quản lĩnh Cảnh Đức Kim. Đối với những nữ nhân có xuất thân tương tự Cảnh thị mà nói, quỹ đạo cuộc đời họ chỉ là tham gia tuyển tú, nếu được chọn sẽ vào cung hầu hạ các chủ tử, nếu thất bại thì có thể kết hôn.
Tuy nhiên, Cảnh thị lại may mắn hơn khi được Hoàng đế Khang Hi ban cho Hoàng tứ tử Dận Chân, sau này là Hoàng đế Ung Chính. Năm Khang Hi thứ 42, Cảnh thị trở thành thiếp của Ung Thân vương Dận Chân. Lúc đó, bà khoảng 14 tuổi.
Cảnh thị dù không quá xinh đẹp nhưng tính tình ôn nhu và an phận. Năm Khang Hi thứ 50, Cảnh thị hạ sinh Hoằng Trú.
Sau khi Hoàng đế Ung Chính kế vị, ông đã tiến hành sách phong cho thê thiếp của mình, Cảnh thị cũng được phong thành Dụ tần. Mặc dù thân phận này không được xem là quá cao nhưng các phi tần của Hoàng đế Ung Chính không quá nhiều nên cũng có thể xem "Tần" là một vị trí tương đối tốt ở hậu cung. Hơn nữa, bên cạnh bà vẫn còn Hoàng ngũ tử Hoằng Trú nên cơ hội được tấn phong cao hơn vẫn còn.
Quả nhiên, đến năm Ung Chính thứ 8, Hoàng đế thực hiện một loạt điều chỉnh ở hậu cung, vì Hoàng hậu Na Lạp thị bệnh nặng không thể tiếp tục quản lý hậu cung nên Hi phi Nữu Hỗ Lộc thị được tấn phong làm Hi Quý phi, Dụ tần Cảnh thị được tấn phong làm Dụ phi, Cảnh thị trở thành một trong những nữ nhân có quyền lực nhất hậu cung của Hoàng đế Ung Chính.
Chẳng những vậy, Hoàng ngũ tử Hoằng Trú cũng được Hoàng đế xem trọng, được phong làm Hòa Thân vương và được phái đi xử lý sự vụ Miêu Cương cùng Bảo Thân vương Hoằng Lịch và Ngạc Nhĩ Thái.
Theo một số tài liệu, đãi ngộ của Cảnh thị đều theo địa vị Quý phi. Trong các phi tần của Tiên đế, ngoài Sùng Khánh Hoàng thái hậu thì Cảnh thị có địa vị cao nhất. Sùng Khánh Hoàng thái hậu được xem là nguyên mẫu lịch sử của nhân vật Chân Hoàn trong bộ phim Hậu cung Chân Hoàn Truyện.
Có lẽ vì phải lao động tay chân từ nhỏ nên sức khỏe của Cảnh thị rất tốt, sống trong hậu cung hàng chục năm nhưng vẫn bình an vô sự. Năm Càn Long thứ 43, sau khi Sùng Khánh Hoàng thái hậu qua đời, Hoàng đế Càn Long tôn Cảnh thị làm Hoàng khảo Dụ Hoàng Quý phi.
Năm Càn Long thứ 49, Cảnh thị ngã bệnh và qua đời ở tuổi 95 (1689 - 1784), sau hơn 60 năm sống ở hậu cung. Bà cũng là hậu phi sống thọ nhất của Hoàng đế Ung Chính. Sau khi mất, Cảnh thị được an táng tại Thái lăng Phi viên tẩm và được Hoàng đế Càn Long dâng thụy hiệu là Thuần Ý Hoàng Quý phi.
Xác Hoàng đế không đầu
Mặc dù vị hoàng đế triều Thanh đã tìm mọi cách để phòng bị, song cuối cùng vẫn chết một cách tức tưởi, không rõ nguyên nhân. Và cũng vì thế, cái xác không đầu mà Ung Chính để lại cho hậu thế cho tới nay vẫn là một câu hỏi.
Thế rồi, khi Ung Chính đột ngột qua đời, lại thêm một câu đố không lời giải nữa cho những người đời sau. Ung Chính không chỉ chết đột ngột mà thi thể của ông hoàn toàn không có đầu, điều này biến cái chết của vị Hoàng đế này trở thành một nghi án không thể phá giải.
Các sử gia đời sau chỉ còn cách dựa vào suy luận để phán đoán về nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết của ông.
Cũng vì chỉ có thể dựa vào suy luận và những sử liệu rất ít ỏi còn lưu lại, trước nay đã có rất nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra liên quan tới cái chết của Ung Chính. Giả thuyết đầu tiên, cũng là giả thuyết lưu truyền rộng nhất từ trước tới nay nói rằng, Ung Chính bị kẻ thù là Lã Tứ Nương giết hại.
Mọi người đều biết rằng, trong thời gian Ung Chính tại vị, các vụ án liên quan đến văn chương rất nhiều. Rất nhiều văn nhân do trong tác phẩm viết nhầm một hai chữ liên quan tới nhà Thanh đều phải chịu những hình phạt rất thảm khốc.
Ông nội của Lã Tứ Nương là Lã Lưu Lương là một trong những văn nhân phải chịu tai họa này. Trong vụ án văn tự của nhà họ Lã ấy, ngoại trừ cô cháu gái mới 14 tuổi Lã Tứ Nương do ra ngoài chơi khi quan phủ ập vào nhà họ Lã thoát được, còn lại, toàn bộ gia tộc họ Lã đều bị giết sạch.
Sau đó, Lã Tứ Nương vì muốn báo thù cho gia đình mình, lang thang khắp nơi tìm thầy học võ. Trải qua mười mấy năm gian nan khổ luyện, cuối cùng, Lã Tứ Nương cũng trở thành một cao thủ võ nghệ cao cường.
Sau khi học thành tài, Lã Tứ Nương vào kinh thành rồi kết hôn với một người đàn ông họ Lý để làm chốn ẩn náu của mình ở kinh đô. Hai người kết hôn không lâu, Lã Tứ Nương mặc quần áo ngắn ra ngoài, rồi mãi tới tối khuya mới về nhà.
Họ Lý thấy trong tay vợ mình là một cái đầu người còn đang chảy máu tươi ròng ròng xuống mặt đất mới vặn hỏi vợ thì được biết cái đầu Lã thị đang cầm trên tay chính là đầu của “đương kim thánh thượng”.
Họ Lý vì thế rất lấy làm kính phục vợ mình, bèn cùng vợ nửa đêm chạy khỏi kinh thành bỏ trốn. Sáng ngày hôm sau, từ trong tử cấm thành truyền ra thông tin Ung Chính Hoàng đế đột ngột qua đời. Tuy nhiên, khi quan lại ra lệnh giới nghiêm toàn bộ kinh thành để truy lùng nghi phạm thì Lã Tứ Nương và chồng đã cao chạy xa bay từ lâu.
Theo Khoevadep