Ngày 16/8/2006, Hội chợ triển lãm đồ gốm sứ toàn Trung Quốc (TQ) lần thứ 3 diễn ra tại Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý của công chúng. Ngoài việc giới thiệu những sản phẩm gốm sứ tiêu biểu được sản xuất gần đây, Hội chợ đã trưng bày một số đồ gốm sứ quý hiếm. Trong số này có một thứ hấp dẫn người xem một cách đặc biệt, đó là sản phẩm có tên "7501 Mao Trạch Đông Chủ tịch chuyên dùng từ" (Chiếc bát sứ chuyên dùng của Chủ tịch Mao Trạch Đông kiểu 7501).
Ý nghĩa của con số 7501 cho biết chiếc bát được sản xuất vào tháng 1/1975. Sản phẩm này được các nhà chuyên môn gọi tắt là "7501 mao từ" hay "mao từ" ("từ" nghĩa là "đồ sứ").
|
Chủ tịch Mao Trạch Đông. |
Theo giới thiệu của Ban tổ chức hội chợ thì đây chính là chiếc “mao từ” mà Mao Chủ tịch đã dùng từ năm 1975 đến khi tạ thế (9/9/1976). Tại Hội chợ, giá khởi điểm của “7501 mao từ” được đưa ra là 170 vạn tệ (tương đương 3 tỉ 400 triệu đồng tiền Việt Nam)! Thật là một sản phẩm có giá không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, theo giới sưu tầm thì đây chắc chắn không phải là mức giá cuối cùng. Bởi người ta được biết các “đại gia”, kể cả tư nhân lẫn các bảo tàng thuộc nhà nước “đang trong cơn sốt cao” để mong được trở thành chủ nhân của “7501 mao từ”.
Từ nhiều năm nay trong giới sưu tầm đồ quý hiếm cũng như trong dân gian đã lưu truyền rất nhiều huyền thoại, thật hư lẫn lộn, xung quanh “mao từ”. “Mao từ” có sức hấp dẫn rất đặc biệt không những vì đó là thứ đã từng được Mao Chủ tịch sử dụng, chất lượng thuộc hàng “siêu đẳng”, mà còn có lai lịch, nguồn gốc với vô số chuyện bí mật.
Mãi tới gần đây, Hoàng Khánh Vinh, nguyên Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy Giang Tây, một trong những người trực tiếp chỉ đạo làm ra “mao từ” mới giúp các phóng viên báo chí hiểu được phần nào sự thật về “lai lịch” của “mao từ” để phản ánh tới người dân.
Hoàng Khánh Vinh cho biết trong những giờ phút quyết định nhất, có tất cả 5 người liên quan đến sự kiện “mao từ”, đó là Uông Đông Hưng, nguyên Chánh Văn phòng T.Ư Đảng; Lý Khắc Thời, nguyên Bí thư Thị ủy thị trấn Cảnh Đức (địa phương sản xuất đồ gốm nổi tiếng của TQ và thế giới); La Tuệ Dung, nguyên Phó giám đốc Sở Nghiên cứu kỹ thuật đồ sứ thị trấn Cảnh Đức trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ TQ; Cao Văn Lễ, Phó giám đốc Công an tỉnh Hồ Nam và Hoàng Khánh Vinh.
Nguyên nhân để “7501 mao từ” ra đời khá ngẫu nhiên. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, sức khỏe của Mao Chủ tịch bị suy giảm rõ rệt. Vì vậy Chủ tịch thỉnh thoảng lại về Nam Xương thuộc Trường Sa (thủ phủ tỉnh Hồ Nam, quê hương của Mao Chủ tịch) để nghỉ ngơi. Địa điểm nghỉ của Chủ tịch là phòng số 1 thuộc Nhà khách 828 của Tỉnh ủy Hồ Nam khi đó.
Vào khoảng tháng 3/1974, Uông Đông Hưng đã gọi điện triệu tập Hoàng Khánh Vinh, (lúc đó là Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy Giang Tây), tới Tỉnh ủy Hồ Nam. Tại đây, Hoàng Khánh Vinh cùng Uông Đông Hưng và các cán bộ của Tỉnh ủy Hồ Nam gặp nhau ở nhà khách Tỉnh ủy. Uông Đông Hưng cho biết sắp tới Mao Chủ tịch lại về nhà khách 828 để nghỉ, trên đường sẽ qua Giang Tây. Vì vậy, Uông thay mặt T.Ư Đảng trao nhiệm vụ cho Hoàng Khánh Vinh bố trí lịch trình và tổ chức công tác bảo vệ khi Mao Chủ tịch đi qua Giang Tây để về Trường Sa.
|
Một mẫu bát "Mao Trạch Đông" |
Sau khi họp, Phó giám đốc Sở Công an tỉnh Hồ Nam Cao Văn Lễ đã đưa cho Khánh Vinh xem một cái bát ăn cơm bằng sứ, trên đó có vẽ những bông hoa mai màu hồng, và nói: “Cái bát này là để Mao Chủ tịch dùng”. Hoàng Khánh Vinh xem xong, thấy cái bát hơi thô, liền đưa lại cho Cao, và nhận xét: “Cái bát này màu xấu quá, đỏ chả ra đỏ, trắng chả ra trắng. Các lò gốm sứ ở Giang Tây chúng tôi làm được các loại bát đẹp hơn nhiều”. Uông Đông Hưng nghe thấy vậy liền vội vàng hỏi: “Thật không? Việc này không thể đùa được đâu”, thì Hoàng trả lời: “Tôi nói thật. Xin hãy để chúng tôi thử làm xem”. Câu chuyện này về sau đã được coi như một câu chuyện truyền kỳ, mang lại sự vinh quang cho thị trấn Cảnh Đức.
Cái bát mà Cao Văn Lễ đưa cho Hoàng Khánh Vinh nguyên là do các thợ gốm ở Hồ Nam làm ra cùng với một số đồ khác như bát đựng canh, đĩa, thìa, phạn đựng cơm v.v... được Tỉnh ủy Hồ Nam chọn lựa và gửi tới nhà khách Nam Xương để Mao Chủ tịch sử dụng mỗi khi Chủ tịch tới nghỉ ngơi ở đây.
Theo lời Uông cho biết thì khi cầm trên tay cái bát trên, các chiến sĩ cần vụ thấy Chủ tịch hơi chau mày, nhưng Người không nói gì. Bằng kinh nghiệm của mình, họ biết chắc chắn Chủ tịch không hài lòng với những cái bát mà người ta đã để Chủ tịch sử dụng, nhưng thật ra họ cũng không biết chắc Chủ tịch không hài lòng ở điểm nào. Vì vậy khi thấy Hoàng nói rằng Giang Tây có thể làm ra loại bát tốt hơn thì Uông rất mừng. Sau đó Hoàng đã được chính thức giao thêm nhiệm vụ là phải chế tạo ra bộ đồ ăn bằng sứ đặc biệt để Mao Chủ tịch dùng.
Sau khi nhận nhiệm vụ và trở về Giang Tây, Hoàng Khánh Vinh đã tức tốc tới thị trấn Cảnh Đức, gặp riêng Bí thư thị trấn Lý Khắc Thời để bàn về việc chế tạo bộ đồ ăn cơm bằng gốm sứ. Hoàng đặt vấn đề: “Trình độ chuyên môn của các lò gốm sứ ở chỗ anh có thể làm ra được những thứ tốt nhất không?”, thì được Lý trả lời một cách không do dự: “Không có loại gốm sứ nào mà thị trấn này không làm được cả, vì đây là thị trấn Cảnh Đức”. Rồi Lý nói vui: “Thế anh quên rằng sở dĩ người nước ngoài gọi TQ là China chính là do nguồn gốc từ gốm Cảnh Đức mà ra đó sao?”.
Những lời khẳng định của Lý khiến Hoàng rất tin tưởng. Hoàng cho Lý biết: T.Ư đã trao cho Cảnh Đức nhiệm vụ là phải chế tạo bằng được bộ bát sứ tốt nhất để Mao Chủ tịch sử dụng. Cả hai bàn bạc và đi đến thống nhất: Đây là một việc rất hệ trọng, một vinh dự rất lớn của những người thợ gốm Cảnh Đức, nhưng cũng là một nhiệm vụ rất khó khăn và rất cơ mật. Vì vậy, việc này phải được giữ bí mật tuyệt đối, bởi nếu để lộ thì có thể gây ra những chuyện khó lường. Cho nên chỉ cần đặt vấn đề với Thị ủy là cấp trên yêu cầu thị trấn làm một ít bát đĩa mà chất lượng phải đặc biệt cao. Và tất cả những điều này chỉ được truyền đạt bằng miệng, quyết không được lưu lại trên bất kỳ văn bản giấy tờ nào. Còn trực tiếp giao việc này cho ai làm, thì Bí thư Lý chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Để thực thi công việc, Lý Khắc Thời đã tới Sở Nghiên cứu kỹ thuật gốm sứ Cảnh Đức để giao nhiệm vụ.
Chỉ một thời gian sau, Bí thư Lý báo tin cho Hoàng tới xem lô hàng mẫu đầu tiên mới ra lò. Ngắm nhìn và nhấc một cái bát mẫu, thấy trên đó được trang trí hình chiếc thuyền đang trôi trên sông, lấy tay gõ nhẹ rồi lắng nghe âm thanh phát ra, Hoàng thấy có cái gì đó không ổn kể cả hình trang trí lẫn chất lượng. Hoàng bèn kéo Lý ra một chỗ nói cho Lý biết nhận xét của mình, rồi đề nghị Lý cho thành lập một tổ công tác đặc biệt gồm những người có kỹ thuật và tay nghề cao nhất của thị trấn để nghiên cứu và chế tạo lại, và Lý đã đồng ý.
Khoảng 2 tháng sau, La và các cộng sự đã đưa ra một loạt bát mẫu với kiểu dáng, màu sắc khác nhau như “thủy điểm đào hoa”, “thúy trúc hồng mai”, “song diện họa phù dung hoa” v.v... Hoàng đã gọi điện cho Uông Đông Hưng xin góp ý về màu sắc trang trí, thì được Uông cho biết Mao Chủ tịch là người rất thích hoa mai màu hồng. Vì vậy Hoàng và Lý quyết định chọn kiểu bát “thúy trúc hồng mai” (hoa mai hồng bên khóm trúc xanh).
Mẫu bát lập tức được đưa xuống để chế tạo. Nhưng mặc dù đã tốn đến hơn 10 vạn tệ (cỡ 200 triệu đồng tiền Việt) với rất nhiều lần thử nghiệm và sử dụng hết cả khối lượng cao lanh đặc biệt, sản phẩm làm ra vẫn chưa đạt yêu cầu.
Để giải quyết vấn đề cao lanh, La Tuệ Dung đã đề nghị Thị ủy cho ôtô tải tới huyện Lâm Xuyên (tỉnh Giang Tây), thuê bà con nông dân vùng này lên núi đào cao lanh loại đặc biệt nhất mang về bán cho Sở Gốm sứ Cảnh Đức. Số tiền chi cho việc này cũng lên tới hơn 5 vạn tệ. Khi cao lanh được chở về Cảnh Đức, Sở đã huy động tất cả cán bộ và công nhân dùng phương pháp thủ công truyền thống để chọn ra được 2 tấn cao lanh “thuần chủng” theo đúng yêu cầu của bộ phận kỹ thuật.
Từ hôm đó, La Tuệ Dung tạm thời giao việc quản lý chung cho người khác, còn mình chỉ chuyên tâm làm việc với tổ công tác. Sau rất nhiều lần thí nghiệm, tiêu tốn chừng hơn 10 vạn tệ nữa, vào khoảng tháng 11/1974, mẻ thành phẩm làm ra đã đạt yêu cầu. Và cũng phải sau vài mẻ tiếp theo thì đạt mẻ chất lượng tốt nhất mới ra lò. Tháng 1/1975 người ta đã chọn trong số này những thứ tốt nhất đựng vào 10 hòm gửi về Trung Nam Hải (Bắc Kinh) 4 hòm, nhà khách 828 thuộc Tỉnh ủy Hồ Nam 3 hòm, nhà khách Tỉnh ủy Giang Tây 2 hòm, và 1 hòm được gửi tới địa chỉ X nào đó mà cho tới nay cũng không ai được biết.
Sau khi công việc xong, Hoàng Khánh Vinh và Lý Khắc Thời ra lệnh giải tán tổ công tác, tiêu hủy tất cả những tài liệu và những vật phẩm có liên quan tới quá trình sản xuất. Và toàn bộ sự kiện này coi như kết thúc.--PageBreak--
Vào ngày 14/12/1996, Công ty Thái Bình Dương (Bắc Kinh) lần đầu tiên đã mang bán đấu giá “những đồ sứ của Mao Chủ tịch” tất cả có 68 thứ, và thu được số tiền khổng lồ là 870 vạn tệ (cỡ 17 tỉ 400 triệu đồng tiền Việt), trung bình mỗi thứ là 12,2 vạn tệ. Đây cũng là lần đầu tiên người ta biết một cách chính thức tới sự hiếm quý của các đồ sứ, đặc biệt là những đồ sứ dùng cho việc ăn uống mà Mao Chủ tịch sử dụng hàng ngày. Nhưng cũng bắt đầu từ đây trong giới chuyên sưu tầm đồ quý hiếm bắt đầu lan truyền về loại “mao từ” đã từng được Mao Chủ tịch sử dụng. Và có thể nói không ai có được những chứng cứ xác đáng về điều này. Và từ đó chuyện “tối thần bí mao từ” càng trở nên hấp dẫn với mọi người.
Sở dĩ như vậy vì theo những nhân viên đã từng trực tiếp phục vụ Mao Chủ tịch, thì vào quãng đầu năm 1975, các chiến sĩ cảnh vệ của Mao Chủ tịch nhận được 4 chiếc hòm trong đó có chứa các loại bát đĩa đặc biệt từ Giang Tây chuyển tới. Sau khi đã cùng với bộ phận chuyên môn kiểm tra kỹ lưỡng về tất cả mọi phương diện và được Mao Chủ tịch cho phép, người ta đã lấy ra một bộ đồ ăn, trong đó có một cái bát chuyên dùng để ăn cơm. Vẫn theo nguồn tin trên thì bộ đồ ăn này đẹp rất tao nhã với trang trí theo kiểu “thúy trúc hồng mai”. Mao Chủ tịch tỏ ra rất hài lòng với bộ đồ ăn mới mà theo Chủ tịch “đó mới đúng là sản phẩm của TQ”. Mao Chủ tịch đã dùng bộ đồ ăn này cho tới khi Người tạ thế (1976), đặc biệt là chiếc bát dùng để ăn cơm thì chắc chắn là không phải thay lần nào. Chiếc bát này được ban quản lý trực thuộc T.Ư Đảng khi đó ký hiệu là “7501 mao từ”.
Sau này qua Uông Đông Hưng, Hoàng Khánh Vinh được biết, những thứ mà Chủ tịch sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, trong đó có cả việc mua sắm bát đĩa để Chủ tịch dùng khi ăn cơm, đều do các chiến sĩ cần vụ của Chủ tịch mua và quản lý một cách bình thường, Văn phòng T.Ư Đảng cũng chưa bao giờ ra một văn bản nào quy định về việc này. Mãi về sau, khi mà mỗi đồ vật Chủ tịch đã dùng qua đều được coi là “quốc bảo” thì người ta mới tiến hành việc đặt tên cũng như đánh mã số cho từng thứ một. Vì lẽ đó, chiếc bát “7501 mao từ” chính hiệu đúng là độc nhất vô nhị, nên cái giá 170 vạn tệ, hoặc còn cao hơn nữa, cũng không lấy gì làm lạ.
So với các nhà sưu tầm nước ngoài thì các nhà sưu tầm đồ cổ TQ có một ý thích rất đặc biệt, đó là khi đã sưu tầm, nếu không phải là những thứ đơn chiếc, thì bao giờ họ cũng muốn có được cả một bộ của thứ đó. Nhưng trên thực tế thì việc sưu tầm được cả một bộ đồ dùng bằng sứ của Mao Chủ tịch là rất khó. Có rất nhiều nguyên nhân: một bộ đồ như vậy có bao nhiêu thứ, mỗi thứ có bao nhiêu chiếc. Điều này hầu như không một ai có thể nắm chắc được, bởi hình như khi sản xuất, thì chúng đã được coi là bí mật quốc gia, và ở mỗi công đoạn lại chỉ có một ai đó được biết mà thôi. Cộng vào đó là sau khi Chủ tịch tạ thế thì những đồ dùng, trong đó có các đồ bằng sứ, có thể bị thất lạc do rất nhiều nguyên nhân.
Và vì "mao từ" quý hiếm, đắt đỏ, nên trên thị trường xuất hiện “mao từ rởm”.
Đã có nhiều người, trong đó có cả những người “sành sỏi”, bị “xơi trái đắng” vì “ẵm” phải của giả với giá cao ngất ngưởng. Để phân biệt được sự thực hư của loại đồ sứ này ngoài việc nhờ đến các chuyên gia giám định theo kinh nghiệm, người ta còn phải kết hợp với kỹ thuật hiện đại, đó là sử dụng kỹ thuật “thăm dò và giám định không phá hủy”. Đây là một kỹ thuật hiện đại vào bậc nhất hiện nay ở các nước tiên tiến, trong đó có Việt Nam (Công ty Anpha NDT có địa chỉ tại 53/26 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội). Kết quả cho thấy nếu là “mao từ chính hiệu 7501”, thì không những màu sắc, hình vẽ nghiêm cẩn, độ dày mỏng giống nhau hầu như tuyệt đối, mà ngay cả những nguyên tố vi lượng của chất cao lanh và hợp chất khác cũng phải có thành phần đặc trưng giống nhau... Còn “mao từ rởm” thì không thể có được điều đó, mặc dù với nhiều người thì 2 loại "mao từ" này giống nhau như đúc.
Cũng theo ông Mã Hiểu Phong thì mới đây có một nhà sưu tầm nước ngoài đã đặt mua một lô hàng thuộc dòng “7501 mao từ” gồm 30 chiếc với giá 5,2 triệu USD của một nhà sưu tầm đồ sứ TQ, nhưng đến phút chót đã bị từ chối. Còn một nhà sưu tầm người Thượng Hải cũng cho trưng bày gần 10 chiếc được giới thiệu là “dòng 7501 mao từ” mà ông đã bỏ nhiều năm thu thập với số tiền mua lên tới hơn 100 vạn tệ. Nhưng qua kiểm tra bằng phương pháp nói trên thì hóa ra tất cả đều chỉ là đồ nhái.
Theo Nguyễn Minh Tuấn Tú /Công an nhân dân