|
Hình tượng Võ Tắc Thiên trong phim truyền hình Trung Quốc. |
Càn Lăng là lăng mộ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc hợp táng cùng lúc hai vị hoàng đế, nơi nữ hoàng Võ Tắc Thiên an nghỉ cùng chồng là hoàng đế Đường Cao Tông.
Theo ghi chép trong sử sách, sau khi Đường Cao Tông mất ở Lạc Dương, con cháu nhà Đường muốn xây lăng mộ ở Lạc Dương. Nhưng Võ Tắc Thiên vì muốn tôn trọng di nguyện của Cao Tông nên quyết định đã chọn mảnh đất trên trên núi Lương Sơn, cách thành cổ Tây An 76km.
Đây vốn là một dãy núi nham thạch đá vôi, có độ cao 1.047 mét so với mặt nước biển. Dãy núi đặc biệt này có tới ba đỉnh, bắt đầu nổi lên từ cao nguyên Hoằng Sĩ bằng phẳng.
Trong đó, đỉnh phía Bắc là cao nhất. Hai đỉnh phía Nam thấp hơn, Đông Tây đối đầu, được ví như cánh cửa thiên nhiên của khu lăng mộ.
Càn Lăng được khởi công vào năm 684 và xây dựng ròng rã 23 năm mới hoàn thành. Khu mộ được xây dựng vào thời kỳ hưng thịnh của nhà Đường nên có quy mô lớn và kiến trúc hùng vĩ.
Bí ẩn chưa có lời giải
Theo trang mạng Qulishi, đường vào Càn Lăng được đặt 103 tượng đá, trong đó có 61 tượng biểu trưng cho các bộ tộc khác nhau của Trung Hoa.
|
61 bức tượng mất đầu trên đường dẫn vào lăng mộ Võ Tắc Thiên. |
Theo sử sách chép lại, pho tượng nhằm tượng trưng cho các thủ lĩnh dân tộc thiểu số ở biên cương tham dự lễ tang hoàng đế nhà Đường.
Phía sau các pho tượng này đều có khắc chữ, nhưng nay đã mờ nhạt. Điều kỳ lạ 61 là pho tượng này đều mất đầu nhưng không ai biết rõ nguyên nhân vì sao.
Bên cạnh đó, những du khách đến thăm Càn Lǎng cũng ấn tượng về tấm bia trống trơn trước lăng mộ Võ Tắc Thiên.
Bia mộ là một khối đá điêu khắc lớn, rộng 2,1m, nặng 98,8 tấn, phần đầu khắc 8 đầu rồng quấn vào nhau, hai bên thân bia khắc hai con đường, trên con đường khắc một con tuấn mã và một con sư tử đực thần thái uy nghiêm.
Người đời suy luận rằng, Võ Tắc Thiên ngầm ví mình như một con tuấn mã, bên cạnh chồng bà, Đường Cao Tông Lý trị, là một con sư tử.
Các nhà sử học Trung Quốc đặt giả thiết tấm bia vốn đã được vạch ô sẵn để khắc văn bia nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà bia văn bị mất. Trải qua thời gian, mưa nắng đã bào mòn nhưng những nét chữ vẫn còn có thể trông thấy.
Một khả năng khác là Võ Tắc Thiên khi còn sống đã làm nhiều việc kinh thiên động địa, tốt có và xấu cũng có nên tấm bia không viết chữ nào là hàm ý để cho người đời tự đánh giá.
Ẩn chứa kho báu khổng lồ
|
Tấm bia đá gây nhiều tranh cãi cho đến ngày nay. |
Theo tạp chí China Scenic, Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên đều trị vì trong thời đại nhà Đường hưng thịnh nhất.
Cao Tông có thể đã được chôn cùng với 1/3 số tài sản của quốc gia lúc bấy giờ. 20 năm sau đó, đến lượt Võ Tắc Thiên ra đi với 1/3 số tài sản khi đó. Ước tính châu báu trong lăng mộ Võ Tắc Thiên lên tới 500 tấn.
Ẩn chứa kho báu khổng lồ như vậy nên Càn Lăng không nằm ngoài mục tiêu của những kẻ trộm mộ. Ước tính trong 1.300 năm qua, Càn Lăng đã từng bị xâm phạm đến 17 lần.
Năm 1960, một vài người dân địa phương tình cờ chạm đến phần lăng mộ Võ Tắc Thiên ở Càn Lăng. Ngay lập tức, khu vực này đã bị phong tỏa, trở thành bí mật quốc gia.
Cuối thời nhà Đường, Hoàng Sào (820-884), lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa nông dân đã huy động tới 400.000 người đào bới liên tục trong khu vực với hy vọng tìm thấy của cải. Nhưng ngay cả khi đã đào sâu tới 40 mét vào lòng núi trong nhiều năm, nhóm người này vẫn không tìm thấy dấu vết gì.
Các nhà sử học hiện đại nói, đạo quân này tuy đông đảo nhưng lại không hiểu biết gì về Càn Lăng, do đó họ đã đào sai vị trí dẫn đến việc phải tay trắng ra về.
Thứ sử Diệu Châu là Ôn Đạo (907-960) là một mộ tặc khét tiếng, từng đào xới hơn 10 lăng mộ Đường triều, thu về nhiều tài sản, kho báu.
|
Chính quyền Trung Quốc ngày nay vẫn chưa thể thống nhất được kế hoạch khai quật lăng mộ Võ Tắc Thiên. |
Ôn Đạo từng huy động tới 2 vạn người để khai quật Càn Lăng. Nhưng trong quá trình đào bới, thời tiết thường xuyên xảy ra mưa bão, sấm sét dữ dội. Nhóm người khai quật cũng liên tục chết vì tai nạn, bệnh tật.
Ôn Đạo cuối cùng phải từ bỏ ý định đào bới Càn Lăng. Dưới thời Quốc Dân Đảng, tướng Tôn Liên Trọng cũng từng huy động một binh đoàn với một lượng lớn thuốc nổ để phá núi. Nhưng Càn Lăng cuối cùng vẫn đứng vững.
Ngày nay, các nhà sử học Trung Quốc xác nhận Càn Lăng là khu mộ hoàng tộc nhà Đường duy nhất còn nguyên vẹn, chưa bị cướp bóc. Kết luận này dựa trên đường vào khu lăng mộ vẫn trong tình trạng tốt và việc đào bới vào sâu bên trong lòng núi là điều không hề dễ dàng.
Giá trị lịch sử của Càn Lăng là không thể phủ nhận. Nhưng các nhà khảo cổ và chính quyền Trung Quốc cho đến nay vẫn tranh cãi về việc có nên khai quật hầm mộ của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên hay không. Một vấn đề khác là công nghệ khai quật hiện tại chưa đảm bảo khả năng duy trì nguyên vẹn các hiện vật, vốn đã tồn tại trong hơn 1.300 năm qua.
Năm 2012, giới chức Trung Quốc ở tỉnh Thiểm Tây từng tuyên bố: “Trong tương lai gần, vấn đề khai quật Càn Lăng sẽ không được bàn đến, ít nhất là sau 50 năm nữa”.
Có lẽ sau vài thập kỷ tới, hoàng đế Đường Cao Tông và nữ hoàng Võ Tắc Thiên “mới có thể được nhìn thấy ánh sáng Mặt trời” một lần nữa.
Theo Đăng Nguyễn/Danviet