Bí mật cuộc đời “bà trùm hai ngón” nổi tiếng lịch sử tội phạm

Google News

Sofia Bluvshtein nổi tiếng với biệt danh “Sonya Tay Vàng” có lẽ là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp bậc nhất cũng như hành nghề lâu nhất tại Nga. Cuộc đời nữ đạo chích này cũng đầy kịch tính cho đến phút cuối.

Nước Nga vào thế kỷ 19, có một tên tội phạm ranh ma “kịp” nổi tiếng trước khi vào nhà đá “bóc lịch”. Với “thành tích” lẫy lừng trong nghề đạo chích và vẻ ngoài ưa nhìn mà Sophia Bluvstein được phong thành “Nữ hoàng trộm cắp”.
 “Sonya Tay Vàng” thời trẻ
Vũ khí nhan sắc
Lịch trình “nhập nha” của Sophia-Sonya rất đơn giản và láu cá. Để vào mục tiêu, Sonya thường ăn mặc sang trọng, điềm nhiên bước vào các khách sạn hạng sang và các thao tác, điệu bộ của siêu trộm này trông hệt như một quý bà. Nhờ tài giả trang này mà ít người để ý đến Sonya khi cô ta đi qua các ngóc ngách của khách sạn để điều nghiên trước.
Sonya biết rằng khách khứa trong khách sạn thường có thói quen tiệc tùng vào buổi tối và ngày hôm sau sẽ ngủ muộn đến tận trưa. Vì thế, ngay khi trời chưa sáng, Sonya đã xỏ đôi dép mềm và dáo dác tìm ai hớ hênh đồ đạc để lấy. Sonya chú ý đến những cửa phòng mở, hay sử dụng cần trục, và nhẹ nhàng tiến vào các phòng nơi khách khứa đang say sưa giấc nồng để “thó” những chiếc túi dầy cộm tiền.
Nhưng nếu chẳng may khách thức giấc bất ngờ thì sao? Nữ đạo chích không hề nao núng. Chỉ trong vài giây đó, Sonya lại gây ngạc nhiên cho các vị khách trước hình ảnh một quý bà xinh đẹp trong phòng của họ. Nếu khách là quý ông lớn tuổi, Sonya sẽ giả cách đỏ mặt, lí nhí cho rằng mình mắc lỗi và rút êm khỏi phòng cùng với tiền của nạn nhân.
Nếu khách tỏ vẻ quan tâm tới vẻ bề ngoài của Sonya thì cô ta sẽ hành động khác: nại lý do đã nhầm lẫn vào phòng, nhưng ánh mắt tình tứ ngụ ý rằng rất vui khi ở đó với quý ngài đẹp trai… Sau màn “giả nai” và đợi cho khách ngủ thiếp đi vì mệt, Sonya lại điềm nhiên cuỗm tiếp và nhanh chóng rời khỏi phòng. Nếu bị gác cửa giữ lại, Sonya không ngại “hối lộ” cho người này kiểu như một khoản “tiền típ” và lẩn thật nhanh.
Sophia-Sonya khác xa với những cô gái làm tiền bình thường. “Nữ hoàng” đã học cách ăn cắp vặt ngay từ thủa ấu thơ. Sophia sinh vào khoảng năm 1850 tại một khu vực ở Warsaw (Ba Lan), gần với biên giới, nơi nhiều người dân sở tại kiếm sống bằng nghề buôn lậu, ăn cắp và cướp trộm. Ngay từ tuổi thiếu niên, Sonya đã tỏ ra thích diện đồ đẹp, niềm đam mê chính lại là vàng và kim cương.
 “Sonya Tay Vàng” bị giam ở đảo Sakhalin năm 1888
Tròn tuổi 15, Sonya đã bỏ nhà để lấy một thương gia, nhưng người chồng này cũng nhanh chóng rời bỏ do tính táy máy của cô vợ. Người chồng thứ hai của Sonya tên là Mikhail Bluvshtein, vốn là một tên bịp bợm có hạng, tên này dạy vợ muốn kiếm tiền nhanh chỉ có cách đánh cướp và gian lận.
Sonya nhanh chóng bập theo, thậm chí bản lĩnh còn táo tợn hơn chồng, và bắt đầu “kiếm ăn” một mình. Sonya nổi danh “2 ngón” bởi những kỹ năng lường gạt dính dáng đến tội phạm. Nếu cần thiết, cô ta không ngại quyến rũ bất kỳ người đàn ông nào, cả cảnh sát, điều tra viên, cai ngục, lính hộ vệ, hay thậm chí cả bá tước, hoàng tử và tướng tá cũng rơi vào bẫy tình do ả giăng sẵn.
Khi “cá cắn câu”, Sonya giả cách yêu người đó thiết tha, say đắm, làm như là người trong mộng và duy nhất của họ. Nhiều người đàn ông không đủ tỉnh táo để thoát khỏi cạm bẫy. Kết cục họ mất gia đình và chức vụ. Còn Sonya rất ranh mãnh để trốn thoát pháp luật.
“Quý bà” đạo chích
Sonya nhanh chóng trở thành một “huyền thoại” sống trong số các tên trộm ở Nga. Nhờ khả năng lẩn tránh tài tình lưới pháp luật mà nhiều tên trộm vặt đã xưng tụng Sonya, tỏ ra rất vinh dự khi được làm việc cùng với “Mẹ” hay “Nữ hoàng”.
Kịch bản của nhóm này là vài người trẻ trung, diện đồ hợp mốt, đi thong thả vào các tiệm đồ trang sức, đi từng người một. Đột nhiên cùng lúc nhiều khách hàng trong đó có một nữ quý tộc hỏi người quản lý tiệm rằng bà ta muốn mua kim cương. Nữ khách lạ tỏ ra chú ý tới món trang sức, săm soi tới lui, giữ viên đá quý trong bàn tay với những móng tay thật dài và chăm chút cẩn thận.
Cuối cùng nữ khách cũng mua một mặt dây chuyền rẻ tiền và cố gắng rời đi, nhưng chủ nhân nhận ra một số viên kim cương biến mất. Ông ta gọi báo cảnh sát và họ lùng sục đám khách lạ, thay vì sợ sệt, đám khách còn giả đò la ó, tỏ vẻ trong sạch.
Cảnh sát chả tìm thấy gì, riêng chủ tiệm được nữ quý tộc tát một cái vào mặt, sau đó rút đi và còn kèm theo vẻ lớn lối tuyên bố “bị làm nhục” và không quay trở lại. Các viên kim cương cũng không cánh mà bay, có lẽ chúng nằm kẹp trong các móng tay dài của Sonya hay ngậm dưới lưỡi của “quý bà”.
Cùng đêm đó, cả “đám khách” mua trang sức sẽ uống vang thượng vạng do chính Sonya khao. “Bàn tay vàng” chính là biệt danh do những tên “giang hồ” ngưỡng mộ kỹ năng ăn cắp vô song mà phong tặng cho Sonya.
 Ngôi mộ của Sofia Bluvshtein tại nghĩa trang Vagankovskoe ở thủ đô Moscow, Nga.
Trong suốt “sự nghiệp” của mình, Sonya đã “khoắng” hầu như các tiệm trang sức lớn ở Nga. Tiền kiếm được nhiều nên Sonya ăn chơi xả láng và cho hai con gái sang Pháp du học, không muốn chúng “nối nghiệp” mẹ.
Tại nghĩa trang Vagankovskoe ở thủ đô Moscow có một ngôi mộ kèm một bức tượng tạc hình một phụ nữ được phủ vải. Bia mộ đề “Bluvshtein”, và bức tượng được khắc rất nhiều dòng chữ. Nhiều kẻ “giang hồ” thường kéo tới ngôi mộ để bày tỏ lòng kính trọng người nằm dưới huyệt, để lại lời cầu chúc và các thông điệp, và đôi khi có cả hoa tươi hay một món trang sức rẻ tiền.
Nhưng đây không phải là mộ của Sonya. Sofia Bluvshtein qua đời vào năm 1902 ở Sakhalin và xác được an táng ở nghĩa địa này. Cuối đời, Sonya phải lòng một tên móc túi tên là Kochubchik, một dân nghiện cờ bạc thứ thiệt. Sau vài cú đánh bạc thua liểng xiểng, hắn ta đã mượn tiền của Sonya. Chẳng mấy chốc hắn bắt đầu sống sung sướng bằng tiền do người tình kiếm được, còn Sonya bắt đầu đối mặt rủi ro khi phải tìm cách để cung phụng cho Kochubchik.
Có lần, “Sonya Tay Vàng” tìm đến một nhà giàu và hỏi người gác cổng rằng ông chủ có nhà không, khi người gác cổng chạy đi thông báo thì cô ta đã khoắng sạch mọi thứ trong phòng khách của chủ nhà và lẩn mất. Hành vi này khác xa so với phong cách “quý tộc” của Sonya.
Hồi thập niên 1880, khi nhiếp ảnh phát triển, người ta đã biết tới chân dung của Sonya, vì thế cảnh sát luôn để mắt theo dõi. Sonya đã trốn khỏi nhà tù ở Smolensk và trốn biệt luôn khỏi khu trại giam ở Viễn Đông. Nhưng khi vào tuổi 40, Sonya đã được đưa tới đảo Sakhalin và mắc kẹt ở đó.
Các nhiếp ảnh gia chụp được cảnh Sonya trong thời gian bị xích trước khi bán các bản sao ảnh cho khách hàng đi tàu thủy, vì thế dù là ngồi tù nhưng Sonya vẫn “nổi tiếng” trong suốt thời gian dài.
Nhiều năm bị cùm khiến tay bị liệt, Sonya chua chát than: “Họ đã tra tấn tôi bằng các bức ảnh đó. Tôi cố gắng trốn thoát nhưng giờ già rồi, không đủ sức”.
Sonya đã trải qua những năm tháng đau buồn bị các con chối bỏ khi họ biết sự thực về “nghề nghiệp” của mẹ.
Theo Văn Chương/Pháp Luật VN