Nhóm "đạo chích" Hồi giáo khét tiếng thời Trung cổ, với phạm vi hoạt động rộng lớn, trải dài từ Tây Ban Nha tới biên giới Trung Quốc, có tên là Banu Sasan. Đây là tổ chức quy tụ những kẻ lêu lổng, bọn tội phạm và cả các thi sĩ lang thang có tài "đào tường, khoét ngạch" táo tợn.
Chúng đã đột nhập vào các ngôi nhà bằng cách sử dụng bộ đồ nghề bao gồm một chiếc xà beng, một cây nến, bánh mỳ ôi thiu, các hạt đậu khô, một đinh sắt, một cái khoan, một cây gậy có bịt vải ở một đầu, một túi cát và quan trọng là một con rùa.
|
Xứ Ba Tư thời Trung cổ (bao gồm cao nguyên Iran và khu vực xung quanh) được coi là quê hương của nhóm siêu trộm Hồi giáo Banu Sasan. (Ảnh: Corbis). |
Tạp chí Smithsonian trích dẫn nghiên cứu của nhà sử học Anh, giáo sư Clifford Bosworth cho biết, các tên trộm Banu Sasan thường ra tay vào đêm tối sau khi đào đường hầm xuyên vào nhà nạn nhân. Chúng hay dùng đinh sắt hoặc móc sắt để đục thủng một bức tường của ngôi nhà. Dẫu vậy, nếu nhận thấy vào bằng đường cửa chính sẽ tốt hơn, chúng sẽ dùng xà beng thay vào đó.
Một khi đã tạo được cái lỗ đủ lớn để chui lọt qua, bọn trộm sẽ thọc cây gậy có một đầu bịt vải qua lỗ để phòng ngừa việc bị tấn công. Cây gậy chính là vũ khí giúp những tên "đạo chích" ranh ma phòng vệ, tránh bị thương trong trường hợp có ai đó phát hiện ra vụ đột nhập và dùng kiếm hoặc búa tập kích kẻ chui qua lỗ.
Khi biết có thể an toàn xâm nhập vào nhà nạn nhân, bọn trộm sẽ sử dụng công cụ đặc biệt của chúng: con rùa. Giáo sư Bosworth miêu tả vai trò của con vật này như sau: "Tên trộm luôn mang theo mình một viên đá lửa và một cây nến bé bằng ngón tay út. Hắn sẽ thắp sáng cây nến và gắn nó lên mai rùa. Con rùa sau đó được đưa qua lỗ tường vào nhà và bò chầm chậm đây đó, rọi sáng ngôi nhà và đồ đạc có bên trong".
Tiếp đến, tên trộm sẽ mang theo túi cát đi kiểm tra các chủ nhân đang ngủ trong nhà. Hắn sẽ ném các nắm cát nếu có ai đó báo động về kẻ đột nhập.
Theo giáo sư Bosworth, tên trộm có thể nhai một ít bánh mỳ ôi thiu với hạt đậu khô để giả tiếng mèo đang ăn thịt chuột nhằm không làm kinh động bất kỳ chủ nhân đang ngủ nào.
Bất chấp các kiến thức trên, phần lớn các thông tin về nhóm siêu trộm Banu Sasan vẫn mang tính phỏng đoán. Điều này là do chỉ có rất ít tài liệu cung cấp những hiểu biết về thế giới ngầm Hồi giáo.
|
Cảnh đường phố ở một thị trấn Trung Đông thời Trung cổ. (Ảnh: Smithsonian). |
Hầu hết các văn tự bằng tiếng Arập được các tác giả viết ở các thành phố và phục vụ ý muốn của những người bảo trợ cho họ. Hiện vẫn có nhiều điều chưa rõ ràng, chẳng hạn như tên nhóm Banu Sasan đã ra đời như thế nào.
Các tài liệu còn sót lại đã đề cập tới 2 lời lý giải không tương thích nhau. Theo lý giải thứ nhất, các tên tội phạm Hồi giáo được coi là những người hầu hay tôi tớ của Sheikh Sasan, một vị hoàng tử Ba Tư bị cướp ngôi vua và phải sống lang bạt "nay đây, mai đó".
Lý giải thứ hai cho rằng, cái tên Banu Sasan bắt nguồn từ "Sasanid", tên của triều đại trị vì cổ xưa của Ba Tư đã bị quân Arập hủy hoại vào giữa thế kỷ thứ 7. Sự cai trị của những kẻ xâm lược ngoại lai đã đẩy nhiều người Ba Tư vào bước đường của kẻ vô gia cư và ăn mày, buộc họ phải sống ngoài vòng pháp luật.
Hiện các nhà khảo cứu và chuyên gia không có cách nào xác định liệu bất kỳ giả thuyết nào nói trên là đúng sự thật hay không. Tuy nhiên, có một sự thực là tổ chức Banu Sasan đã tồn tại suốt 6 thế kỷ, có mặt ở khắp nơi, từ Tây Ban Nha tới biên giới Trung Quốc.
Sở hữu các ngón nghề đạo chích tinh vi và dùng tiếng lóng, các tên trộm Banu Sasan đã tạo ra sự tương phản với thời kỳ hưng thịnh của Hồi giáo. Khi không đột nhập vào các ngôi nhà "khoắng" đồ, chúng lại thể hiện mình như những người tu khổ hạnh hoặc các nhân vật thần bí Hồi giáo.
Theo PV/Vietnamnet