Đó là chuyện về công chúa Phất Kim, người từng được gả cho một vị hoàng thân là bà con của vua Ngô Quyền, nhưng cuối cùng, chồng phản bội đất nước theo giặc, bà thì mang thương tích và nỗi tủi nhục đến cuối đời.
Công chúa Phất Kim là con gái thứ ba của vua Đinh Tiên Hoàng, vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh và cũng là vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt Nam tự chủ sau 1000 năm Bắc thuộc.
Trên công chúa Phất Kim, vua Đinh Tiên Hoàng còn có hai người con gái khác là công chúa Minh Châu và công chúa Phất Ngân.
Đinh Tiên Hoàng lên ngôi sau khi dẹp yên “loạn 12 sứ quân”, nên ông luôn tìm cách khống chế tầm ảnh hưởng của các sứ quân và hậu duệ của họ.
|
Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. |
Công chúa Minh Châu được nhà vua gả cho tướng Trần Thăng, em ruột sứ quân Trần Lãm, người đã trao nhường toàn bộ binh quyền vùng Bố Hải Khẩu cho nhà vua.
Công chúa Phất Ngân sau này lấy Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn, người sau này sẽ là vua Lý Thái Tổ, sáng lập triều Lý của Việt Nam. Còn công chúa Phất Kim được Đinh Tiên Hoàng gả cho sứ quân hàng đầu dòng dõi quý tộc là Ngô Nhật Khánh.
Ngô Nhật Khánh vốn cùng quê Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội ngày nay) với Ngô Vương. Khi Ngô Vương mất, nổ ra loạn 12 sứ quân, ông là một trong số đó, xưng là Ngô Lãm công, cát cứ tại quê nhà Đường Lâm.
Khi Đinh Bộ Lĩnh đem quân dẹp gần hết các sứ quân, Ngô Nhật Khánh và cả cháu nội Ngô Quyền là Ngô Xương Xí đều đem quân về hàng.
Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đã lấy mẹ Ngô Nhật Khánh làm hoàng hậu đồng thời gả công chúa Phất Kim cho Nhật Khánh. Mẹ của Ngô Nhật Khánh còn sinh với Đinh Tiên Hoàng một hoàng tử là Đinh Hạng Lang, tuy nhiên sau này Hạng Lang đã bị người con lớn của Tiên Hoàng là Đinh Liễn giết chết.
|
Công chúa Phất Kim thì được Đinh Tiên Hoàng gả cho sứ quân hàng đầu dòng dõi quý tộc là Ngô Nhật Khánh. (Ảnh minh họa) |
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Ngô Nhật Khánh tuy là phò mã nhà Đinh, nhưng lúc nào cũng nuôi chí phục thù, mong dựng lại cơ đồ nhà Ngô... Do đó, ông ta tìm mọi cách để chống lại vua Đinh, trong đó có cả cách liên hệ với vua Chiêm Thành để mưu đồ phản nghịch.
Khi nhận được mật thư của vua Chiêm thông báo sẵn sàng cất quân đánh Đại Cồ Việt, Ngô Nhật Khánh liền ép vợ con chạy sang Chiêm Thành.
Theo sử cũ ghi chép, Ngô Nhật Khánh dẫn vợ là công chúa của Đinh Tiên Hoàng đi trốn. Tới cửa biển Nam Giới (tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), hắn rút dao bên mình ra, xẻo má vợ mà kể tội: "Cha mày đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta đâu lại vì mày mà bỏ qua tội ác của cha mày. Thôi, mày hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta đây..."
Nói xong, Ngô Nhật Khánh sang thuyền chiến cạnh đó hối thúc quân chèo vào Nam, bỏ lại thuyền chở công chúa và những nữ hầu. Các nữ hầu cùng phu thuyền liền băng bó cho công chúa, rồi nhanh chóng chèo thuyền trở về kinh thành Hoa Lư chạy chữa thuốc men.
Tuy nhiên, đau khổ vì bị làm nhục, công chúa đã xuống tóc đi tu trong một ngôi chùa ở Kinh thành Hoa Lư.
Sau khi Đinh Tiên Hoàng cùng hoàng tử Đinh Liễn bị giết hại tháng 10/979, rồi quân Tống chuẩn bị xâm lược, các tướng cùng Hoàng hậu Dương Vân Nga đưa Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua.
Ở phía Nam, Ngô Nhật Khánh và vua Chiêm Thành cũng dẫn hơn một nghìn chiến thuyền tiến theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang định đánh Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, đội thuyền này đã bị một trận cuồng phong nhấn chìm, Ngô Nhật Khánh cũng bị chết đuối.
Còn công chúa Phất Kim sau đó đã nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt, phía tây bắc kinh thành Hoa Lư tự trầm mình. Nhân dân thương bà, lập đền thờ, còn gọi là phủ Bà Chúa. Hiện ngôi đền nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, ở làng Yên Thành, xã Trường Yên, Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.
Còn người mẹ của Ngô Nhật Khánh, sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, cũng lập một ngôi chùa ở ngoại thành Hoa Lư để tu hành, ngôi chùa có tên là Đàm Lư nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Bà Ngô, nay nằm ở thôn Hoàng Long, cũng trong xã Trường Yên, Hoa Lư.
Theo Lê Tiên Long /Khám phá