Vua Lợn Lê Tương Dực tên thật là Lê Oanh (có sách chép là Lê Oánh), sinh năm Quý Sửu (1493), con của Kiến vương Lê Tân và là cháu nội của Lê Thánh Tông. Thân mẫu vua là bà Trịnh Thị Tuyên, người xã Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương (nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hoá).
Thời Lê Hiến Tông (1494-1504) ở ngôi, Lê Oanh được phong tước Giản Tu công; sau khi Lê Hiến Tông mất, Lê Túc Tông kế nghiệp thì Lê Oanh vẫn giữ tước như cũ. Ở ngôi được 6 tháng (tháng 6-12/1504) thì Lê Túc Tông lâm bệnh qua đời, anh trai vua là Lê Tuấn được đón vào cung lên ngôi đại thống (tức Lê Uy Mục), từ đó triều chính dần suy vi bởi Lê Uy Mục là người hiếu sát, nghi kỵ người trong tôn thất mà bức hại, người bị giết kẻ bị cầm tù. Bấy giờ bản thân Lê Oanh cũng bị bắt giam, sau ông tìm cách đút lót cho lính cai ngục rồi tìm đường chạy trốn vào Tây Đô (Thanh Hóa ngày nay). Tại Tây Đô, Lê Oanh được một số quan tướng đứng đầu là Nguyễn Văn Lang đã đón về lập làm minh chủ, chuẩn bị dấy nghĩa lật đổ Lê Uy Mục.
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu:
Túc Tông số lẻ vận suy,
Để cho Uy Mục thứ chi nối đời.
Đêm ngày tửu sắc vui chơi,
Tin bè ngoại thích hại người từ thân.
Văn Lang xướng suất phủ quân,
Thần Phù nối ánh phong trần một phương.
Giản Tu cùng phái ngân hoàng,
Vào Thanh hợp với Văn Lang kết thề
Đem binh vây bức đô kỳ,
Qủy vương khuất mặt, quyền về Trư vương.
Sau khi lật đổ “vua Qủy” Lê Uy Mục, ngày 4 tháng 12 năm Kỷ Tị (1509) Lê Oanh được quần thần tôn lên ngôi và đặt niên hiệu là Hồng Thuận (tức Lê Tương Dực). Khi mới làm vua, ông “ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp”.
Trong một bài ký, quan đại thần Đỗ Nhạc có viết như sau: “Vua lấy thông minh làm vua, duệ trí nêu nước, mở rộng quy mô của Thái Tổ dựng cơ đồ, rộng thêm trị hiệu của Thánh Tông sùng văn giáo, mới đặt giảng diên, để tâm điển tịch. Để tỏ ra văn chương ngang trời dọc đất của nhà vua thì làm tập Bảo thiên thanh hạ, để mở rộng gương sáng châm trước xưa nay về trị đạo, thì soạn tập Quang Thiên thanh hạ. Thánh bậc ngày càng cao minh, thánh đức ngày càng thuần túc. Hơn nữa đến nhà Thái học, hỏi trị đạo, ra nơi điện đình thi học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan trùng tu Quốc tử giám và làm mới nhà bia, lại nghĩ tới hai khoa Ất Sửu, Mậu Thìn chưa có dựng bia, liền sai quan khắc bia soạn ký để dựng lên. Như vậy có thể thấy được cái ý tôn sùng đạo học, khuyến khích hiền tài sâu sắc dường nào!” (Đại Việt sử ký toàn thư).
|
Lê Tương Dực hoang dâm hiếu sắc. (Hình minh họa – Nguồn: diendanlichsu). |
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, trong quan hệ đối ngoại, để có chính danh nên “sau khi lên ngôi, vua sai bọn đầu mục Lê Quảng Độ, Lê Điêu, Nguyễn Văn Lang, Lê Tung, Hưng Hiếu, Trình Chí Sâm, Trịnh Tuy, Lương Đắc Bằng, Đỗ Lý Khiêm, Đinh Ngạc, Đặng Minh Khiêm, Đỗ Nhân, Lê Nại, Đàm Thận Giản dâng biểu trần tình với nhà Minh. Lời biểu nói: Đoan Khánh Lê Tuấn tập phong tước vương đã được 4 năm, tin dùng phe cánh họ mẹ là bọn Khương Chủng, Nguyễn Bá Tuấn, ngang tàn bạo ngược, đảo lộn triều cương, tàn sát họ hàng, giết ngầm tổ mẫu, người trong nước điêu linh, dân không chịu đựng nổi. Bọn Chủng, Thắng quyền át trong ngoài, ác đảng ngày càng lan rộng, mưu cướp quyền nước”. Tháng 2 năm Canh Ngọ (1510) Lê Tương Dực cử liền lúc 2 đoàn sứ bộ, một đoàn “sang tâu việc”, một đoàn “sang cầu phong”. Cuối năm đó, lại cử thêm một đoàn nữa “sang tuế cống nhà Minh”.
Đến năm “Quý Dậu (1513)… Tháng giêng, ngày 26, nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thuỷ, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phan Hy Tăng sang sách phòng vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục. Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thuỷ rằng: "Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu". Đến khi về, vua tặng biếu rất hậu. Nhược Thuỷ và Hy Tăng không nhận. Vua làm thơ tiễn…” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong sự kiện ngoại giao quan trọng này có một điều mà chính sử không nhắc đến, có lẽ vì tính tế nhị, nhạy cảm. Sau thời trị vì của Lê Tương Dực đúng 274 năm, tức là vào năm Canh Tuất (1790) có chuyện vua Quang Trung sai người đóng giả mình để sang triều cận chúc mừng nhân lễ sinh nhật thứ 80 của vua Thanh Càn Long, thế nhưng ít ai biết rằng Lê Tương Dực có lẽ là vị vua đầu tiên chọn người đóng thế trong hoạt động đối ngoại. Tại sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của vị Tiến sĩ triều Nguyễn là Khiếu Năng Tĩnh (1835 – 1920), trong phần chép về các danh thần, danh tướng có nhắc đến một nhân vật tên là Vũ Thanh Đạt như sau:
“Vũ Thanh Đạt, người xã Quần Phương Hạ, huyện Hải Hậu. Thời Lê Tương Dực, sứ nhà Minh sang thấy vua, bảo vua mặt đẹp nhưng nghiêng ngả vì tính hiếu sắc, là loại vua Lợn. Khi sứ phong cho vua, ông đóng giả vua có diện mạo khôi ngô đến cửa Nam Quan chịu phong. Lúc trở về được vua cho làm quan Huyện thừa ở huyện Phong Hóa (tức Sơn Tây). Nay tại Quần Phương Hạ có đền thờ làm Phúc thần”.
|
Đón tiếp sứ thần phương Bắc. (Hình minh họa – Nguồn: trangsuvang.com). |
Lê Tương Dực lao vào con đường xa hoa trụy lạc, “ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi dậy, dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy!” (Đại Việt sử ký toàn thư)…
Tương Dực xa xỉ, bất tài,
Điện trăm nóc, Cửu Trùng đài dựng chơi!
Khốn thay mười mấy năm trời,
Bạc tiền hời hợt, thân người chẳng ra.
Thông dâm mỹ nữ triều cha,
Sứ Minh sang thấy, kêu là "tướng heo".
Làm vua chẳng mấy người theo,
Sơn hà nổi loạn, người nghèo khắp nơi.
(Trích: Việt Nam sử ca – Tg: Ngọc Diện Hoa)
Nhiều quần thần can ngăn nhưng vua không nghe, có người còn bị đánh đập như trường hợp của Trịnh Duy Sản, vì thế họ hợp mưu đem quân đánh vào hoàng cung lật đổ Lê Tương Dực.
Ngày 7 tháng 4 năm Bính Tý (1516), nghe tin có binh biến, Lê Tương Dực chạy ra đến trước cửa nhà Thái học (Quốc Tử Giám) thì bị bắt, Trịnh Duy Sản sai quân giết vua rồi đem thi hài về quán Bắc Sứ (nay thuộc phố Quán Sứ, Hà Nội) dùng lửa thiêu, xương cốt cho vào quan tài đem chôn ở lăng Ngự Thiên, xã Mỹ Xá, xứ Sơn Nam Hạ (nay là huyện Hưng Hà, Thái Bình); năm đó Lê Tương Dực mới 24 tuổi, làm vua được hơn 6 năm.
Trong cảnh biến loạn cung đình lúc bấy giờ, Vũ Thanh Đạt – người từng đóng giả vua Lê Tương Dực có lẽ khi ấy đang làm quan ở nơi trị nhậm tại Sơn Tây, và vì không có quan hệ mật thiết gì với vị vua xấu số nên ông được bảo toàn tính mạng. Không rõ số phận của ông sau này ra sao nhưng chắc chắn Vũ Thanh Đạt có ít nhiều công trạng tại nơi làm quan và với người dân quê hương nên sau khi mất, ông được tôn làm Phúc thần, được lập đền thờ phụng.
Lê Thái Dũng