Bí ẩn về Quan Âm bạch ngọc cầu xin con cái của hoàng tộc triều Nguyễn

Google News

Bức tượng đặc biệt không chỉ ở chất liệu, hình khối, sự tinh xảo, nghệ thuật mà còn đến từ số phận, ý nghĩa văn hóa, tâm linh mà cổ vật quý mang trên mình.

Xuất xứ từ trăm năm trước nơi thâm cung bí sử hoàng tộc triều Nguyễn, tượng Quan Âm bạch ngọc được đánh giá là cổ vật đạt đến sự tinh xảo, nghệ thuật thượng thừa “độc tôn” trong số hơn 200 cổ vật, tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng, để có được “địa vị” như ngày nay, cổ vật quý giá này từng “lận đận” trăm năm dưới tấc đất Hoàng thành Huế.
Những bí ẩn đằng sau pho tượng quý giá
Lần theo những tư liệu khảo cổ, tư liệu Phật giáo quý giá do Bảo tàng TP. Đà Nẵng cung cấp, chúng tôi có dịp được “mắt thấy, tai nghe” câu chuyện kỳ bí về bức tượng Quan Âm đặc biệt nhất tại chùa Quán Thế Âm (ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm thuộc khu vực núi Ngũ Hành, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).
Theo Hòa thượng Thích Huệ Vinh, thượng tọa trụ trì chùa Quán Thế Âm, tính đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam có đến hơn 500 cổ vật, trong đó 200 cổ vật quý hiếm, mang đậm bản sắc Phật giáo cùng tín ngưỡng dân gian qua ngàn năm lịch sử dân tộc. Nhưng trong số ấy, cổ vật tượng Quan Thế Âm bằng bạch ngọc này được xem là đặc biệt nhất, quý giá nhất.
Pho tượng Phật Quan Âm Tống Tử quý giá, cổ vật được nghiên cứu đề nghị lập hồ sơ bảo vật quốc gia 
Bức tượng đặc biệt không chỉ ở chất liệu, hình khối, sự tinh xảo, nghệ thuật mà còn đến từ số phận, ý nghĩa văn hóa, tâm linh mà cổ vật quý mang trên mình. Về hình thức, cổ vật cao 29cm, bề ngang 17cm, nặng gần 5kg, toàn bộ được làm bạch ngọc. Chính chất liệu quý giá trên của pho tượng đã dấy lên nhiều trang luận trong giới nghiên cứu khảo cổ. Theo đó, đại đa số những pho tượng Phật phát hiện ở Việt Nam chủ yếu được làm từ gỗ, đá, sứ, đồng…, là những chất liệu gần gũi, thể hiện sự bao dung, độ xá của Phật. Thế nên việc xuất hiện một pho tượng quý giá bằng bạch ngọc từ trăm năm trước là cả một vấn đề “lạ lùng”.
Trao đổi với chúng tôi, tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật (trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, ông đã từng ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến pho tượng trên tại chùa Quán Thế Âm này. Bạch ngọc là chất liệu cực quý hiếm, vào năm 1835 thời nhà Nguyễn ở khu vực núi Hòa Điền (tỉnh Quảng Nam ngày nay), cũng đã có người phát hiện ra chất liệu quý này. Sau được vua chúa sử dụng làm ngọc tỷ trị quốc.
Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi cho rằng, bạch ngọc du nhập vào triều đại phong kiến xưa qua con đường giao thương từ Trung Quốc. Chỉ các bậc vương hầu, quý tử cung đình mới có được chất liệu này. Theo quan sát của chúng tôi, cổ vật quý này có màu trắng ánh ngọc, với hình tượng Quan Âm ngồi tọa trên đài sen. Tuy nhiên, Quan Âm không ở trong tư thế thiền độ, mà đưa hai tay bế một em bé một cách đạo mạo, đĩnh đạc, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp kỳ lạ. Bên cạnh đó, trang phục Quan Âm được cuốn thành nhiều nếp, gợn, văn hóa chạm nổi. Nhiều người còn cho rằng, bao quanh tượng còn được thếp vàng ánh nhưng giờ đã mất (còn lại một số dấu tích).
Vậy tại sao lại có hình tượng “Phật bồng đứa bé” trên pho tượng quý này?. Câu hỏi bí ẩn này liên quan đến một tích cổ trong Phật giáo. Nhận định về vấn đề này, Sư Thích Huệ Vinh cho biết, pho tượng trên được gọi đầy đủ là tượng Phật Quan Âm Tống Tử. Trong Phật giáo có một tích riêng về Quan Âm Tống Tử, nhờ công ơn lớn lao của hóa thân Quan Âm Tống Tử Bồ tát, mà sự sống được sinh sôi trong bình yên và an lành, biết bao người phụ nữ được mẹ tròn con vuông.
Chính vì vậy, hình ảnh Phật Quan Âm Tống Tử hiện diện trên đời, để ban cho những người cầu xin con trai sẽ có được đứa con trai hiếu thảo, người cầu xin con gái sẽ có người con gái ngoan hiền. Không những thế, Quan Âm Tống Tử còn cảm hóa ma nữ, bảo vệ sự an toàn cho những người phụ nữ trong khi sinh và sau khi sinh. Theo quan niệm, phụ nữ sinh con rất khổ cực, chỉ cách cái chết trong gang tấc. Vậy bức tượng là để cầu con cái, nhưng với chất liệu bạch ngọc quý giá như vậy, thì ai là người có thể sở hữu, thờ tự và cầu nguyện pho tượng này lúc xưa?
Phát lộ nơi giếng sâu và “cơ duyên” với cửa Phật
Sau nhiều ngày lui tới chùa Quán Thế Âm và một số bảo tàng ở TP. Đà Nẵng để thu thập thêm tư liệu hoàn chỉnh cho bài viết, chúng tôi còn ghi nhận được câu chuyện ly kì, thú vị về số phận pho tượng quý. Theo các cao nhân đắc đạo chốn tu thiền này, bức tượng đến với chùa là cơ duyên. “Cách đây không lâu, một người dân đến thăm vãn cảnh chùa, đã mến cảnh chùa mà tự nguyện hiến tặng lại pho tượng cho chùa. Đó như là một cơ duyên với cửa Phật”, một sư thầy cho biết.
Tượng Phật cưỡi rồng một sừng chế ngự rồng dữ gây họa sóng thần cũng là một cổ vật ý nghĩa 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân hiến tặng này trong một lần tình cờ, phát hiện thứ ánh sáng lóa lên lên từ một ngôi giếng cổ trong khuôn viên kinh thành Huế (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Khi lại gần mới hay, đó là một pho tượng Phật lung linh, nửa lộ nửa chìm đằng sau lớp đất đá. Cố đô Huế đương thời là kinh đô, là trung tâm chính trị, văn hóa lớn nhất cả nước. Pho tượng quý cũng theo dòng chảy lịch sử thịnh suy của chốn thâm cung này, cuốn vào dòng xoáy.
Sư trụ trì Huệ Vinh cho hay: “Bức tượng từng được các bà Hoàng thờ để cầu tự con cái. Tương truyền là có hoàng hậu thờ để cầu có con trai làm thái tử. Thời thế loạn lạc, chế độ phong kiến suy tàn, có thể tượng được cất giấu dưới giếng. Cũng như hàng trăm cổ vật khác ở đây, mỗi cổ vật là mỗi số phận, nhưng rồi theo nhân duyên về với nhà chùa”.
Đáp lại “cơ duyên” ấy, các sư thầy nơi đây cùng sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia khảo cổ, lịch sử, chính quyền các cấp, tiến hành thành lập Bảo tàng Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài pho tượng đặc biệt mà chúng tôi đã nói ở trên, tại đây, còn lưu giữ hàng trăm cổ vật có giá trị khác. Ví như: bức tượng Phật Bồ Tát cưỡi rồng một sừng cực tinh xảo. Để ngự trị linh thú (rồng một sừng), Bồ Tát cầm trên tay một viên châu ngọc là “Định Hải”, chế ngự nhiều ác thú, gây họa sóng thần.
Nói đến câu chuyện xoay quanh pho tượng này, vị trụ trì chùa Quán Thế Âm kể: “Bức tượng này vốn do một người dân hiến tặng nhà chùa cũng trong một “cơ duyên” rất đặc biệt. Đó là sau dịp sóng thần nguy hiểm ở Nhật Bản, tôi có nghĩ đến việc tạc một tượng Phật có ý nghĩa cầu an thì khoảng một tháng sau đó, có một người dân đã mang đến hiến tặng nhà chùa hiện vật quý giá này. Mọi chuyện đến như lẽ tự nhiên, cơ duyên kỳ lạ khó có thể giải thích. Cũng chính vì ý nghĩa chế ngự sóng thần mà cách đây không lâu, bức tượng này đã có một chuyến đi Nhật trở về, khi người Nhật muốn tạc một bức tượng Phật theo nguyên mẫu này để cầu an những trận sóng thần gây họa kinh hoàng”.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng TP. Đà Nẵng cho biết: “Sắp tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo khoa học mang tầm quốc gia về văn hóa Phật giáo, trong đó sẽ định danh về ý nghĩa của từng bảo vật. Chúng tôi sẽ cùng nhà chùa đưa ra một số cổ vật cho các chuyên gia đánh giá, trong đó có pho tượng bằng bạch ngọc. Trên cơ sở đó lập hồ sơ để trình các cấp đưa vào danh sách bảo vật quốc gia".
Theo N.Thân/Conglyxahoi