Hàng trăm ngôi mộ cổ nằm lẩn khuất trong những lùm cây dại ở phía Nam triền núi A Mang thuộc địa phận thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Ngoại trừ một vài lần lãnh đạo Bảo tàng Phú Yên cử chuyên viên tiếp cận thực địa cách đây hơn chục năm, cho đến nay chưa có một cuộc khảo sát quy mô để kiểm đếm, thống kê chi tiết và đưa ra những luận cứ khoa học lịch sử minh chứng nguồn gốc, nên nhiều bí ẩn về những ngôi mộ cổ đó cần được các nhà khảo cổ, nghiên cứu văn hóa - lịch sử giải mã.
1. Sau nửa giờ thưởng thức vị đắng cà phê trong quán bình dân ở góc phố thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An giữa buổi sáng tháng 5-2017, ông chủ quán đã chỉ dẫn tôi rời quốc lộ 1A đi về hướng Đông, non cây số là đến cầu Lò Gốm bắc qua cửa sông Hà Yến nối liền hữu ngạn hạ lưu sông Cái.
|
Mộ cổ lẩn khuất bên trong những bụi cây dại trên triền núi A Mang. |
Nằm cạnh hai con sông này là dãy núi A Mang sẫm màu sỏi đá khô cằn và cây dại lưa thưa từng bụi trên triền dốc. Từ cổng thôn văn hóa Quảng Đức nằm bên đường liên xã đi thêm một chặng đường vòng về hướng Nam trên hương lộ nhỏ, tôi nhờ người dân địa phương dẫn lên triền núi theo con đường mòn gập ghềnh rồi len lỏi vào những bụi cây dại mới lần lượt tìm thấy dấu tích mộ cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau.
Trên đường đi, ông Sáu Hiệp – một nông dân sống bên chân núi A Mang từ thời thơ ấu tâm sự: “Tui sinh trưởng ở đây, từ khi còn nhỏ đã nhìn thấy những ngôi mộ cổ trên núi A Mang được các bậc tiền nhân mai táng từ đời nào lâu lắm rồi nên rêu phong bám đầy trên mộ. Do không biết nguồn gốc nên cư dân ở đây cho rằng đó là “mộ Hời” của đồng bào Chăm, còn thực hư ra sao chưa được cơ quan chuyên môn nào tra cứu và công bố”.
Ông Trần Mơi, 82 tuổi, trú ở thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh cho biết: “Tui canh tác ruộng lúa dưới chân núi A Mang gần năm chục năm rồi. Thời gian và những biến động thiên tai, mưa lũ đã làm mất dấu tích không ít ngôi mộ, nhưng đến bây giờ vẫn còn rất nhiều. Dưới chân núi thưa thớt nhưng lên triền dốc thì mật độ mộ cổ nhiều hơn”.
Tiếp cận và quan sát một số ngôi mộ cổ đã bị mưa nắng bóc gỡ lớp vỏ trên bề mặt mộ, chúng tôi nhận thấy, ngoài nguồn vật liệu là những viên đá tự nhiên góp nhặt từ núi A Mang còn có chất kết dính được nhiều người xưa nhận định đó là hợp chất, bao gồm vôi bột được nung từ san hô và những vỏ sò - ốc - hến; nước mật đường được chế biến từ cây mía; cát trắng gạn lọc từ dưới lòng sông… Hợp chất không chỉ sử dụng để xây mộ và còn đổ phủ trên bề mặt một lớp dày, rắn chắc.
Quần thể mộ cổ ở núi A Mang có 4 kiểu dáng kiến trúc: yên ngựa, mai rùa, búp sen và mái nhà. Nhiều nhất trong số đó là mộ yên ngựa được xây dựng khá đơn giản, ít nhất là mộ hình búp sen to lớn có kiến trúc công phu.
Phía trước mỗi bia mộ đều khắc họa những nét hoa văn trang trí, một số ngôi mộ xây tường bao quanh với bình phong phía trước và trụ biểu, cũng có ngôi mộ xây cổng hình vòm phía trước.
Trên trụ biểu, bình phong, cổng vòm nhiều ngôi mộ vẫn còn dấu tích nét khắc chữ Hán đã bị mòn mờ theo dòng thời gian hoặc bị thân nhân chủ động đục phá để che giấu tên tuổi người chết chỉ vì những lý do cần thiết.
Tất cả những ngôi mộ cổ ở núi A Mang đều hướng mặt về hướng Đông và Đông Nam, có nghĩa là thi hài người quá cố được mai táng hướng đầu về phía núi thuộc hướng Tây và Tây Bắc, không có bất kỳ trường hợp nào trái với nguyên tắc đó.
Lý giải nguyên do một số bia mộ không khắc tên tuổi người quá cố hoặc đã bị đục phá, một số người cho rằng, giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII có nhiều cuộc chiến tái diễn ở vùng đất Phú Yên nên việc giấu tên người quá cố trên bia mộ nhằm mục đích né tránh đối phương trả thù, khai quật mộ để phơi xác.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật Phú Yên - chủ biên tác phẩm “Di sản văn hóa đá ở Phú Yên”, đến thời điểm này ước tính hơn 500 ngôi mộ cổ còn tồn tại ở núi A Mang có thể khảo sát và nhận diện được.
2. Đề cập đến nguồn gốc hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi A Mang, có nhiều thông tin khác nhau từ cư dân địa phương và những nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử. Không ít người cho rằng, đó là khu mộ cổ của đồng bào Chăm thời xưa, dân gian thường gọi là “mộ Hời”.
Ngược lại, có người nhận định đó là khu mộ cổ của người Hoa. Ít nhất hơn một thế kỷ đã qua, hàng trăm ngôi mộ cổ ở núi A Mang không có người thăm viếng, tu tảo. Chưa có gia đình, tộc họ nào đến đây nhận diện một trong những mộ cổ ở đó là tổ tiên, ông bà của họ.
Một số kết quả khảo cổ vùng hạ lưu sông Cái - một trong ba dòng sông lớn nhất ở Phú Yên cho thấy, địa hạt bên chân núi A Mang là cửa ngõ giao lưu buôn bán bằng đường bộ lẫn đường sông nên hội tụ khu dân cư sầm uất, thời xa xưa đã có nhiều người Hoa đến đây sinh sống an cư lạc nghiệp.
Theo đó, một số nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử ở Phú Yên đưa ra giả thuyết khu mộ cổ vô danh ở núi A Mang có nguồn gốc từ người Hoa. Tuy nhiên, ngược lại những nhận định, giả thuyết nêu trên, Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn cho rằng, qua khảo sát thực tế những ngôi mộ cổ ở núi A Mang không tìm thấy yếu tố văn hóa mộ táng của người Chăm hay người Hoa, mà có nhiều đặc điểm văn hóa mộ táng của người Việt.
Thạc sĩ Sơn cho biết, mặc dù mộ cổ có kiến trúc rất độc đáo nhưng vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa thuần Việt từ góc nhìn phong thủy dân gian trong mai táng cho đến những nét khắc họa hoa văn trang trí, cách thức bài trí, lập mộ. Với 4 kiểu dáng, nhưng rất nhiều ngôi mộ được xây dựng với quy mô khác nhau, tùy theo vị trí xã hội lúc sống của người an nghỉ dưới mộ.
Lật lại lịch sử 400 năm Phú Yên, Thạc sĩ Sơn nhận định, hơn 500 ngôi mộ cổ ở núi A Mang hình thành từ cuối thế kỷ XVIII, vì có cùng cách thức xây dựng như nhiều ngôi mộ cổ của một số dòng họ ở Phú Yên đã được xác định chính xác niên đại.
Với nhận định đó, Thạc sĩ Sơn đặt câu hỏi: Phải chăng những người an nghỉ dưới hơn 500 ngôi mộ cổ là binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh đã hy sinh sau những trận chiến khốc liệt với binh sĩ nhà Tây Sơn năm 1793 – 1801?
Thời ấy, sau khi vua Quang Trung băng hà năm 1792, chúa Nguyễn Ánh tranh thủ thời cơ, cử danh tướng Tôn Thất Hội huy động đại quân đánh chiếm Phú Yên. Đến tháng 3-1794, sau khi vua Cảnh Thịnh nối nghiệp Quang Trung đã cử Thái úy Nguyễn Văn Hưng chỉ huy 4 vạn quân đánh chiếm lại Phú Yên và hợp sức với binh sĩ của danh tướng Trần Quang Diệu tiến đánh thành Diên Khánh, nhưng chỉ hai tháng sau đó, chúa Nguyễn Ánh huy động binh lực hùng mạnh nhất tấn công vào vịnh Xuân Đài và chiếm giữ Phú Yên.
Tháng 11-1794, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng quản Trần Quang Diệu và Tư lệnh Lê Trung không chỉ đánh tan tác quân chúa Nguyễn ở Phú Yên, mà còn truy kích vào tận thành Diên Khánh.
Mấy năm sau đó, chúa Nguyễn Ánh cử danh tướng Nguyễn Văn Thành chỉ huy binh lính đánh chiếm Phú Yên (tháng 5-1799) và đánh chiếm thành Quy Nhơn (tháng 7-1799) trước khi đổi tên thành Bình Định. Đầu năm 1800, hai danh tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy binh lính đánh chiếm lại thành Bình Định.
|
Những ngôi mộ cổ trên núi A Mang. |
Đến tháng 6-1800, chúa Nguyễn Ánh cử tướng Nguyễn Đức Xuyên chỉ huy binh lính đánh vào Phú Yên, trong khi danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu cử Đại đô đốc Đào Công Giản điều quân hổ đầu tinh nhuệ nhất vào Phú Yên phối hợp tướng Phạm Văn Điềm tăng cường phòng thủ Phú Yên.
Trước tình thế đó, Chúa Nguyễn Ánh huy động thêm tinh binh mãnh tướng tấn công vào Phú Yên khiến cho thế trận ác liệt, nhưng trong tháng 3 và 4-1801, Tham đốc Tây Sơn Phạm Văn Điềm chỉ huy binh lính phản công mạnh mẽ.
Ba tháng sau, Chúa Nguyễn Ánh huy động đại quân từ Phú Xuân hỗ trợ tướng Nguyễn Văn Thành đánh bại quân Tây Sơn, làm chủ hoàn toàn địa hạt Phú Yên trong tháng 7-1801.
Suốt 8 năm (1793 - 1801), Phú Yên luôn tái diễn nhiều cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh, nơi xảy ra ác liệt nhất là cửa biển Xuân Đài, ven vùng hạ lưu sông Cái và Bảo La Hai.
Điểm lại những sự kiện lịch sử nêu trên, một số người suy đoán rằng: “Trong những trận chiến đó, binh lính của chúa Nguyễn Ánh bị tử trận đã được bí mật chôn cất ở phía Nam dãy núi A Mang. Hầu hết những phần mộ đều được xây dựng kiểu dáng yên ngựa được coi là phương thức cách điệu “da ngựa bọc thây ở sa trường”.
Trong khi đó, ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – người đã có hơn 30 năm đảm nhiệm công tác bảo tàng, khảo cổ và quản lý các hoạt động văn hóa cho biết: “Gần 200 năm kể từ 1471 đến 1658, vùng đất Phú Yên làm nhiệm vụ trấn biên. Dinh trấn biên – thủ phủ đầu tiên và cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa Phú Yên thời bấy giờ được xây dựng tại xã An Ninh Tây, huyện Tuy An ngày nay, nhưng vị trí chính xác tuyệt đối ở thôn Hội Phú, Bình Thạnh hay Tiên Châu vẫn còn nhiều thông tin khác nhau.
Vì sau ba thế kỷ, dòng sông Cái đã sạt lở, bồi lấp và biến đổi dòng chảy nên phế tích thành lũy Dinh trấn biên xưa đã vùi sâu dưới lòng cát. Thời đó, cư dân gần Dinh trấn biên và vùng hạ lưu sông Cái hội tụ sầm uất nên nhiều khả năng hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi A Mang là của người Việt, mà minh chứng rõ nét là văn hóa mộ táng của người Việt xưa, nhưng được chôn cất sau nhiều đời cộng cư mới hình thành quần thể mộ cổ, nên không thể nhận định đó là những ngôi mộ binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh…”.
Có dịp đến núi A Mang chiêm ngưỡng những kiểu dáng kiến trúc văn minh mai táng của tiền nhân, chắc hẳn nhiều người đều mong muốn các nhà khảo cổ đến từ những cơ quan chuyên môn sớm giải mã bí ẩn hàng trăm ngôi mộ cổ ở đó để làm sáng tỏ giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh…
Theo Phan Thế Hữu Toàn/ATGT