Trong xuyên suốt lịch sử Việt Nam, có rất nhiều tòa thành đã được dựng lên ở mỗi vương triều. Trong số đó, thành Bát Quái được biết đến là một trong những tòa thành kiên cố nhất. Nơi đây từng chứng kiến những cuộc chiến khốc liệt giữa các thế lực phong kiến ở Việt Nam.
Thành Bát Quái còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như thành Phiên An, Quy Thành. Nó được nhà Nguyễn xây dựng ở Trấn Gia Định, thuộc trung tâm TP.HCM ngày nay. Thành Bát Quái tồn tại từ năm 1790 – 1859, ngày nay đã bị phá hủy hoàn toàn.
Bản đồ Sài Gòn năm 1795 với thành Bát Quái ở chính giữa do Jean-Marie Dayot vẽ
Thành Bát Quái là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và phong thủy Á Đông. Để tạo ra nó, nhà Nguyễn đã huy động 30.000 nhân công làm ngày làm đêm. Tòa thành có 3 lớp bảo vệ gồm: trong cùng bằng đá cao 6,3m, chân tường dày 36,5m, giữa là lớp hào rộng 76m, sâu 6,8m, và lớp ngoài cùng bằng đất với chu vi gần 4.000m. Năm xưa, binh lính canh giữ khắp các tháp canh hình bát giác của tòa thành. Ban ngày họ sẽ liên lạc bằng cờ hiệu, ban đêm thì có đèn hiệu.
Sơ đồ Thành Bát Quái Sài Gòn do Trương Vĩnh Ký vẽ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú giải
Được biết, Thành Bát Quái xây dựng khi cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh đang vô cùng khốc liệt. Bấy giờ, Nguyễn Ánh sau khi giành được vùng Gia Định đang dốc sức phòng thủ nơi này, cố gắng chống lại quân của vua Quang Trung. Thành Bát Quái được xây lên đã giúp quân nhà Nguyễn ổn định được khu vực Gia Định thời gian dài. Bởi sự kiên cố của nó khiến quân Tây Sơn không thể chiếm thành thêm một lần nào nữa.
Năm 1792, sau khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, binh lính Tây Sơn cũng yếu đi rõ rệt. Nhân cơ hội đó, quân nhà Nguyễn đã đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn. Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu Gia Long, đóng đô tại Huế. Lúc bấy giờ Thành Bát Quái là nơi do Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt trấn giữ.
Vị trí thành Bát Quái (khu vực hình vuông nằm bên tay phải) và Chợ Lớn (khu vực hình chữ nhật nghiêng nghiêng bên tay trái)
Sau này vua Minh Mạng nghi ngờ Lê Văn Duyệt có ý đồ tạo phản nên đã san phẳng mồ mả vị Tổng trấn này. Điều đó khiến Lê Văn Khôi (con Lê Văn Duyệt) ôm hận, quyết định nổi loạn, chiếm Thành Bát Quái và 6 tỉnh Nam Kỳ. Phải mất đến 2 năm triều đình nhà Nguyễn mới dẹp loạn, bình ổn được khu vực này.
Để không xảy ra chuyện tương tự, vua Minh Mạng sau đó đã cho phá hủy tòa thành Bát Quái năm xưa Gia Long dày công xây dựng. Đến năm 1836, để trấn thủ Gia Định, vua Minh Mạng cho xây lại một tòa thành khác tên là thành Phụng.
Dấu tích Thành Bát Quái vẫn còn hiện hữu trên bản đồ Sài Gòn năm 1860 do Hải quân Pháp phác họa
Thành Bát Quái cuối cùng đã bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, theo nhà bác học Trương Vĩnh Ký, trung tâm của tòa thành này nằm ở ngay dưới chân nhà thờ Đức Bà hiện tại. Năm đó khi đào móng xây nhà thờ, đội ngũ thợ xây đã phát hiện ra phía dưới có nhiều gạch vụn, tro, tiền cổ, đạn đại bác, đá khối… Không chỉ vậy, khu vực đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, nhà thương Đồn Đất (Bệnh viện Nhi Đồng 2), nay là góc đường Lý Tự Trọng và Chu Mạnh Trinh cũng phát hiện ra tàn tích của Thành Bát Quái.
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo