Một đấng minh quân tài đức vẹn toàn
Vua Lê Nhân Tông (Lê Bang Cơ) là vị hoàng đế thứ ba của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, trị vì trong vòng 17 năm, từ năm 1442 sau khi vua Lê Thái Tông qua đời.
Sử sách mô tả Lê Nhân Tông là vị hoàng đế đức độ, coi trọng Nho học, không đam mê tửu sắc, và biết nghe can gián. Nước Đại Việt dưới thời trị vì của ông đã giữ được sự ổn định cao, kinh tế và giáo dục có sự đổi mới mạnh mẽ, đường xá, cầu cống được xây mới, nông nghiệp phát triển. Dưới thời trị vị của ông, đại quân của nhà Lê còn đánh bại vua Chiêm Bí Cai và sáp nhập xứ Bồn Man vào Đại Việt, mở mang bờ cõi.
Vua giảm sưu thuế, ban thưởng cho công thần, tiêu diệt thảo khấu, loạn đảng, bình định ngoại bang… khiến triều thần kính nể, nhân dân no ấm, đất nước phồn vinh. Ông còn độ lượng với các công thần khai quốc nhưng lỡ có tội và bị xử tử trước đây, ra nhiều chiếu chỉ biểu dương công lao của họ, hoặc trả lại của cải, ruộng đất cho con cháu họ. Tuy nhiên, ông vẫn chưa minh oan được cho vụ án oan sai thảm khốc của Nguyễn Trãi.
Có thể nói Lê Nhân Tông là một trong những vị minh quân hiếm có trong lịch sử phong kiến Việt Nam, ông là vị vua tài đức vẹn toàn và rất được lòng dân. Tuy nhiên, vị vua nhân đức này lại bị chính anh cùng cha khác mẹ của mình là Lạng Sơn Vương – Lê Nghi Dân sát hại trong binh biến đoạt ngôi vị năm 1459 khiến bá quan và dân chúng không khỏi xót thương, oán thán.
Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (tức 28 tháng 10 năm 1459), Nghi Dân mua chuộc được cấm vệ quân, đang đêm cùng các thủ hạ bắc thang vào tận trong cung cấm giết Nhân Tông. Hôm sau, Hoàng thái hậu cũng bị hại, lúc đó bà 38 tuổi.
Nhìn bề mặt, đây là một sự vụ tranh quyền đoạt vị, huynh đệ tương tàn, cũng quả là một sự việc bất công, một sự việc khiến người ta cảm thấy dường như Đấng tạo hóa chưa công bằng. Nhưng suy xét kĩ hơn, sự việc này không thực sự như vậy, nó rất có thể là chuyện nhân quả báo ứng từ vụ án oan Lệ Chi Viên.
Thảm án Lệ Chi Viên
Lệ Chi Viên là vụ án oan nổi tiếng lịch sử liên quan đến việc phụ hoàng của vua Lê Nhân Tông là Lê Thái Tông đột ngột qua đời vào năm 1442 tại nhà đại thần Nguyễn Trãi ở Lệ Chi Viên khi mới 20 tuổi.
Ngày 27 tháng 7 âm lịch năm 1442, vua Thái Tông đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời vua ngự ở chùa Côn Sơn. Đến ngày 4 tháng 8 âm lịch vua đi chơi ở “Lệ Chi viên” (vườn Vải), xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức thì bất ngờ băng hà. Ngay lập tức, Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ bị vu cáo tội giết vua, phải chịu tru di tam tộc.
Về sau này, vua Lê Thánh Tông đã đứng ra minh oan cho Nguyễn Trãi và chính sử ghi nhận cái chết của vua Lê Thái Tông là do đột tử. Nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng: một vị vua tuổi đời còn rất trẻ, trước đó còn thân chinh đi đánh dẹp lân bang có thể trúng gió đột tử là rất không hợp lý. Đây rõ ràng hơn là một âm mưu ám sát. Dã sử ghi lại rằng:
Trước khi mất, vua Lê Thái Tông đã truất ngôi thái tử của Lê Nghi Dân do mẹ ông là Dương phi kiêu căng, không giữ phép tắc, rồi vua lại phong cho Bang Cơ – con của bà phi Nguyễn Thị Anh lên làm thái tử. Thời điểm này, một bà phi khác là Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông) mang thai, Nguyễn Thị Anh đã tìm cách hãm hại khiến bà Ngọc Dao bị giam ở lãnh cung. Tuy nhiên Nguyễn Trãi và hiền thê Nguyễn Thị Lộ lại hết lòng bảo vệ, xin vua tha cho bà Ngô Thị Ngọc Dao.
Cùng với hiền thê của mình, Nguyễn Trãi đã đưa bà Ngọc Dao tá túc tại chùa Huy Văn (nay ở đường Chùa Bộc, Hà Nội) và hạ sinh hoàng tử Tư Thành ở đây vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (dương lịch 24-8-1442). Sau đó, Nguyễn Trãi thu xếp mẹ con bà Ngọc Dao ra trú ở vùng An Bang (nay là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh), nơi ông trị nhậm với cương vị Ngự sử Đông Bắc đạo.
Việc làm của Nguyễn Trãi khiến ông trở thành cái gai trong mắt hoàng hậu Nguyễn Thị Anh.
Hơn nữa lúc bấy giờ, có nhiều lời đồn đại rằng Bang Cơ không phải là con của vua Thái Tông, vì thời gian từ khi Nguyễn Thị Anh vào cung đến khi hạ sinh Bang Cơ chỉ có 6 tháng. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm được cuốn gia phả họ Đinh là “Ngọc phả họ Đinh” của thái sư Đinh Liệt, trong có chép bài thơ nói về chuyện này:
Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa,
Bất thức hà nhân chủng bảo đa.
Chủ kháo Tống khai vi linh dược,
Cựu binh tân tửu thịnh y khoa.
“Nhung tân” đọc lái là Nhân Tông, tức ý chỉ thái tử Bang Cơ, “Thịnh Y” tức là Thị Anh (tất nhiên đây chỉ là giải nghĩa phiên âm sang tiếng Việt, còn cách đọc chính xác phải là phát âm tiếng Hán). Bài thơ trên được dịch như sau:
Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa
Dòng máu ai đây quý báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha
Việc này, ngoài vợ chồng Nguyễn Trãi, Đinh Phúc và Đinh Thắng, còn có vài đại thần khác có thể đã biết như Thái sư Đinh Liệt, Thái uý Trịnh (Lê) Khả và con là Trịnh (Lê) Quát, Tư khấu Trịnh Khắc Phục và con là Phò mã Đô uý Trịnh Bá Nhai. Có thể vì nguyên nhân đó mà đã trở thành mầm mống tai vạ sau này cho Nguyễn Trãi và gia tộc của của ông.
Khi nhà vua Lê Thái Tông đi tuần miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đón vua về ngự ở Côn Sơn. Nguyễn Thị Anh lo sợ Nguyễn Trãi sẽ tiết lộ chuyện động trời với vua Thái Tông, gốc gác của thái tử bị tiết lộ, khiến con mất ngôi báu, bản thân và gia tộc phải chịu tội đại hình… nên Nguyễn Thị Anh rắp tâm tìm cách giết vua Lê Thái Tông để đổ oan cho Nguyễn Trãi. Một mũi tên trúng nhiều mục đích: Diệt trừ hậu họa, đoạt ngôi báu cho con và giành lấy quyền lực nhiếp chính do thái tử chưa đầy 2 tuổi.
Theo Hoài Anh/ Tri Thức