Phong thủy dòng họ
Vào cuối thời nhà Trần, cụ tổ họ Hoàng tại Đa Sỹ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) là Hoàng Phúc Xuyên vốn có gốc ở làng Lương Xá (thuộc huyện Chương Mỹ). Cụ là người có chí và hiếu học từ nhỏ, thế nhưng dù kiên trì tham dự mười mấy khoa thi vẫn không đỗ đạt gì.
Cụ Phúc Xuyên nghĩ bản thân mình không đỗ đạt được thì phải lo cho con cháu sau này không lận đận như mình. Từ đó cụ bèn tầm sư học đạo về thuật phong thủy, dần dần đã có thể xem cuộc đất, mạch nước mà biết được vận cát hung thế nào.
Sau này, cụ Phúc Xuyên biết được gần làng Lương Xá có vùng đất Duyên Ứng rất đẹp, đang lúc phân vân chưa biết nên táng ai vào cuộc đất này, thì không ngờ người con dâu họ Đặng đã được táng vào đấy. Cụ Phúc Xuyên đành tìm nơi khác.
Thấy có một vùng đất ở Huyền Khê rất tốt, cụ bèn mua đất gần đấy rồi mở trường dạy học. Sau cụ táng tổ tiên vào nơi này. Người dân gọi vùng đất này là Đống Dấm.
Gia phả họ Hoàng có ghi chép rằng đây là cuộc đất “Phượng chủy”, tức mỏ chim phượng tạo thành thế “Tam quang cập đệ – Tứ trụ thủy lưu”, 3 nguồn sáng và 4 dòng nước ứng với 4 chi trong họ.
Vài năm sau, vào năm 1411, vợ chồng cụ Phúc Xuyên sinh hạ được người con trai đặt tên là Hoàng Trình Thanh.
Năm 1431 khi Trình Thanh được 20 tuổi thì đỗ khoa Hoành từ. Vua Lê Thái Tổ biết tài văn học của Trình Thanh liền cho làm Ngự tiền học sinh.
Đến đời vua Lê Nhân Tông, Trình Thanh làm Thị độc Viện hàn lâm, đến đời vua Lê Thánh Tông thì làm Lang trung ở Hữu ty tòa môn hạ. Theo “Lịch triều hiến chương loại chí ” của Phan Huy Chú, khi vua Lê Thánh Tông cầu lời nói thẳng, Trình Thanh đã dâng lên 7 điều kiến nghị như sau:
1. Thuận khí âm khí dương để điều hòa khí đến
2. Phải thân ra tòa Kinh diên để tôn sùng chính học
3. Chọn người nối dõi để vững căn bản của nước
4. Tiết kiệm của cải để đủ tiêu dùng
5. Thận trọng với chức Thú mục để ký thác việc nuôi dân
6. Thường rèn tập quân sĩ để việc võ bị nghiêm túc
7. Đặt đồn điền để lương thực biên trấn được nhiều
Vua Lê Thánh Tông chấp thuận cả 7 điều này của ông. Phan Huy Chú cũng xếp Trình Thanh là 1 trong 10 nhà Nho có đức nghiệp thời Lê sơ.
Hoàng Trình Thanh làm quan trải qua 4 đời Vua. Khi ông mất, vua Lê Thánh Tông thương tiếc phong tặng ông là Tham chính Thái bảo Triều liệt đại phu.
Cũng từ Trình Thanh, họ Hoàng phát đường khoa bảng công danh suốt 300 năm, đặc biệt có 1 Trạng nguyên cùng 7 tiến sĩ. Hoàng Trình Thanh có con trai là Hoàng Khắc Minh đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1484, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ.
Trạng nguyên với tấm lòng thiện lương
Con trai Hoàng Khắc Minh là Hoàng Nghĩa Phú có tiếng hay chữ từ nhỏ, 4 tuổi đã biết đọc, 10 tuổi thì nức tiếng thần đồng. Năm 16 tuổi Nghĩa Phú đã đỗ đầu kỳ thi Hương rồi vượt qua tam trường kỳ thi Hội.
Khoa thi năm 1511, Hoàng Nghĩa Phú đỗ đầu tức Trạng nguyên, làm quan ở Hàn Lâm viện. Tuy nhiên Hoàng Nghĩa Phú làm quan trong bối cảnh Triều đình tranh giành quyền lực, chiến loạn khắp nơi.
Các cuộc khởi nghĩa, tranh chấp quyền lực liên tiếp diễn ra. Hoàng thân nhà Lê tập hợp quân nổi dậy, vua Lê Chiêu Tông phải dựa vào Mạc Đăng Dung đánh dẹp khắp nơi nhằm giữ ngôi Vua. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc.
Nguyễn Kim không theo nhà Mạc, chạy sang Ai Lao, rồi tìm dậu duệ nhà Lê đưa lên ngôi Vua, hình thành cuộc chiến Nam Bắc triều.
Năm 1534, Hoàng Nghĩa Phú đã 50 tuổi, đi theo nhà Lê, được phong làm Giám sát Ngự sử Binh bộ Tả Thị lang rồi thăng Đông các Đại học sỹ, Tham tri chính sự, dự bàn các việc quan trọng trong Triều đình nhà Lê Trung Hưng.
Hoàng Nghĩa Phú làm quan yêu thương dân chúng, giúp dân rất nhiều trong cảnh chiến loạn.
Khi được 64 tuổi, Hoàng Nghĩa Phú xin được nghỉ hưu về quê, nhưng Vua và Triều đình không đồng ý. Ông phải 3 lần khẩn cầu mới được Vua chuẩn y cho về, kèm theo nhiều bổng lộc và ruộng đất.
Về quê, Hoàng Nghĩa Phú đã tặng cho người dân các làng Mạc Xá, Đồng Hoàng, Đồng Dương, Làng Thị,… thuộc tổng Đồng Dương hàng trăm mẫu ruộng mà triều đình đã ban thưởng cho ông khi còn làm quan.
Những năm mất mùa đói kém, ông đều cấp phát tiền gạo cứu dân, khiến người dân khắp vùng đều mang ơn ông.
Họ Hoàng thuận theo sự thiện lương của Hoàng Nghĩa Phú, các đời đều làm việc thiện tích đức, con cháu suốt 24 đời, trong vòng 300 năm, đều phát đường khoa bảng.
Theo Trần Hưng / Tri Thức