Bí ẩn những gò chôn cất 'mái vòm' ở Kazakhstan

Google News

Các nhà khảo cổ học ở Kazakhstan đã phát hiện 10 kurgan hay gò chôn cất có niên đại từ thời Trung cổ. Một số gò chôn cất có "mái vòm".

Trong cuộc khai quật ở vùng Ulytau thuộc miền trung Kazakhstan, các nhà khảo cổ phát hiện 10 gò chôn cất được gọi là kurgan.
Zhanbolat Utubaev, nhà khảo cổ học tại Viện Khảo cổ học Margulan, người dẫn đầu nhóm phát hiện ra kurgan, cho hay 3 trong số 10 kurgan có "mái vòm". Đó là những gò chôn cất có các gờ đá chạy ngang qua.
Bi an nhung go chon cat 'mai vom' o Kazakhstan
 Ảnh: Courtesy of the Margulan Institute of Archaeology.
Theo nhà khảo cổ Utubaev, các kurgan "mái vòm" có niên đại từ thời Trung cổ (khoảng từ năm 600 - 1500) rất phổ biến ở Kazakhstan. Đến nay, hơn 400 gò chôn cất đã được phát hiện chỉ riêng ở miền trung Kazakhstan. Ông Utubaev cho biết những gò chôn cất mới phát hiện có đường kính khoảng 3 - 15m.
Nhóm nghiên cứu đã khai quật một kurgan không có "mái vòm" và tìm thấy hài cốt của một người đàn ông được chôn cùng với một mũi tên hình tam giác. Ông Utubaev cho hay hiện chưa thể làm rõ danh tính của người này cũng như nguyên nhân tử vong. Ông tin rằng những nghiên cứu về sau có thể làm sáng tỏ những bí ẩn này.
Bi an nhung go chon cat 'mai vom' o Kazakhstan-Hinh-2
 Ảnh: Courtesy of the Margulan Institute of Archaeology. 
Viện Khảo cổ học Margulan thông tin chưa thể xác định chính xác thời điểm 10 gò chôn cất mới phát hiện được tạo ra. Tuy nhiên, chúng được cho là có từ thời Trung cổ. Vào thời kỳ đó, một số người ở Kazakhstan có lối sống du mục trong khi những người khác lựa chọn cuộc sống an cư lạc nghiệp.
Bi an nhung go chon cat 'mai vom' o Kazakhstan-Hinh-3
 Ảnh: Courtesy of the Margulan Institute of Archaeology. 
Ví dụ như nhiều người đã định cư, sinh sống ở thành phố Taraz - khu vực thịnh vượng ở Đông Nam Kazakhstan và là điểm dừng chân chính trên Con đường tơ lụa giữa Trung Quốc và châu Âu.
Trong khi đó, không ít cư dân ở Kazakhstan thích lối sống du mục. Điển hình là người Mông Cổ - những người đã chinh phục khu vực này vào thế kỷ 13. Theo nhóm nghiên cứu, những kurgan mới phát hiện có thể có từ trước cuộc chinh phục của người Mông Cổ nhưng có thể thuộc về một nhóm du mục.

Mời độc giả xem video: Sốc với tuyên bố mới về nơi chôn cất thật sự của Alexander Đại đế.


Tâm Anh (theo Livescience)