Bao Công được coi là biểu tượng văn hóa của công lý và sự thanh liêm thời kỳ Trung Quốc phong kiến. Tuy được lòng vạn dân, nhưng do thẳng tay trừng trị nhiều người thuộc dòng dõi quyền quý, hoàng thân quốc thích nên ông cũng bị không ít tham quan ghen ghét, đố kỵ.
Cái chết bí ẩn
Sau bao năm hết mình vì chính nghĩa, năm 1062, Bao Công lâm bệnh và mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi. Theo sách sử ghi chép, từ lúc Bao Công lâm bệnh tới khi qua đời chỉ vỏn vẹn 13 ngày. Trong khoảng thời gian này, ông chủ yếu dùng “thần dược” mà Hoàng thượng ban. Nhiều người nghi ngờ rằng, những thái y do ghen ghét, muốn “thanh trừng” ông, nên cố tình cho thêm thành phần độc hại vào trong thuốc, khiến bệnh tình của ông trở nên trầm trọng hơn.
|
Là người được vạn dân kính mến, nhưng Bao Công lại chết không rõ ràng. Ảnh: Baidu.
|
Tuy vậy, theo nghiên cứu của phòng Nghiên cứu Năng lượng vật lý cao thuộc viện Khoa học Trung Quốc, phối hợp cùng bảo tàng An Huy, cho thấy, hàm lượng thủy ngân, sắt và canxi trong xương ông cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại. Trong khi đó hàm lượng chì và arsen (thạch tín) lại thấp hơn người thường.
Khu mộ an táng của Bao Công được tìm thấy tại ngoại ô phía đông thành phố Hợp Phì (An Huy - Trung Quốc). Ngôi mộ giúp các nhà sử học tìm hiểu sâu hơn về cái chết bí ẩn của ông.
Thời Trung Quốc phong kiến, thạch tín hay chu sa (các chất có chứa thủy ngân) được coi là những chất kịch độc.
Lý giải về việc này, các nhà nghiên cứu nhận định, rất có thể chất chu sa được dùng để bảo quản thi thể Bao Công, do đặc tính chống khuẩn và làm chậm quá trình làm mòn xương. Tuy vậy, cũng có giả thiết khác cho rằng trước khi qua đời, Bao Công bị đầu độc bởi một hàm lượng lớn thuốc và đồ ăn có chứa thành phần cực độc này.
Mặc dù kết quả kiểm tra phóng xạ loại bỏ khả năng Bao Công dùng thạch tín để chữa bệnh, tuy vậy, cũng không thể loại trừ khả năng ông bị đầu độc thông qua đường ăn uống.
Sau khi ông mất, Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lại bộ Thượng thư, dài 15 tập để cáo tặng, ban cho thụy hiệu “Hiếu Túc”, có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cữu ông về mai táng ở quê nhà ông.
Nơi chôn cất thật sự
Sau khi Bao Công qua đời, người thân sợ kẻ thù sẽ tìm cách trả thù lên di thể, xương cốt của ông nên đã dùng kế sách nhằm “tung hỏa mù” để đánh lạc hướng. Trong khi, hầu hết người dân đều tin rằng mộ Bao Công nằm tại Tống Lăng, tỉnh Hà Nam, thậm chí còn thường xuyên lui tới thờ cúng, thắp hương cho ông, thì trên thực tế, phần mộ đó chỉ là nơi đặt quan tài giả.
|
Thi thể thực sự của Bao Công được an táng tại nghĩa trang Đại Hưng Tập, thuộc ngoại ô thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Ảnh: Baidu
|
Để xác định được vị trí thực sự của ngôi mộ thật, giới khảo cổ Trung Quốc tốn không ít công sức. Trong quá trình khai quật, họ phát hiện một quan tài làm bằng gỗ mộc tơ vàng vô cùng quý giá, tuy vậy, phần hài cốt bên trong lại không trọn vẹn. Thông qua việc xác minh bằng văn tự khắc trên bia đá, các chuyên gia khẳng định phần hài cốt bên trong là của Bao Công.
Tấm bia mộ của Bao Công bị đập vỡ thành 5 miếng, khi ghép lại hoàn chỉnh sẽ thấy được 3.000 chữ mô tả về cuộc đời Bao Công.
Một người xuất thân từ gia đình có nhiều đời trông coi nghĩa trang khẳng định, khi các cuộc binh biến liên miên không dứt, người trong gia tộc họ Bao đã bí mật chuyển quan tài an táng Bao Công rời khỏi địa cung nguyên táng để chôn tại vị trí bí mật hơn.
Theo Ngọc Bích/Khám phá