Theo Acient Origins, các gò mộ cổ được nghiên cứu bởi nhóm khoa học gia từ Viện Khảo cổ và dân tộc học thuộc Học viện Khoa học Ba Lan (IAEPAN).
Hai gò chôn cất này lớn hơn hẳn các gò mộ cổ xung quanh, được dựng nên bằng gỗ xà cừ. Đường kính mỗi gò chôn cất lên tới 40 mét, cao 3-4 mét.
Quang cảnh gò chôn cất đặc biệt - Ảnh: IAEPAN
Bên trong hai ngôi mộ cổ dạng gò là nhiều thi thể, trong đó những hài cốt được chôn cất đầu tiên có niên đại khoảng 2.900-3.000 năm, trong khi đợt chôn cất thứ 2 diễn ra 100-200 năm sau đó.
Các hầm bên trong mỗi gò chôn cất khá rộng rãi, nhưng có vẻ hơi ít đồ tùy táng dù rõ ràng vị thế các ngôi mộ cho thấy họ phải là quý tộc cao cấp trong khu vực.
Ảnh đồ họa mô tả cách mà những "người khổng lồ đỏ" được an táng - Ảnh: IAEPAN
Nhưng điều khiến họ chú ý là một số bộ xương nam giới to lớn dị thường trong hai gò mộ lại có màu đỏ son, được xác định là do thi thể được phủ phẩm màu đỏ từ đất son sau khi qua đời. Màu sơn đỏ được những người trong khu vực này xem như màu của quyền lực và thiêng liêng từ 5.000 năm trước, do đó đây chắc chắn là một hình thức tôn vinh người chết.
Điều gây ngạc nhiên khác là những người đàn ông trong 2 gò mộ này như những người khổng lồ so với dân cư Serbia thời kỳ đó. Họ đều cao hơn 1,8 mét trong khi dân cư bản địa khi đó nam giới chỉ có chiều cao khoảng 1,6 mét.
"Cả việc sử dụng đất son và chiều cao vượt trội của người đã khuất cho thấy người chết rất có thể là người nhập cư. Nghi thức sử dụng đất son thường gắn liền với các cộng đồng sống ở khu vực thảo nguyên Đông Âu" - tiến sĩ Piotr Włodarczak từ IAEPAN cho biết.
Theo Thu Anh/Người lao động