Bài báo khoa học vừa công bố trên Current Biology đã tiết lộ những chi tiết cuối cùng xoay quanh con tàu "ma" Bom Jesus, một trong những kho báu hàng hải lớn nhất thế giới bị chìm vào năm 1533, mang theo toàn bộ thủy thủ đoàn và khoảng 40 tấn châu báu các loại, bao gồm ngà voi, tiền vàng và bạc.
|
Những chiếc ngà voi được tìm thấy trên con tàu đắm cho thấy sự thay đổi khủng khiếp lên một giống loài mà con người đã gây nên - Ảnh: BẢO TÀNG QUỐC GIA NAMIBIA |
Theo nhóm nghiên cứu quốc tế, con tàu ma đã được tìm thấy từ năm 2008, chìm sâu dưới đáy biển và hư hại khá nặng nề. Các nhà khoa học đã mất rất nhiều thời gian và công sức để khai quật con tàu cùng một số hàng hóa, vàng bạc khỏi vùng biển thuộc địa phận Tây Phi, cũng như phân tích chúng để hiểu thêm về hoạt động và số phận của con tàu.
|
Phiên bản thu nhỏ của "tàu ma" Bom Jesus - Ảnh: DIETER NOLI |
Thứ đáng chú ý nhất trên tàu là hơn 100 chiếc ngà voi cực dài - cũng chính là chìa khóa giải mã cho sự giàu có không tưởng của Bom Jesus, theo Daily Mail. Con tàu này được cho là buôn ngà voi và nhiều thứ quý giá khác khắp thế giới, với hải trình kết nối châu Âu - châu Phi - châu Á.
|
Mặt cắt của một chiếc ngà to lớn 500 năm tuổi - Ảnh: JUDITH SEALY |
Tiến sĩ Aida de Flamimgh từ Đại học Illinois ở Ubarna-Champaign (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết kết quả nghiên cứu gene cổ sinh dựa trên DNA đã xác định được những chiếc ngà 500 tuổi chính là của loài voi rừng châu Phi Loxodonta cycloti; trong khi kết quả phân tích tỉ lệ các đồng vị carbon và nitơ cho thấy chúng đang sống trong môi trường thảo nguyên ven biển châu Phi khi bị săn trộm.
Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn lịch sử động vật học ở nơi đây, bởi các bằng chứng trước đó cho thấy loài này vốn ẩn nấp sâu trong rừng nhiệt đới và chỉ di chuyển ra khu vực thảo nguyên để sinh tồn từ đầu thế kỷ 20. Điều này đưa đến một kịch bản bất ngờ: châu Phi từng có voi thảo nguyên từ nhiều thế kỷ trước, nhưng bị sự tham lam của con người làm tuyệt diệt. Những con voi di cư đến thảo nguyên vào thế kỷ 20 chỉ là thế hệ sau, trở về để thử sinh tồn lần nữa.
Theo Thu Anh/Người lao động