Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá mộ thuyền Việt Khê là một phát hiện khảo cổ học đặc biệt về nền văn hóa Đông Sơn. Ngôi mộ này cũng được công nhận là bảo vật quốc gia.
Bảo vật quốc gia
Năm 1961, cuộc khai quật ở xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng phát hiện 5 mộ thuyền. Mộ là những thân cây khoét rỗng, dài hơn 4 m, có nắp. Trong số đó, mộ M2 là quý giá nhất bởi còn khá nguyên vẹn và có nhiều đồ tùy táng. Đây là ngôi mộ thuyền lớn nhất của văn hóa Đông Sơn, có hình dáng như một chiếc thuyền độc mộc với một đầu to, một đầu nhỏ. Mộ dài khoảng 4,76 m, cao khoảng 0,6 m, mặt trong được khoét rất đều và đẹp nhưng mặt bên ngoài chỉ được bóc lớp vỏ cây chứ không có vết chế tác.
Theo các chuyên gia khảo cổ, đây là ngôi mộ thuyền có nhiều đồ tùy táng nhất trong văn hóa Đông Sơn với hơn 100 hiện vật, bao gồm đồ đồng, đồ sơn, một số đồ tre gỗ và da. Chúng được sắp xếp theo cách: ở đầu to xếp những hiện vật cỡ lớn như trống, thạp, bình, đỉnh; ở đầu nhỏ đặt các công cụ và vũ khí như rìu, đục, dao găm; ở giữa có chuông, khay, thố và một mảnh da có sơn; dọc hai bên đặt các loại giáo có cán và mái chèo bằng gỗ; dưới đáy quan tài còn có nhiều đồ đan, vải. Dựa trên kỹ thuật chế tác quan tài và đặc trưng đồ tùy táng có thể định niên đại mộ Việt Khê ở vào khoảng thế kỷ III - II trước Công nguyên.
Tháng 12-2000, cuộc khai quật nhiều ngôi mộ thuyền ở xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội cũng hé mở nhiều bí mật bị bao trùm suốt hàng ngàn năm. Nằm trên thửa ruộng Ao Hồn trong lòng con mương chảy từ sông Nhuệ ra Quốc lộ 1, ngôi mộ có niên đại khoảng cuối thế kỷ III đến đầu thế kỷ II trước Công nguyên. Những ngôi mộ thuyền Châu Can có chiều dài từ 1,85 - 2,32 m, đường kính trên dưới 0,5 m. Thân cây ở đây được bổ dọc, nửa dày làm thân, nửa mỏng làm nắp. Bên trong quan tài, người quá cố được đặt nằm ngửa, tay chân duỗi thẳng, toàn thân được bọc bằng những lớp vải mỏng hoặc lớp lá chẻ nhỏ đan lại một cách cẩn thận. Đáng chú ý, trong mộ có nhiều đồ tùy táng chất liệu đồng như rìu xéo, giáo, lao, gương... và những đồ dùng bằng tre, gỗ, gốm, thậm chí còn có cả hiện vật làm bằng vỏ quả bầu.
PGS Trịnh Sinh, trưởng đoàn khai quật mộ cổ Châu Can, cho hay đồ tùy táng phần lớn là đồ bản địa của nền văn hóa Đông Sơn. Hai mũi giáo đồng thuộc loại có lỗ ở cán giáo. Trong mộ có một chiếc giáo còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, có một điều lạ chưa giải thích được là đoạn đầu cán giáo lại được khoan 3 lỗ. Theo nhận định của PGS Trịnh Sinh, các lỗ khoan này chắc hẳn còn liên quan đến tập tục nào đó trước khi tra cán vào họng giáo. Ngay chiếc cán giáo khi chôn trong mộ cũng được cưa ra làm mấy đoạn một cách có ý thức. Hiện tượng này, theo PGS Trịnh Sinh, do quan niệm đồ vật của người chết phải khác biệt so với người sống: giáo phải cưa gãy cán. Trống đồng thời kỳ này là của báu chôn theo người chết, nhiều khi cũng bị đập thủng mặt cho khác với trống đồng trên trần thế.
|
Mộ cổ Châu Can là hiện vật tiêu biểu cho cư dân thời kỳ văn hóa Đông Sơn |
Văn hóa cư dân lúa nước
Mộ thuyền được coi là đỉnh cao trong nhận thức tâm linh của người Việt cổ liên quan đến môi trường sông nước và tín ngưỡng của cư dân canh tác lúa nước. Họ chuyên khai phá vùng đất trũng của đồng bằng Bắc Bộ và cửa biển.
Người xưa quan niệm có 2 thế giới. Khi chết, con người thoát khỏi thế giới thực và đi đến thế giới bên kia mà con thuyền là cầu nối đưa người ta qua lằn ranh giữa 2 thế giới đó, nghĩa là người chết vẫn phải lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Do vậy, người Đông Sơn chôn theo đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất và vũ khí. Những di vật này giúp chúng ta hiểu thêm nhiều khía cạnh về đời sống xã hội của cư dân Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
PGS Trịnh Sinh cũng cho rằng tục chôn nguyên xác trong quan tài hình thuyền của người Việt ở Châu Can là một trong những nghi thức chôn cất độc đáo của tộc người khai phá vùng đất trũng. Cuộc sống vừa làm nông vừa gắn bó với sông nước cho thấy họ từng bước vươn lên đầy gian lao. Câu tục ngữ "sống ngâm da, chết ngâm xương" rất đúng với người Châu Can. Và vì thế, cuộc sống ở thế giới bên kia của họ cũng phải có mặt hình bóng chiếc thuyền được hình tượng hóa bằng những mộ thuyền là thân cây khoét rỗng. Khi chôn cất, vì ở khu đất còn lầy lội, những mộ thuyền được "neo" lại dưới huyệt đất bằng những cây cọc ghìm cắm hai bên.
Từ những ngôi mộ thuyền cũng có thể hình dung phần nào bối cảnh cuộc sống thời đó. Kích thước mộ thuyền lớn nhất cho thấy chủ nhân của ngôi mộ là người giàu có. Từ đây có thể suy ra xã hội của người Việt cổ đã có sự phân hóa giàu - nghèo. PGS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho rằng mộ Việt Khê đã cho thấy có sự phân hóa xã hội trong thời Đông Sơn dẫn tới hình thành các tầng lớp xã hội khác nhau. Sự phát triển ở giai đoạn sau của văn hóa này đã đạt tới mức hình thành các giai cấp đầu tiên trong xã hội.
Một số hiện vật là vũ khí bằng đồng trong các ngôi mộ cổ cũng cho thấy thời kỳ này đã có sự xung đột giữa các bộ lạc. Các nhạc khí như trống đồng, lục lạc, chuông đồng... thể hiện sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt cổ đã phát triển đến thời thịnh vượng mà đỉnh cao là nghệ thuật đúc trống đồng. Các hiện vật khác như đục đồng, rìu đồng... thể hiện trình độ thủ công, chế tác của người xưa đã có tiến bộ mới và trở thành công cụ chính trong hoạt động sản xuất.
Theo Yến Anh/Người Lao động