Thứ Tần Thủy Hoàng ao ước có được khi cho đào mộ Hạp Lư
Sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu và thành lập đế quốc Tần với lãnh thổ trải rộng khắp Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng tự coi mình là vị vua vĩ đại nhất nên xưng là hoàng đế. Mải mê theo đuổi sự bất tử, Tần Thủy Hoàng vẫn không quên chuẩn bị cho cái chết của mình. Đương nhiên, lăng mộ của ông ta cũng phải là loại lớn bậc nhất.
Ngay từ khi mới lên ngôi, Tần Thủy Hoàng đã nghĩ đến việc xây dựng lăng mộ cho mình. Quá trình xây dựng lăng mộ trên núi Ly Sơn (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) cho Tần Thủy Hoàng kéo dài 38 năm (246 – 208 TCN).
Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, 70 vạn nhân lực đã được huy động để xây dựng công trình này. Ngày nay, các nhà khảo cổ mới chỉ khám phá được lớp bên ngoài lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Việc tiến sâu vào trung tâm lăng mộ là rất khó do khối lượng đất đá phải vận chuyển lớn và nguy cơ cổ vật bên trong bị hủy hoại.
Những bảo vật và châu báu bên trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng là thứ tên trộm mộ nào cũng ao ước, nhưng chính vị hoàng đế này lại khao khát có được bảo vật ở một ngôi mộ khác.
Sách “Nguyên hòa quận huyện chí” của nhà sử học, tể tướng thời Đường tên Lý Cát Phủ chép, năm 219 TCN, Tần Thủy Hoàng đến Tô Châu (thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay) lệnh cho quân lính ra sức đào mộ của Ngô Hạp Lư để tìm bảo kiếm. Ngô Hạp Lư là vua đời thứ 24 của nước Ngô, được xếp vào nhóm “Ngũ Bá” (5 vị vua có sự nghiệp lẫy lừng, được coi là bá chủ) thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.
“Thủy Hoàng sai người đào núi tìm mộ Hạp Lư, nhưng đào mãi không thấy đành phải quay về”, Lý Cát Phủ chép.
Theo Đông Chu liệt quốc, sau khi Hạp Lư chết đi, thi thể ông được chôn dưới lăng mộ cùng 3.000 thanh bảo kiếm, trong đó còn có một số thanh “thần kiếm” có một không hai. Đây là thứ Tần Thủy Hoàng ao ước có được khi cho đào mộ Hạp Lư.
Hạp Lư được chôn cùng 3000 thanh bảo kiếm
Trong lịch sử, Hạp Lư nổi tiếng là vị vua yêu kiếm và sự nghiệp của ông cũng gắn liền với những thanh kiếm.
Hạp Lư (514 TCN – 496 TCN) tên thật là Cơ Quang, là vua đời thứ 24 của nước Ngô. Ông có 2 trọng thần là Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ, đều nổi tiếng trong sử sách về tài năng. Trong đó, Tôn Vũ là nhà quân sự kiệt xuất, đã viết ra cuốn Binh pháp Tôn Tử nổi tiếng thế giới.
Hạp Lư cũng là người sở hữu 2 thanh bảo kiếm nổi tiếng bậc nhất lịch sử Trung Quốc là Ngư Trường và Mạc Tà. Mỗi thanh kiếm giúp ông tiến thêm một bậc trên con đường trở thành bá chủ.
Theo Đông Chu liệt quốc, năm 523 TCN, tướng nước Sở là Ngũ Tử Tư bỏ trốn sang nước Ngô, được Hạp Lư thu dụng. Hạp Lư muốn giết vua Ngô là Ngô Liêu để cướp ngôi, Ngũ Tử Tư cho rằng chỉ có một người tên Chuyên Chư đủ bản lĩnh làm được điều này.
Năm 515 TCN, nhân lúc quân chủ lực nước Ngô đang mải đánh nhau ở nước Sở, Hạp Lư bày kế mời Ngô Liêu tới nhà dùng tiệc, nhân lúc rượu say thì ám sát. Ngô Liêu vốn nghi ngờ dã tâm của Hạp Lư đã lâu nên đi dự tiệc mà vẫn mặc 3 lớp áo giáp, đem 100 dũng sĩ theo hầu. Giữa lúc kế hoạch ám sát có nguy cơ đổ bể, Ngũ Tử Tư hiến kế để Chuyên Chư dùng thanh Ngư Trường sắc bén đâm chết Ngô Liêu.
Hạp Lư nói: “Ngày xưa vua Việt sai Âu Dã Tử (bậc thầy rèn kiếm giỏi nhất lịch sử Trung Quốc) rèn 5 thanh kiếm, đem 3 thanh dâng nước Ngô là Trạm Lư, Bàn Sính và Ngư Trường. Thanh Ngư Trường tuy nhỏ mà sắc bén, chém sắt như chém bùn, ta vẫn coi như báu vật, không nỡ đem dùng. Nhưng mấy đêm nay kiếm ấy cứ sáng rực lên, ắt hẳn nó muốn uống máu Ngô Liêu chăng?”.
Đây là có thể những tình tiết được tô vẽ thêm trong Đông Chu liệt quốc, nhưng sự kiện Hạp Lư giết Ngô Liêu là có thật.
Theo Đông Chu liệt quốc, Biết Ngô Liêu thích ăn cá, Chuyên Chư giấu thanh Ngư Trường vào bụng một con cá to dâng lên. Khi tới gần Ngô Liêu, Chuyên Chư rút kiếm Ngư Trường ra đâm, quả nhiên xuyên thủng 3 lớp áo giáp. Chuyên Chư giết vua, bị đám vệ sĩ xúm lại băm nát như tương. Hạp Lư biết tin Ngô Liêu đã chết liền cùng Ngũ Tử Tư dẫn quân cướp ngôi, không ai dám ngăn cản.
Năm 514 TCN, Hạp Lư muốn cất quân đánh Sở, nhưng lực lượng giữa Ngô và Sở quá chênh lệch. Tôn Vũ cho rằng phép dụng binh quan trọng nhất là sự tinh nhuệ, không cần đông, điều trước mắt là cần huấn luyện binh sĩ và nâng cấp chất lượng vũ khí cho nước Ngô. Hạp Lư khen là phải, truyền lệnh trọng thưởng cho thợ rèn giỏi trong dân gian để đúc được nhiều kiếm tốt.
Sách Ngô Việt xuân thu phần Hạp Lư nội truyện chép, Hạp Lư thu dụng thợ rèn giỏi trong dân gian, đúc ra 3.000 thanh kiếm tốt, đều đặt tên là Biển Chư (có thuyết nói thanh tốt nhất trong số kiếm này mới được gọi là Biển Chư), cất làm của riêng. Hạp Lư lại tìm được một người nước Ngô tên Can Tương – học trò giỏi nhất của Âu Dã Tử – sai đúc kiếm báu.
Tương truyền, Can Tương chọn ngày giờ tốt, đốt lò ngày đêm suốt 3 tháng ròng rã mà vàng, sắt và đồng đều không bị nung chảy, người vợ tên Mạc Tà bèn nhảy vào lò lửa để tế. Can Tương bấy giờ mới luyện thành được 2 thanh kiếm quý, người đời sau đặt tên cho kiếm là Mạc Tà và Can Tương.
Can Tương chỉ dâng cho Hạp Lư thanh Mạc Tà, giấu kiếm Can Tương đi. Hạp Lư cần kiếm chém thử vào tảng đá lớn, tảng đá liền vỡ làm đôi. Hạp Lư mừng rỡ, thưởng cho Can Tương 100 nén vàng.
Sau khi có được kiếm Mạc Tà, Hạp Lư đánh đâu thắng đó, từng nước mở rộng lãnh thổ nước Ngô, chèn ép 2 nước lớn xung quanh là Việt và Sở.
Theo Đông Chu liệt quốc, năm 512 TCN, Hạp Lư cùng 2 trọng thần là Ngũ Tử Tư, Tôn Vũ cất quân đánh Sở. Năm 506, quân Ngô đánh thắng liên lục 5 trận lớn, Hạp Lư tiến thẳng vào kinh đô nước Sở là Sính Đô. Sau khi tiêu diệt nước Sở, Hạp Lư được xếp vào hàng bá chủ thời Xuân Thu.
Năm 496 TCN, Hạp Lư chết, truyền ngôi cho Phù Sai. Theo Ngô Việt xuân thu, thi thể Hạp Lư được chôn cùng 3.000 bảo kiếm dưới đáy một hồ nước lớn ở chân núi Hổ Khâu, Tô Châu. Hồ nước này sau được người dân gọi là hồ Kiếm.
Vì sao chưa ai đào được mộ Hạp Lư?
Sách Việt Tuyệt thư chép: “Mộ Hạp Lư dưới lòng hồ Kiếm, chân núi Hổ Khâu. Nước sâu 1 trượng 5 thước (khoảng 5 mét). Huyệt mộ nằm rất sâu dưới đáy hồ. Lăng mộ Hạp Lư xây suốt 3 năm, phải dùng cả voi để vận đá”.
Theo Sohu, trong mộ Hạp Lư nhiều khả năng chỉ có kiếm Biển Chư và Ngư Trường, không có thanh Mạc Tà. Sách Tấn thư phần Trương Hoa truyện chép, đầu thời Tây Tấn (cách thời đại Hạp Lư sống hàng trăm năm), cả 2 thanh Can Tương và Mạc Tà cùng xuất hiện rồi biến mất ở Diên Bình Tân (thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày nay).
Ngọn núi được cho là nơi Can Tương đúc kiếm gọi là Mạc Can Sơn, thuộc huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang ngày nay. Đây cũng là địa điểm rất thu hút khách du lịch ở Chiết Giang.
Theo Sohu, không chỉ Tần Thủy Hoàng, hàng ngàn năm qua, rất nhiều người có ý định đào mộ Hạp Lư tìm kiếm báu đều phải ra về tay trắng. Nguyên nhân là vì nước ở hồ Kiếm không bao giờ cạn nên việc lặn xuống tìm kiếm và đào mộ Hạp Lư là điều bất khả khi. Trải qua năm tháng, dấu tích về ngôi mộ của Hạp Lư dưới đáy hồ cũng bị xóa sạch.
Theo Wenshigu, năm Chính Đức thứ 7 (1513), Tô Châu gặp đại hạn, nước trong hồ Kiếm cạn trơ đáy. Có người học sĩ tên Đường Dần (Đường Bá Hổ) đi qua muốn tìm mộ Ngô vương Hạp Lư nhưng bị quan lại địa phương ngăn cản. Năm 1978, nước trong hồ Kiếm cũng cạn, người ta thấy đáy hồ lộ ra một cửa hang, bị chắn bởi 3 phiến đá lớn, nghi là cửa mộ Hạp Lư nhưng không ai dám khai quật.
Năm 1965, trong cuộc khai quật 50 ngôi mộ cơ ở Kinh Châu, Hồ Bắc, người ta phát hiện ra một thanh kiếm có chất liệu chủ yếu bằng đồng, hoa văn điêu khắc trên thân rất đẹp.
Thanh kiếm này được các nhà khảo cổ học xác định thuộc về Việt vương Câu Tiễn – kẻ thù của Ngô vương Hạp Lư. Trải qua hàng ngàn năm chôn dưới mộ cổ, kiếm của Câu Tiễn vẫn sáng bóng và sắc bén lạ thường. Một số chuyên gia cho rằng thanh kiếm này do chính tay Âu Dã Tử luyện thành.
Việc kiếm Câu Tiễn được khai quật cho thấy những thanh bảo kiếm thời Xuân Thu mà Hạp Lư từng sở hữu nhiều khả năng là có thật và được chôn trong ngôi mộ dưới đáy hồ Kiếm.
Tương truyền, Tần Thủy Hoàng cũng có một thanh bảo kiếm chém sắt như chém bùn tên Thái A. Điều trùng hợp là kiếm Thái A cũng được rèn bởi một người thợ ở Giang Tô. Năm 1994, Trung Quốc tổ chức khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng lần thứ 2. Trong lần khai quật này, người ta tìm thấy rất nhiều thanh kiếm bằng đồng với hình dáng và hoa văn khác nhau.
Giống như kiếm Câu Tiễn, những thanh kiếm trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn giữ được sự sắc bén dù bị chôn dưới đất hàng ngàn năm. Điều này cho thấy Tần Thủy Hoàng là người rất yêu kiếm, khi chết cũng muốn được chôn cất cùng bảo kiếm giống như Hạp Lư.
Theo Wenshigu, rất có thể Tần Thủy Hoàng muốn đào mộ Hạp Lư để kiếm cướp kiếm, đem về chôn cùng mình.
Năm 1995, sau khi rút cạn nước hồ Kiếm bằng máy bơm công nghiệp và thăm dò địa chất. Các chuyên gia Trung Quốc xác định dưới hồ Kiếm rất có thể có mộ của Ngô vương Hạp Lư nhưng không thể khai quật bởi nền địa chất của núi Hồ Khẩu rất yếu.
Nếu đào mộ Hạp Lư, ngôi đền Hồ Khẩu xây từ thời Tống ở phía trên cũng sẽ đổ sập. Chính quyền Giang Tô vì vậy cấm toàn bộ hoạt động thăm dò mộ Hạp Lư để tìm bảo kiếm. Ngôi mộ của vị bá chủ lừng lẫy thời Xuân Thu vì thế mãi chìm vào bí ẩn.
Vương Nam /Theo Khám Phá