Vào hồi 17h40 ngày 16/9 giờ địa phương (tức 21h39 ngày 16/9 giờ Việt Nam), tại Thủ đô Riyadh (Cộng hòa Ả-rập Xê-út), Ủy ban Di sản Thế giới (UBDSTG) UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử và công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới.
Với sự kiện này, Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Trước đó, Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2000. Năm 2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới. Sau quá trình thẩm định, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã dự thảo Quyết định để UBDSTG thông qua tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long theo các tiêu chí để gộp cả Quần đảo Cát Bà. Ngay sau đó, việc triển khai các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được tiếp tục đẩy mạnh.
|
Vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
|
Tháng 9/2016, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và tham mưu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép TP. Hải Phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt gửi tới UNESCO; đồng thời giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn TP. Hải Phòng trong việc xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định có liên quan.
Vào đầu năm 2021, hồ sơ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã được chỉnh sửa, hoàn thiện theo nội dung khuyến nghị. Cụ thể, UBND TP. Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi tới UNESCO để được ghi vào Danh mục Di sản thế giới.
Qua quá trình thẩm định, tháng 1/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà và giao Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, gửi hồ sơ tới UNESCO theo thời hạn quy định.
|
Cây và nước tại Ao Ếch trên đảo Cát Bà.
|
Tham gia Kỳ họp lần thứ 45 của UBDSTG diễn ra tại Thủ đô Riyadh (Vương quốc Ả-rập Xê-út) từ ngày 10/9/2023, đoàn Việt Nam đã cung cấp thông tin, giải trình, làm rõ, bày tỏ quan điểm, cam kết trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi vào Danh mục Di sản thế giới. Qua đó, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế, các Quốc gia thành viên UBDSTG đều đánh giá cao giá trị di sản và ủng hộ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản Thiên nhiên thế giới; đồng thời mong muốn được đến tham quan di sản trong thời gian tới...
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản thế giới, bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên mặt biển cùng với các đặc điểm khác liên quan như các mái vòm và hang động.
Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cát Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước. Đây được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của trái đất.
Vùng biển Hạ Long - Cát Bà gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại cổ sinh đến tân sinh. Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hóa thạch khác nhau; trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần như tuyệt diệt trên trái đất.
Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà còn là nơi chứa đựng một môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm; sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ, 51 loài đặc hữu...
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới (tháng 9 năm 2023), trở thành Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam, là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới nói riêng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung ở Việt Nam trong những năm tới.
Theo Đức Tùy / Sức khỏe & Đời sống