Nữ giảng viên từ chối trả lời phỏng vấn vì... quá xúc động
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ rộng 1.250m2 trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật về Điện Biên Phủ là một trong những điểm đến thu hút du khách trong những ngày tháng 5 lịch sử.
Bảo tàng khái quát một cách sinh động, rõ nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, đặc biệt là 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Các phần trưng bày, mô hình… đã tái hiện một quá khứ hào hùng mà đau thương, khốc liệt của chiến tranh.
|
Chị Phạm Thị Thanh Nga, giảng viên Trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội xúc động khi tận mắt nhìn thấy những chứng tích của chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng. Ảnh: Mai Loan. |
Lặng lẽ đứng ngắm những chứng tích lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, chị Phạm Thị Thanh Nga, giảng viên của Trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội nán lại tới tận cuối buổi tham quan. Nhưng khi phóng viên hỏi, xin chị chia sẻ cảm xúc, chị lắc đầu từ chối. Một lúc sau, chị mới nghẹn ngào giải thích: “Không phải tôi từ chối trả lời, mà vì xúc động quá, không nói được”.
Sau ít phút trấn tĩnh, chị Phạm Thị Thanh Nga cho hay, đây là lần đầu tiên chị đến thăm bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ và rất xúc động.
|
Các du khách tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Mai Loan. |
“Tôi bần thần suốt từ đầu buổi tham quan đến giờ. Sinh ra sau giải phóng miền Nam, thế hệ thuộc thời bình, tôi không thể tưởng tượng được, với sức người, sức của, những trang bị thô sơ như vậy mà chúng ta có thể chiến thắng được thực dân Pháp hùng mạnh.
Tận mắt xem những hình ảnh, tư liệu về chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, tôi vô cùng xúc động. Nếu không vào đây thì tôi không thể cảm nhận hết sự hy sinh, hào hùng của quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này đã trang bị cho tôi rất nhiều kiến thức, tư liệu phong phú”, chị Phạm Thị Thanh Nga chia sẻ.
Đặc biệt, chị Nga cho biết, trong quá trình đi tham quan, chị may mắn được gặp, trò chuyện với những người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chị càng hiểu, cảm nhận rõ được tinh thần yêu nước, sự kiên cường, quả cảm, sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam.
Xúc động trước quá khứ đau thương, hào hùng
Trong cái nắng chang chang của tiết trời tháng 5 trong Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, cựu chiến binh Đỗ Mạnh Hùng, sinh năm 1955 (Thạch Thất, Hà Nội) cùng các du khách xúc động thắp từng nén nhang thơm trên mộ các liệt sĩ. Ông Hùng từng là người lính tham gia trận “Điện Biên Phủ trên không”, chứng kiến khoảnh khắc quân ta tiến vào giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975.
|
Cựu chiến binh Đỗ Mạnh Hùng xúc động đọc thơ trong Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. |
“Tôi đến thăm nghĩa trang mà rơi nước mắt. Những liệt sĩ nằm dưới mộ vừa là đồng chí, vừa là anh em. Họ cũng giống như tôi, khi đi chiến trường còn trẻ lắm. Tôi mong thế hệ trẻ luôn nhớ rằng, nhờ có những người lính hiến dâng tuổi thanh xuân mà chúng ta mới có nền hòa bình, độc lập như ngày hôm nay”, ông Hùng nói.
Thắp nhang trước mộ liệt sĩ Tô Vĩnh Diện – anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người lấy thân chèn pháo cao xạ để ngăn pháo rơi xuống vực trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hùng đã xúc động đọc bài thơ “Điện Biên những ngày hè”. Bài thơ là cảm xúc của ông trước những mất mát, đau thương trong quá khứ và một Điên Biên hòa bình hôm nay. “Điện Biên hôm nay đẹp lắm có ai ngờ, 70 năm trước một chiến trường khốc liệt”, ông Hùng xúc động.
Trong các du khách đến thăm Điện Biên, có rất nhiều cựu chiến binh cùng người thân. Ông Nguyễn Văn Thành, 85 tuổi, nhân chứng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ giới thiệu với người vợ đi cùng từng vũ khí trưng bày trên đồi A1, cách sử dụng ra sao. Bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông Thành cho hay, lấy nhau xong, ông tham gia chiến dịch biền biệt. Đây là lần đầu tiên, và có lẽ cũng là lần cuối cùng, bà được cùng chồng lên thăm lại chiến trường xưa ông chiến đấu, vô cùng xúc động.
|
Ông Nguyễn Văn Thành, 85 tuổi, nhân chứng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang giới thiệu cho người thân các loại vũ khí được sử dụng trong chiến dịch. Ảnh: Mai Loan. |
“Trời nắng, đường xa, nhưng chúng tôi quyết tâm phải đi cho bằng được, xúc động lắm”, bà Dung chia sẻ.
Cũng là cựu chiến binh lên thăm đồi A1, nhưng ông Hoàng Quốc Trưởng, 64 tuổi ở Tuyên Quang cho hay, ông tham gia cuộc chiến bảo vệ phía Bắc, chứ không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng là người lính, trong lòng ông trào dâng niềm xúc động khi tới thăm các chứng tích của chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Cựu chiến binh Hoàng Quốc Trưởng (thứ 2 từ trái qua) cùng người thân, bạn bè lên thăm đồi A1. Ảnh: Mai Loan. |
“Còn rất nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm lại ở mảnh đất này. Tôi tự hào khi cũng là một người lính và một người con của đất nước Việt Nam”, ông Trường bày tỏ.
Ông Hùng cho hay, vượt qua quãng đường dài, thời tiết lúc mưa, lúc nắng, trong đoàn có nhiều người bị say xe nhưng tinh thần rất phấn chấn, vừa đi vừa hát các bài hát cách mạng. Đoàn đã đến thăm nhiều điểm di tích của chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi một điểm đến là một niềm xúc động khôn nguôi.
Mời quý độc giả xem video: Chị Phạm Thị Thanh Nga, giảng viên của Trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội chia sẻ niềm xúc động khi đến thăm Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan