Kim sách Đế hệ thi là một cuốn sách vô cùng độc đáo, có một không hai của Việt Nam. Với khối lượng “khủng” lên tới hơn 4kg vàng ròng, cuốn kim sách này đã trở thành tâm điểm khiến nhiều người muốn chiêm ngưỡng và tìm hiểu về nguồn gốc của nó.
Kim sách Đế hệ thi đã được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam.
Cuốn sách độc nhất vô nhị
Dưới thời Minh Mạng, có một quyển sách mang nội dung đặc biệt. Đó là dịp nhà vua làm bài thơ "Đế hệ thi" và 10 bài "Phiên hệ thi" theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt để đặt chữ lót sẵn cho 20 thế hệ con cháu thuộc dòng chính của mình và thuộc 10 dòng phụ (phiên hệ) của 10 anh em trai của nhà vua.
Kim sách Đế hệ thi dài 23,2cm, rộng 13,7cm, dày 1,6cm và nặng 4,2 kg làm bằng vàng ròng (khối lượng tương đương với hơn 100 lượng vàng hiện nay); gáy đóng 4 khuyên tròn. Kim sách được làm theo khổ chữ nhật đứng, gồm có 13 tờ; bìa trước và sau chạm hình rồng 5 móng, vân mây tượng trưng cho vương quyền, 11 tờ ruột khắc sách văn.
Kim sách Đế hệ thi. (Nguồn: baotanglichsu.vn)
Ngoài giá trị quý hiếm với số lượng vàng "khủng" để tạo tác thì Kim sách Đế hệ thi còn mang giá trị lớn về văn hóa, lịch sử.
Kim sách có chạm khắc bài thơ "Đế hệ thi" được vua Minh Mạng dùng để đặt tên đệm cho 11 đời vua nhà Nguyễn, từ Thiệu Trị tới Bảo Đại. Ngoài Kim sách Đế hệ thi, triều Nguyễn cũng có nhiều bộ Kim sách khác mang giá trị lớn, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Phần lớn kim sách, bao gồm cả của các phi tần, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu, có số tờ lẻ từ 5, 7 đến 9 tờ; duy chỉ có một số sách của các hoàng hậu có số tờ chẵn, trong đó các hoàng hậu thời chúa Nguyễn được 4 tờ, còn các hoàng hậu đương triều được 6 tờ. Sách của các hoàng đế thường là 9 tờ vàng, có kích thước lớn nhất và cũng nặng nhất.
Kim sách Đế hệ thi là trường hợp đặc biệt, dùng tới 13 tờ vàng.
Nội dung bài thơ "Đế hệ thi" được khắc lên Kim sách. (Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản)
Theo "Đại Nam thực lục", năm 1816, hoàng đế Gia Long lập hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm (tức hoàng đế kế vị Minh Mệnh), ban cho kim sách, kim bảo. Sách dùng 5 tờ vàng, dài 5 tấc 6 phân 6 li, ngang 2 tấc 2 phân 4 ly, mỗi tờ dày 2 ly; ấn đúc bằng vàng, núm bằng con rồng ngồi, vuông 2 tấc 4 phân 3 ly, dày 3 phân 2 ly, khắc bốn chữ triện "Hoàng Thái tử bảo".
Còn các hoàng thân, hoàng tử, hoàng tôn khi được phong tước công hầu thì dùng sách bạc mạ vàng 5 tờ, dài 5 tấc 4 phân, ngang 3 tấc 2 phân 4 ly, mỗi tờ dầy 2 ly. Ấn cũng bằng bạc mạ vàng, vuông 2 tấc 3 phân 4 ly, dầy 2 phân 7 ly, núm đều làm hình con cù (một loại rồng không sừng, không râu, không bờm)(1)
Đặt tên cho con cháu 20 đời sau
Vua Minh Mạng dùng bài thơ "Đế hệ thi" để đặt tên cho các thế hệ con cháu nối tiếp bậc đế vương. (Nguồn: Bảo tàng Hà Tĩnh)
Vua Minh Mạng (1791 - 1840) là vị vua thứ hai của triều đại nhà Nguyễn. Ông là một người văn võ tinh thông, chính ông đã cho xây dựng và kiến thiết kinh đô Huế tráng lệ mà ngày nay đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Là một vị vua đa tài và có tầm nhìn xa nên ông rất quan ngại về họa tranh chấp quyền lực trong hoàng tộc. Ông đã sớm nghĩ ra phép đặt tên đôi cho dòng đế (vua) và dòng thân (anh em). Minh Mạng dựa theo thuyết Chính danh của Khổng Mạnh, ông sai Khê đình hầu Đinh Hồng Phiên (Đinh Nguyễn Phiên) làm ra 2 bộ thơ "Đế hệ thi" và "Phiên hệ thi" để đặt tên cho con cháu và các anh em hoàng tộc.
"Đế hệ thi" được làm theo thể tứ tuyệt, có 20 chữ với ý nghĩa tốt lành và uyên bác, dùng làm từ đứng trước cho 20 đời nối tiếp sau kể từ đời vua Minh Mệnh nguyên văn như sau:
Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh
Bảo, Quý, Định, Long Trường
Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật
Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương(2)
Trong bài thơ, chữ nào cũng mang ý nghĩa tốt lành, như Miên là trường cửu phúc duyên, Vĩnh là trường khí anh hùng.
Luật sư, nhà văn Phạm Khắc Hòe từng nhận định: "Sáng tạo ra phép đặt tên đôi như vậy, vua Minh Mạng còn tin rằng sẽ đảm bảo chiếc ngai vàng cho con cháu trực hệ của mình ít nhất cũng được 20 đời, tức là khoảng 500 năm".
Một trang trong "Thánh chế mạng danh kim sách" có khắc bài Đế hệ thi. (Nguồn: Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam)
Theo phép này, tất cả con trai của vua Minh Mệnh đều phải có từ đứng trước làMiên, sau là tên do Hoàng gia đặt; con trai của thế hệ Miên đều phải có tên bắt đầu bằng Hồng(Hường), sau là tên do Hoàng gia đặt; con trai của thế hệHồng lại lấy từ đứng trước làƯng, sau là tên do Hoàng gia đặt... cứ thế đến hết 20 chữ của bài thơĐế hệ.
Với Đế hệ thi, vua Minh Mệnh mong muốn thế hệ sau truyền nối ngôi vua tới 20 đời, được 500 năm. Tuy nhiên, cuối cùng thì chính thức dừng lại ở chữVĩnh, tức thế hệ thứ 5, đời vua thứ 13 triều Nguyễn.
Bảo vật quốc gia vô giá
Tháng 8/1945, vua Bảo Đại thoái vị và đã chuyển giao toàn bộ bảo vật hoàng cung cho chính phủ lâm thời. Số bảo vật này khoảng gần 3.000 món, được chuyển ra Hà Nội. Sau hơn nửa thế kỷ nằm im trong kho bảo quản, đến năm 2007 thì số bảo vật này được chuyển về Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Lúc này, nhiều người mới biết trong số hiện vật quý giá đó có 94 kim sách, trong đó có báu vật đặc biệt - Thánh chế mạng danh kim sách, do vua Minh Mạng ban hành vào năm 1823.
Báu vật "Thánh chế mạng danh kim sách" do vua Minh Mạng ban hành vào năm 1823. (Nguồn: Cục di sản văn hóa Việt Nam)
Có thể nói Kim sách Đế hệ thi có giá trị vô cùng đặc biệt trong tổng số 94 kim sách triều Nguyễn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Kim sách này biểu trưng cho quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, đồng thời còn là nguồn sử liệu quan trọng về lịch sử và văn hóa, gắn liền với vương triều Nguyễn và lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Nội dung kim sách không chỉ phản ánh về nội bộ hoàng tộc nhà Nguyễn mà còn thể hiện rõ ý thức hệ tư tưởng trong đường lối trị nước của triều Nguyễn, cũng như giáo dục sâu sắc ý thức tông tộc, ý thức duy trì, củng cố dòng họ của mình. Không chỉ vậy Kim sách Đế hệ thi còn là bảo vật quốc gia vô giá, là tài sản tri thức đặc sắc của dân tộc Việt – một cuốn tài liệu sử bằng vàng ròng vô giá.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định: "Từ trước đến nay, hậu thế chỉ biết đến những tư liệu bằng giấy, lụa còn sách bằng vàng, bạc rất quý hiếm. Các cuốn kim sách, kim ấn là dấu ấn lịch sử, văn hóa, cũng là nguồn sử liệu tương đối tin cậy, phần nào cho hậu thế biết được cuộc sống gia đình vua chúa xưa kia và biến động của một vương triều".
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mong ước của vua Minh Mạng không thể nào thực hiện được. Ngôi vị đế vương chỉ truyền được tới đời vua thứ 13 là Bảo Đại tức chữ "Vĩnh" – chữ thứ 5 trong Đế hệ thi, chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Theo Trần Minh Hiếu/Doanh Nghiệp Việt Nam