Về sau, khi bánh mì được các lò ở tỉnh lỵ sản xuất, nó mới được chở về các thị trấn heo hút bằng xe đò hoặc đò máy. Những chuyến xe đò hoặc những chuyến đò máy về tới thị trấn thường vào buổi chiều. Người lớn mua những ổ nhai ngon lành. Trẻ con thích thú với những cái bánh mì sừng trâu. Gọi như vậy vì ổ bánh mì cong hình bán nguyệt mặt trên vàng sậm với những hột đường cát trắng bám bên trên. Chính vị ngọt của những hột đường này quyến rũ hàm răng háu ăn của bọn nhỏ. Ở thị xã, bánh mì lạt được những đứa trẻ nghèo mua từ lò cho vào bao bột mì màu cháo lòng vác trên vai rao “bánh mì nóng giòn đây” vào những sáng sớm, khi mọi người còn mơ màng giấc điệp. Chúng vừa đi vừa rao như vậy, đánh thức cư dân đô thị, nhất là những học sinh thức sớm học bài đói bụng kêu mua. Vừa nhai ổ bánh mì giòn rụm, vừa học bài cũng là niềm vui của học sinh nghèo.
|
Ảnh minh họa. |
Chưa dừng lại ở đó, bánh mì được người ta sáng chế thêm nhiều món ngon. Có thể kể ra bánh mì ốp la trứng gà, bánh mì thịt bò kho, bánh mì chả lụa, bánh mì xíu mại, bánh mì bì, bánh mì chả cá, bánh mì phá lấu, bánh mì thịt khìa, bánh mì thịt xiên, bánh mì heo quay. Độc đáo hơn còn có bánh mì… cà rem. Món này hấp dẫn con nít đã đành nhưng người lớn cũng muôn phần ưa thích. Đâu chỉ có vậy, người ta còn thưởng thức bánh mì một cách đơn giản là chấm sữa hoặc cà phê hay cà phê sữa, cũng phê buổi sáng sớm.
Bánh mì thậm chí còn lấn sân phục vụ người ăn chay. Điều đó cho thấy thức ăn nhanh này đã trở thành món ăn dân dã vô cùng tiện lợi cho người dân đô thị lẫn nông thôn.
Theo Cúc Tần/Dân Việt