Bắc Ninh đề xuất bảo tồn tại chỗ hai thuyền cổ quý hiếm

Google News

Phương án bảo tồn được thực hiện một cách khoa học theo 5 bước tương tự như đã thực hiện đối với các di sản khảo cổ khác đã được thực hiện, tiêu biểu nhất là Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Trong quá trình khai quật khẩn cấp tại khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, các nhà khảo cổ đã phát hiện hai con thuyền cổ có quy mô lớn, cấu trúc phức tạp và độc đáo chưa từng thấy tại Việt Nam và thế giới. Thuyền dài hơn 16m, rộng 2m, đáy thuyền có kết cấu độc mộc, thân thuyền được nối từ đáy lên đến mép trên của mạn thuyền bằng các tấm ván. Đặc biệt, các bộ phận của thuyền được kết nối bằng đinh gỗ, hoàn toàn không sử dụng kim loại. Căn cứ kỹ thuật chế tác, các nhà khoa học nhận định đây có thể là thuyền từ thời Lý.
Trước giá trị lịch sử, văn hóa và kỹ thuật đặc biệt của di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép bảo tồn nguyên trạng tại chỗ. Giải pháp này được cho là tối ưu, do quy mô thuyền lớn, khó di dời và có thể kết hợp với quy hoạch công viên, vườn hoa hiện tại mà không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển đô thị.
Bac Ninh de xuat bao ton tai cho hai thuyen co quy hiem
Cận cảnh di tích thuyền cổ ở Bắc Ninh. Ảnh: An Trân / Báo Nhân Dân.
Theo đề xuất, di tích sẽ được bảo tồn khẩn cấp theo phương án tạm thời lấp cát để bảo vệ nguyên trạng sau khi kết thúc công tác nghiên cứu và tư liệu hóa di tích tại hiện trường. Phương án này được thực hiện một cách khoa học theo 5 bước tương tự như đã thực hiện đối với các di sản khảo cổ khác đã được thực hiện, tiêu biểu nhất là Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Đáng chú ý, tỉnh sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng các phương pháp bảo quản hiện đại để chống lại sự phân hủy của vật liệu gỗ, như xử lý hóa chất bảo quản, kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ…
Về lâu dài, Bắc Ninh dự kiến phát triển du lịch văn hóa quanh khu vực thuyền cổ, gắn kết với các di tích tại thành cổ Luy Lâu. Các hoạt động như lễ hội, trưng bày 3D, phục dựng mô hình, sản phẩm lưu niệm và sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ góp phần phát huy giá trị của di tích độc đáo này.
T.B