Ý nghĩa của việc cúng ông Táo
Theo quan niệm dân gian của người Việt, trong gian bếp của mỗi gia đình có ba vị thần canh giữ. Những người này được gọi là Táo quân chuyên trông coi, định đoạt vận may rủi, phúc họa cho gia chủ. Ngoài ra, các vị Táo quân còn giúp ngăn cản sự xâm phạm của các thế lực xấu, giữ yên bình cho các thành viên trong gia đình.
Do vậy, hàng năm người dân Việt thường tổ chức cúng ông Táo vào dịp cuối năm.
Cúng ông Táo vào ngày nào
Theo các chuyên gia phong thủy, trong tháng Chạp năm nay có 3 ngày đẹp để cúng Táo quân.
Ngày tốt nhất để làm lễ cúng ông Táo là ngày 22 tháng Chạp (ngày Canh Ngọ) vì ngày đó vừa vào tiết Lập xuân, rất phù hợp để làm lễ cúng.
Giờ cúng tốt nhất trong ngày này là giờ Ngọ (11 – 13 giờ) hoặc giờ Mùi (13 – 15 giờ). Tuy nhiên, những người tuổi Tý tuyệt đối không nên cúng ông Táo vào ngày này.
|
Trong năm nay, ngày 20, 22, 23 tháng Chạp là những ngày tốt để tiến hành cúng ông Táo - Ảnh minh họa: Internet |
Ngày tốt thứ hai để cúng ông Táo là 20 tháng Chạp (ngày Mậu Thìn). Vào ngày này, gia chủ nên cúng vào khoảng 9 – 11 giờ (giờ Tỵ) hoặc từ 13 – 15 giờ (giờ Mùi). Những người sinh năm Tuất không nên cúng vào ngày này.
Ngày cuối cùng phù hợp để cúng Táo quân trong năm nay là ngày 23 tháng Chạp. Đây là ngày bất cứ ai cũng có thể làm lễ. Tuy nhiên, có một điều cần phải lưu ý khi cúng vào ngày 23 tháng Chạp đó là phải làm xong trước 12 giờ trưa.
Đồ cúng ông Táo gồm những gì
Trên mâm cúng Táo quân, nhất định phải chuẩn bị đầy đủ 3 bộ mũ, áo mới, cá chép hoặc cá chép giấy. Một số vật phẩm khác cũng quan trọng không kém trong lễ cúng như nhang, hoa tươi, trái cây, bánh kẹo, trầu cau, rượu, giấy tiền vàng mã.
Mâm cúng có thể đơn giản nhưng phải trang trọng, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ.
* Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Theo Thế Huân/Phụ nữ Sức khỏe