Anh hùng Nguyễn Văn Chuyên: “Mắt thần” của phi công trận "Điện Biên Phủ trên không"

Google News

Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân Nguyễn Văn Chuyên được ví như đôi “mắt thần” của phi công, góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt.

“Dẫn đường không quân là một lực lượng chỉ huy bay mang tính đặc thù là tai, mắt, đồng hành cùng phi công trong các trận đánh, từ khi máy bay cất cánh thực hiện nhiệm vụ cho đến khi hạ cánh an toàn.
Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi dẫn đường phải dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Đại tá, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân” Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ.
Anh hung Nguyen Van Chuyen: “Mat than” cua phi cong tran
 Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên kể lại những lần dẫn đường cho máy bay chiến đấu. Ảnh: QPTĐ.
Phương án đánh B-52 mạo hiểm
Đại tá Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ, đến nay, vẫn còn rất nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam đánh được B-52 - một loại máy bay “bất khả xâm phạm" của đế quốc Mỹ? Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không này có nhiều nguyên nhân, trong đó, phương án đánh B-52 từ xa chuẩn bị rất công phu và tỉ mỉ, đặc biệt là biện pháp giữ bí mật, bất ngờ trong quá trình cất cánh từ xa để tiếp cận được B-52.
Anh hung Nguyen Van Chuyen: “Mat than” cua phi cong tran
 Ảnh trái: Phố Khâm Thiên bị bom B52 rải thảm, ngày 26/12/1972Ảnh phải: Một trong rất nhiều ngôi Chùa ở Hà Nội bị bom B52 tàn phá, tháng 12/1972. Ảnh tư liệu: QĐND.
“Đây là phương án rất mạo hiểm đối với phi công bay đêm ở vùng rừng núi phức tạp. Để phi công thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, phương án này đòi hỏi sự tính toán, hướng dẫn chuẩn xác hơn bao giờ hết của lực lượng dẫn đường”, đại tá Nguyễn Văn Chuyên cho hay.
Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nhớ lại, trước khi lực lượng máy bay B-52 vào tập kích Hà Nội, tất cả các sân bay của ta đều bị không quân Mỹ đánh phá. Song ta vẫn kịp thời khắc phục khó khăn, nguy hiểm để lực lượng không quân cất cánh. 19 giờ 23 phút, đại đội rađa dẫn đường 45 ở Đổi Si (Nghệ An) phát hiện đội hình máy bay B-52 của địch chỉ cách Hà Nội 400km ở hướng Tây nam.
Khi B-52 vào đánh phá cách Hà Nội 300km, lực lượng dẫn đường đề nghị cho phi công Trần Cung cất cánh từ sân bay Hòa Lạc bay đến biên giới Lào - Việt. Song lúc này, đội hình chính của máy bay B52 chưa vào nên phi công Trần Cung chỉ giao tranh với máy bay F4, rồi bay về, hạ cánh an toàn.
Sau khi nghiên cứu tình hình, lực lượng dẫn đường đề nghị cho phi công Phạm Tuân cất cánh từ sân bay Nội Bài. Khi phi công Phạm Tuân bay ra đến Suối Rút (Hòa Bình) vào đúng lúc đội hình lớn máy bay B52 vượt qua biên giới Lào - Việt và hướng vào Hà Nội, buộc chúng phải triển khai đội hình đối phó.
Sự xuất hiện của chiếc MiG21 đã gây nhiều khó khăn cho địch, phá vỡ thế trận trên không của địch, góp phần quan trọng tạo thời cơ để bộ đội tên lửa bắn rơi tại chỗ B-52 ngay trong đêm đầu tiên của chiến dịch. Khi phi công Phạm Tuân bay về, hạ cánh trên đường lần sân bay Nội Bài nhưng lúc này sân bay bị mất điện.
Nhờ ngọn đuốc khổng lồ của chiếc B-52 rơi ở Phù Lỗ đã giúp phi công Phạm Tuân hạ cánh an toàn, chỉ cách hố bom chưa đầy 1m.
Cũng trong đêm 18/12, dưới sự hỗ trợ của lực lượng dẫn đường, phi công Vũ Đình Rạng cũng điều khiển chiếc MiG21 tiến công đội hình máy bay địch.
Hỗ trợ phi công nhìn thấy B-52 bằng mắt thường
Sau đêm 18/12/1972, đêm nào lực lượng không quân cũng cất cánh, nhưng vẫn chưa bắn rơi được máy bay B-52 vì bị đội hình máy bay F4 cản trở cho tiếp cận máy bay B-52. Xem xét tình hình, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đề ra phương án đưa không quân ra vòng ngoài để tạo được yếu tố bí mật, bất ngờ. Song, do thời tiết xấu, sân bay vòng ngoài bị đánh phá nên phương án chuyển sân chưa được thực hiện.
Sáng ngày 27/12/1972, không quân Mỹ lại tiếp tục đánh phá các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam. Được sự dẫn đường, phi công Trần Việt bắn rơi l máy bay F4, bắt sống giặc lái ở Phú Thọ. Trong ngày 27/12/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tham Sở chỉ huy Quân chủng, khen ngợi Bộ đội Phòng không - Không quân đánh rất giỏi và căn dặn đánh tốt hơn nữa để trả thù cho đồng bào ta.
Anh hung Nguyen Van Chuyen: “Mat than” cua phi cong tran
Máy bay của ta xuất kích tiêu diệt địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Sau khi sân bay Yên Bái đã sửa xong, ta chuyển sân từ Nội Bài lên Yên Bái để đánh máy bay B-52. Đây là sân bay vòng ngoài cách Hà Nội khoảng 200 km, có địa hình đồi núi phức tạp, núi cao trên 3.000 m che chắn phía nam sân bay, nên giữ được bí mật, bất ngờ khi cất cánh.
22 giờ 30 phút ngày 27/12/1972, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh phi công Phạm Tuân cất cánh từ Yên Bái và giao cho trạm rada dẫn đường 22 ở Mộc Châu dẫn đường tiếp cận dịch.
Nhận nhiệm vụ được giao, Trưởng ban dẫn đường Trạm 22 Mộc Châu Lê Liên, cùng 2 sĩ quan dẫn đường Đặng Dũng, Lương Văn Vóc đã tích cực hỗ trợ, giúp cho phi công nhìn thấy được B-52 bằng mắt thưởng khi còn cách 8km.
Nhờ đó phi công Phạm Tuân đã phóng đồng thời 2 quả tên lửa vào đội hình máy bay B-52 và kịp thời thoát ly, hạ cánh an toàn tại sân bay Yên Bái. Sau đêm 27/12/1972, rút kinh nghiệm, máy bay B52 của Mỹ trước khi qua biên giới Lào - Việt đã tắt đèn.
Những ngày sau đó, lực lượng dẫn đường đã tiếp tục dẫn máy bay của ta bắn rơi thêm nhiều B-52, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống Sở chỉ huy Quân chủng động viên, chỉ đạo cản bộ, chiến sĩ, khen ngợi Bộ đội Phòng không - Không quân đánh giỏi.
Ngày 30/12/1972, sau 12 ngày đêm ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam, chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20, đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nổi lại các cuộc đàm phân. 11 giờ (giờ Paris) ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là đòn đánh quyết định cuối cùng buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong quá trình tham gia chiến dịch, lực lượng dẫn đường luôn nêu cao ý thức tự lực, tự cường, chủ động nắm bắt tình hình, linh hoạt trong xử lý mọi tình huống.
Đó cũng là sức mạnh của tình đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh đó bắt nguồn từ đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sự quan tâm giúp đỡ, động viên, cổ vũ của Quân ủy Trung ương, của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.
“Công tác bảo đảm dẫn đường đã góp phần vào thành tích chung của lực lượng không quân trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Trải qua chiến đấu, bản thân tôi có thêm được những hiểu biết, kinh nghiệm cho quá trình công tác sau này”, đại tá Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Chuyên sinh năm 1932 ở xã Hoài Phủ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông đã tham gia dẫn đường cho máy bay tiêm kích chiến đấu 109 trận, góp phần bắn rơi 116 máy bay.
Đại tá Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ, khi phi công điều khiển máy bay chiến đấu trên không họ hoàn toàn không thể quan sát được mục tiêu bằng mắt thường. Người dẫn đường tuy ngồi ở sở chỉ huy mặt đất nhưng lại chính là “con mắt” của phi công.
Để dẫn đường trên không thành công, người dẫn đường phải đảm bảo 3 yếu tố: Thứ nhất là về hướng bay, phải đảm bảo được tính bất ngờ với quân địch, ai nhìn thấy trước là người ấy chiến thắng. Thứ hai, về độ cao, người dẫn đường phải dẫn cho máy bay của ta thoắt ẩn, thoắt hiện trên ra-đa của đối phương mới có thể khiến họ không đoán được. Thứ ba là về tốc độ bay. Một máy bay chiến đấu chỉ có lượng nhiên liệu nhất định, nên phải điều chỉnh tốc độ phù hợp.
Mời quý độc giả xem video Anh hùng phi công Phạm Tuân kể về ký ức Điện Biên Phủ trên không. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan