An Lộc Sơn là ai mà chiếm kinh đô Trung Hoa, đoạt mạng 36 triệu người?

Google News

Loạn An Sử là một cuộc chiến tranh giành quyền thống trị ở cấp trung ương, tạo bước ngoặt lớn đánh dấu sự lụn bại của chính quyền Trung Hoa thời nhà Đường.

Hoàng đế Đường Huyền Tông vào những năm cuối đời không quản nghiêm việc triều chính, lại ngày đêm đắm chìm vào tửu sắc, không quan tâm đến đời sống nhân dân, nên biến loạn xảy ra được coi là điều tất yếu.

Các phe phái trong triều đấu tranh khi ngấm ngầm khi công khai đều nhằm mục đích tư lợi không vì lợi ích quốc gia, khiến việc trị nước ngày càng rối ren.

An Loc Son la ai ma chiem kinh do Trung Hoa, doat mang 36 trieu nguoi?

Chân dung An Lộc Sơn, người gây ra cuộc nổi loạn chấn động lịch sử Trung Hoa.

An Lộc Sơn ngấm ngầm chuẩn bị làm phản

An Lộc Sơn, người khởi xướng cuộc biến loạn chấn động nhà Đường là người dân tộc Đột Quyết. Năm 724, An Lộc Sơn phạm tội ăn trộm dê, bị Tiết độ sứ của nhà Đường là Trương Thủ Khuê bắt giam.

Khi sắp bị hành hình, An Lộc Sơn kêu to: "Đại nhân không đi giết giặc Phiên, lại ở đây đánh chết An Lộc Sơn, chẳng có uy danh gì cả!"

Trương Thủ Khuê thấy An Lộc Sơn cao to trắng trẻo, lời nói khác thường, bèn thu nhận. Thấy ông dũng cảm, khoẻ mạnh, Trương Thủ Khuê nhận An Lộc Sơn làm con nuôi. Sau này Trương Thủ Khuê có công lao ngoài biên ải, được hoàng đế Đường Huyền Tông gọi về triều. An Lộc Sơn nhờ vậy cũng được thăng tiến, dần dần trở thành tướng tiên phong của nhà Đường.

Từ năm 740 đến năm 751, An Lộc Sơn được thăng từ đô đốc Doanh châu lên Tiết độ sứ ba trấn Phạm Dương, Hà Đông và Bình Lư, nắm toàn bộ vùng đông bắc Trung Quốc khi đó. Ở thời đỉnh cao quyền lực, An Lộc Sơn nắm một phần ba quân số nhà Đường, tương đương 15 vạn quân.

 

An Loc Son la ai ma chiem kinh do Trung Hoa, doat mang 36 trieu nguoi?-Hinh-2

An Lộc Sơn từng kiểm soát được một phần ba quân số nhà Đường.

Ngay khi An Lộc Sơn chưa có thế mạnh thì tướng Trương Cửu Linh, thái tử Lý Hanh… đã không vừa lòng, cho rằng An Lộc Sơn sớm muộn sẽ làm phản. Đường Huyền Tông không tin, trái lại còn thỏa mãn các yêu cầu của An Lộc Sơn như cho bổ sung quân nhu và binh mã.

An Lộc Sơn biết được điều này, nên càng gấp rút chuẩn bị lực lượng để lo cho tương lai khi Đường Huyền Tông qua đời. An Lộc Sơn mất tổng cộng 8 năm để xây dựng lực lượng trung thành, dũng mãnh, sẵn sàng khởi binh khi thời cơ đến.

An Lộc Sơn cho thu nạp những văn sĩ bất mãn người Hán như Nghiêm Trang, Cao Thượng, Trương Thông Nho, Lý Đình Kiên làm mưu sĩ.

Đầu năm 755, An Lộc Sơn dùng 32 tướng người Hồ thay các tướng người Hán, ra sức tích lương thảo, nuôi nhiều chiến mã, nhờ vậy mà thực lực quân nổi loạn mạnh hơn hẳn lực lượng của triều đình trung ương nhà Đường.

Cuộc khởi nghĩa gây chấn động lịch sử Trung Hoa

Tháng 11 năm 755, An Lộc Sơn khởi binh ở Phạm Dương, lấy cớ thanh trừng thừa tướng Dương Quốc Trung. Từ đó bắt đầu loạn An Sử, cuộc nổi loạn gây chấn động lịch sử Trung Hoa.

Quân nổi loạn được đào tạo bài bản do An Lộc Sơn chỉ huy nhanh chóng tràn xuống phía tây, đánh chiếm thành Lạc Dương. Quân đội nhà Đường bạc nhược, liên tiếp bị thua trận. Năm 756, An Lộc Sơn tự xưng là Yên đế ở Lạc Dương, lấy hiệu là Thánh Vũ.

Quân Yên mở rộng chiến trường ra khắp nơi. Tháng 6 năm 756, An Lộc Sơn mang quân tấn công Trường An, bị tướng Kha Thư Hàn mang 20 vạn quân án ngữ trước cửa ải Đồng Quan.

Giữa lúc đó, Đường Huyền Tông nghe tin thắng trận, nôn nóng muốn diệt phản loạn, bèn hạ lệnh cho Kha Thư Hàn xuất quân. Kết quả bị An Lộc Sơn đánh tan tành, 20 vạn quân trấn ải bị tiêu diệt.

An Lộc Sơn thừa thắng, kéo quân vào kinh đô Trường An, khiến Đường Huyền Tông phải hối hả bỏ chạy về phía tây.

 

An Loc Son la ai ma chiem kinh do Trung Hoa, doat mang 36 trieu nguoi?-Hinh-3

Đường Huyền Tông sủng ái Dương Quý Phi, bỏ quên triều chính, dẫn đến cuộc biến loạn. Ảnh phim truyền hình Trung Quốc.

Tình trạng quân Đường lúc đó vô cùng hỗn loạn. Các tướng sĩ oán hận anh em Dương Quốc Trung và Dương Quý Phi nên nổi loạn giết Dương Quốc Trung và ép Đường Huyền Tông xử tử quý phi, nếu không sẽ không hộ giá nữa. Đường Huyền Tông đành mang quý phi đi treo cổ.

Sức khỏe Đường Huyền Tông suy yếu, thái tử Lý Hanh lên ngôi, gọi là Đường Túc Tông. Quân Đường từ đó bắt đầu được tổ chức lại, phản công quân Yên, một phần nhờ vào sự hỗ trợ của các bộ tộc lân cận và Vương quốc Hồi giáo Abbas. Những vị tướng mới đã khích lệ sĩ khí quân Đường, từng bước chiếm lại được Lạc Dương và Trường An.

Tình hình trở nên tệ hơn với quân Yên, khi An Lộc Sơn bị con trai An Khánh Tự giết chết để cướp ngôi. Trong một lần bị quân Đường bao vây, An Khánh Tự phải nhờ Sử Tư Minh đến giúp mới thoát nạn. Nhân cơ hội này, Sử Tư Minh cũng giết luôn An Khánh Tự, tự xưng mình là hoàng đế nước Yên.

Trong một thời gian ngắn, Sử Tư Minh chiếm lại được thành Lạc Dương từ tay nhà Đường. Nhưng rồi cũng bị chính con trai Sử Triều Nghĩa giết hại. Quân Đường nhân cơ hội này không ngừng lập nên chiến thắng, đánh bại nước Yên do An Lộc Sơn lập nên vào năm 763.

Lịch sử nhà Đường chép, dân số trước thời loạn là 53 triệu, nhưng đến khi dẹp yên thì chỉ còn 17 triệu người, đủ để thấy sự tàn khốc của cuộc biến loạn.

Loạn An Sử chấm dứt nhưng nhà Đường không làm cách nào kiểm soát được những vùng đất biên ải. Tình trạng tiết độ sứ cát cứ vẫn diễn ra, cho tới khi nhà Đường sụp đổ vào năm 907.

Sử sách Trung Quốc sau này đánh giá Loạn An Sử là một trong những cuộc khởi nghĩa đẫm máu nhất và có ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Trung Hoa.

Theo Khám Phá