Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất của dân tộc Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc, là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt. Những món ăn truyền thống của ngày Tết đã bước chân vào lãnh địa của văn chương Việt Nam với nhiều phong vị độc đáo.
'Sài Gòn chuyện xưa mà cũ' của Lê Văn Nghĩa
Sài Gòn chuyện xưa mà cũ gồm những tạp bút viết về một Sài Gòn xưa qua các mảnh hồi ức sống động của tác giả Lê Văn Nghĩa. Dưới góc nhìn của ông, thành phố luôn độc và lạ trong sự hoài cổ, đầy ắp câu chuyện, ngồn ngộn tình tiết và dữ liệu thuở xưa. Đó là một Sài Gòn lạ lẫm với những hàng cây cao su, Sài Gòn rực rỡ ánh đèn màu của các rạp cải lương, Sài Gòn sôi động với các ban nhạc trẻ, Sài Gòn với bến tắm ngựa và những con đường ghi đậm dấu tích một thuở, Sài Gòn bỡ ngỡ trong những luồng văn hóa mới...
Trong đó có rất nhiều ký ức Tết xưa với chợ hoa những ngày rộn ràng giáp Tết có nam thanh nữ tú chen chúc cười nói và chọn mua hoa thắm giữa “một xứ sở đầy hoa, tinh khiết từng hương thơm gột rửa cho tâm hồn và cơ thể”, với khung cảnh già trẻ lớn bé chuẩn bị “ba ngày Tết” bằng cách dọn dẹp sạch sẽ và trang trí nhà cửa, mua sắm quần áo và sửa soạn đồ ăn thức uống, du Xuân chúc Tết… và không thể thiếu mùi thơm của nồi thịt kho tàu:
“Mùi Tết của gia đình tôi đến bắt đầu từ mùi thơm nồi thịt kho tàu! Trong mâm cúng trưa 30 Tết, món thịt kho tàu gần như là món chính mà má tôi dâng cúng cho ông bà. Và nó cũng sẽ là món chủ lực đi suốt gia đình tôi trong nhiều ngày Tết... Người mẹ miền Nam nào cũng biết cách nấu một nồi thịt kho tàu. Chỉ một nồi thịt kho tàu là bao nhiêu cách nấu. Nhưng tôi chỉ thấy nồi thịt của mẹ tôi kho là ngon nhất vì do chính bàn tay mẹ tôi cắt từng cục thịt, lột vỏ từng cái hột vịt, ướp hành tỏi, đường... Thật thơm sao bàn tay của mẹ (Sao hồi mẹ còn sống chẳng nhận ra điều này kìa?). Bây giờ cho đến tận tuổi cổ lai hy tôi thấy nồi thịt kho tàu của mẹ tôi vẫn là số một”.
'Miếng ngon Hà Nội' của Vũ Bằng
Cảm thức về văn hóa ẩm thực ngày Tết của Vũ Bằng được xác định một cách rõ ràng: “Ngày Tết, người Tàu có bánh pía, người Nhật có bánh đậu đen và ngày Chúa Giáng sinh, Tây có bao nhiêu là thứ bánh bằng bơ, pho mát, hạnh nhân, săng ti-y. Nhưng lạ lắm, thưa bà, cái bánh Xuân Cầu của ta nó ngon đáo để là ngon - nếu tôi được dùng một danh từ hơi phàm phu một chút, tôi phải bảo là ngon 'da rít'”.
Bên cạnh món bánh Xuân Cầu, trong cảm thức của Vũ Bằng, ẩm thực ngày Tết còn có hương vị của món cốm Vòng, giá trị của nó không chỉ để thưởng thức mà còn là lễ vật không thể thiếu, thể hiện sự sang trọng trong các dịp lễ Tết: “Tôi còn nhớ, lúc bé, mỗi khi có cốm mới, những nhà có lễ giáo không bao giờ dám ăn ngay mà phải mua để cúng thần thánh và gia tiên đã. Vì vậy, riêng việc ăn cốm đã được 'thần thánh hóa' rồi: do đó, cốm mới thành một thứ quà trang trọng dùng trong những dịp vui mừng như biếu xén, lễ lạt, sêu Tết - nhất là sêu Tết. Do đó, chàng trai gặp cô gái, nói đôi ba câu chuyện, biết là đã bắt tình nhau, vội vã bảo 'em': Để anh mua cốm, mua hồng sang sêu. Làm như sêu Tết mà đem hồng, đem cốm sang nhà gái là... nhất vậy! Mà thật ra nhà trai đem Tết nhà gái, còn gì quý hơn là cốm với hồng?”.
Một “miếng ngon Hà Nội” khác trong văn hóa ẩm thực ngày Tết luôn ám ảnh tâm thức Vũ Bằng mà càng đi xa càng thấy nhớ là món “hẩu lốn”. Từ góc nhìn văn hóa ẩm thực, ông phân tích sự khác biệt này như một nét riêng trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, làm rõ hơn cái độc đáo trong văn hóa ẩm thực Việt:
“Thực kỳ lạ: cũng thuộc vào loại hẩu lốn, Tàu có 'tả pín lù', Tây có 'lâm vố', mà ở đây chỉ có 'xà bần'; ba thứ này cũng như hẩu lốn, đều do các thứ ăn đổ lộn lại với nhau nấu chín lên, nhưng tại sao ăn vào tôi vẫn thấy có một cái gì khang khác, không làm cho mình mãn nguyện hoàn toàn?”.
Trong cảm thức của Vũ Bằng “hẩu lốn ngon chính vì nó là sự tiết tấu thoát thai từ ở chỗ hỗn mang ra vậy. Cái và nước là hai mâu thuẫn, nhưng tài tình thay, lại hòa hợp với nhau như tiếng chim loan hòa với tiếng kêu của chim phượng, như trai hòa với gái, như tình nhân trong một phút yêu thương diễm ảo hòa trộn linh hồn vào với tình nhân”. Viết về một món ăn bình thường mà Vũ Bằng đã thi vị hóa như thế thì không thể là chuyện bình thường nữa rồi!
Ẩm thực trong cảm thức Vũ Bằng không chỉ đơn thuần là những món ăn nhằm thỏa mãn các giác quan mà đã trở thành những tuyệt tác văn hóa vút lên từ sáng tạo của con người. Món ăn ngày Tết không chỉ là biểu hiện của văn hóa ẩm thực còn là biểu hiện của văn hóa gia đình.
'Món Tết quê nhà' của nhiều tác giả
Gợi nhớ về góc ký ức thân thương nhất của mỗi con người, cuốn sách Món Tết quê nhà gói ghém cả ngàn kỷ niệm riêng tư của mỗi gia đình nhưng cũng là kỷ niệm chung của mọi vùng miền Việt Nam. Trong truyền thống người Việt, dường như Tết và người mẹ là hai hình ảnh gắn chặt không thể tách rời. Về Tết là về bên mẹ, ăn Tết là ăn những món của mẹ.
Người mạ nghèo miền Trung ấy, hay bà má miền Tây đi cà nhắc kho thịt của tác giả Bảy Miệt Vườn, bà mẹ miền Bắc khéo léo làm cà dầm tương của Đinh Luyện (giải Khuyến khích), cũng như tác giả Trần Thủy từ Giessen, Đức (giải Khuyến khích) nhớ về nồi cá trắm kho của bà mẹ quê Hà Nam... là ký ức riêng mà cũng rất chung từ những người con.
Món Tết không chỉ là món ăn đơn thuần mà qua đó thể hiện sự gắn kết của mỗi người với ẩm thực quê nhà và tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình làng xóm… Dù là những món ăn miền Bắc, miền Trung hay và miền Nam, các câu chuyện, kỷ niệm vẫn rất quen thuộc, gắn bó với mỗi độc giả không chỉ trong thời thơ ấu mà cả bây giờ.
'Hoài niệm mứt Tết' của Nguyễn Thị Phiên và Đỗ Thị Phương Nhi
Nhỏ bé, gọn xinh, nhưng gói vào trong đó đầy đủ hơi thở của mùa xuân cũng như ký ức ngọt ngào của những mùa Tết xưa, đó là Hoài niệm mứt Tết của hai tác giả Nguyễn Thị Phiên và Đỗ Thị Phương Nhi, do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Điểm thú vị nhất khi hai người đều là phụ nữ Huế truyền thống, là những “tay dao thớt” từng giành được nhiều giải thưởng.
Sách giới thiệu tới độc giả một số công thức làm mứt quen thuộc, nhưng về khẩu vị vùng miền lại có sự khác lạ tương đối như mứt gừng, mứt bí, hạt sen, kim quất, mãng cầu…
Song điều đọng lại lâu hơn, sâu hơn lại là những dòng hoài niệm. Tết xưa bao giờ cũng đẹp, cũng thương với “Trời vẫn còn lạnh, mưa phùn không ngớt. Mạ đã chuẩn bị cho chúng tôi những hũ mứt gừng, mứt vỏ cam sành, vừa giữ ấm vừa làm món tráng miệng tốt cho tiêu hóa. Lúc ấy, còn một hơi ấm khác luôn tỏa ra từ gian bếp, hơi ấm của những chảo mứt đã bắt đầu đỏ lửa từ đầu tháng Chạp cho kịp Tết… Mỗi khi nhớ về những ký ức ấy, tôi bất giác lại cay cay nơi sống mũi, dẫu chẳng có bếp than nào đang nổi lửa lúc này...” (Nguyễn Thị Phiên).
Theo Cánh Cam/Vietnamnet