|
Tác giả Ngô Di Lân tại buổi ra mắt cuốn sách "Canh bạc AI - ChatGPT và tương lai loài người". |
Tác giả Ngô Di Lân là tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Brandeis (Mỹ). Anh hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.
Sau cuốn sách đầu tay 1% mỗi ngày, Ngô Di Lân vừa trở lại với tác phẩm Canh bạc AI - ChatGPT và tương lai loài người. Anh có những chia sẻ với Tri thức - Znews xoay quanh cuốn sách cũng như chủ đề trí thông minh nhân tạo - lĩnh vực còn khá mới mẻ với đa số người Việt nhưng đã tạo ra những thay đổi chóng mặt trong mọi khía cạnh của đời sống.
Truyền đạt những thứ cao siêu, phức tạp bằng ngôn ngữ đời thường
Với Canh bạc AI - ChatGPT và tương lai loài người, anh là tác giả đầu tiên ở Việt Nam viết về trí thông minh nhân tạo dưới góc nhìn mang tính phân tích, dự báo xu hướng thay vì chỉ giới thiệu, hướng dẫn sử dụng thông thường. Anh có thể chia sẻ một chút về ý tưởng thực hiện cuốn sách này?
Ngay từ thời sinh viên cách đây hơn 10 năm, tôi đã quan tâm tới dữ liệu lớn (big data) bởi tôi có một niềm tin rằng gần như mọi thứ, nếu không phải là tất cả, đều có thể được lượng hoá và chuyển thành dữ liệu để máy học. Nếu điều đó đúng thì sớm muộn chúng ta sẽ có được những cỗ máy thông minh không kém gì con người. ChatGPT đã chứng minh rằng niềm tin của tôi là có cơ sở.
ChatGPT của cuối năm 2022 tuy yếu kém hơn phiên bản hiện nay về nhiều mặt nhưng ngay từ lần đầu dùng thử, tôi đã cảm nhận được sức mạnh và tiềm năng to lớn của công cụ này. Không phải tự nhiên mà nó trở thành phần mềm có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất từ trước đến nay. Chính vì thế chỉ ít ngày sau khi OpenAI tung ra ChatGPT, tôi đã quyết định viết cuốn sách này.
Trong cuốn sách, tôi mong muốn phần nào sử dụng cách tiếp cận khoa học để chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu lớn của ChatGPT nói riêng và của các phần mềm AI nói chung, từ đó cung cấp cho người đọc có những hiểu biết có tính nền tảng về công nghệ này, giúp họ sẵn sàng hơn để đối mặt với một tương lai tràn ngập AI.
Đối tượng độc giả mà cuốn sách của anh hướng đến là những ai?
Có lẽ là tất cả, trừ những nhà nghiên cứu hay kỹ sư lập trình AI. Tôi tin rằng AI sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi ngóc ngách của cuộc sống và vì thế kể cả những người chưa từng viết một dòng code vi tính nào như tôi vẫn được trang bị những kiến thức căn bản để có thể sử dụng AI một cách hiệu quả trong cuộc sống thường nhật và tham gia vào các cuộc thảo luận, tranh luận về định hướng phát triển AI trong tương lai.
|
Cuốn sách "Canh bạc AI - ChatGPT và tương lai loài người". Ảnh: NXBTrẻ. |
Có thể nói anh không phải “dân chuyên” nếu so với các kỹ sư, chuyên gia AI khi nói đến chủ đề như trí tuệ nhân tạo. Anh thấy bản thân có những bất lợi và lợi thế gì khi thực hiện cuốn sách này so với họ?
Rõ ràng tôi không phải dân chuyên, nếu so với chuyên gia hàng ngày “ăn ngủ” với AI. Kiến thức của tôi về AI khó mà uyên thâm được như của họ, vì thế có lẽ một vài chỗ tôi sẽ không phân tích được sâu hoặc đủ chính xác như các chuyên gia AI.
Nhưng ngược lại, tôi tự tin mình hiểu số đông. Tôi viết từ góc nhìn của một người không chuyên cho những người không chuyên. Và với những gì tôi đã và đang quan sát được thì những người không chuyên về AI phải chiếm hơn 95%. Điểm mạnh của tôi và của cuốn sách đó là nó truyền đạt được những thứ “cao siêu”, phức tạp bằng ngôn ngữ đời thường, dễ hiểu và dễ ứng dụng. Hơn nữa, tôi cũng nhìn AI chủ yếu từ góc độ vĩ mô chứ không phải từ góc độ kỹ thuật. Tôi nghĩ cách tiếp cận đó phù hợp với mối quan tâm của đa số bạn đọc.
Tại sao anh chọn “canh bạc AI” cho tên cuốn sách của mình?
Không chỉ là một canh bạc mà có lẽ là canh bạc lớn nhất của loài người. Chúng ta đang đánh cược rằng những lợi ích mà AI đem lại sẽ đủ nhiều để chúng ta chấp nhận rủi ro rằng AI có thể làm xáo trộn toàn bộ cách con người sinh sống và làm việc, thậm chí đưa loài người đến bờ vực của sự diệt vong. Nếu đó không phải là một sự đặt cược thì tôi nghĩ từ đặt cược sẽ hoàn toàn vô nghĩa.
"AI là một xu thế thực, không phải trào lưu"
Trong cuốn sách, anh có nhiều ý kiến cảnh báo, quan ngại nhưng cũng có cái nhìn khá lạc quan về tương lai loài người và AI, cá nhân anh “nghiêng” về bên nào hơn?
Thực sự tôi không chắc mình nghiêng về bên nào hơn, một phần bởi các diễn biến trong lĩnh vực AI đang xảy ra nhanh chóng theo nhiều chiều hướng phức tạp, khó lường. Một ngày đẹp trời chúng ta thức dậy và có tin rằng CEO của OpenAI bị sa thải, và chỉ ít ngày sau anh ta đã trở lại. Đâu đó có tin đồn rằng cuối năm 2024 OpenAI sẽ tung ra mô hình GPT-5, mạnh hơn nhiều mô hình hiện nay và có thể sẽ ngang ngửa với trí tuệ con người nhưng có lúc cư dân mạng lại phao tin rằng với tốc độ tiêu tiền hiện nay thì chỉ trong vòng vài tháng nữa OpenAI sẽ phá sản. Rất khó để dự báo chính xác được AI sẽ mạnh đến đâu trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá AI là một xu thế thực chứ không phải một trào lưu và nó sẽ tạo ra được nhiều lợi ích hơn là đặt ra nguy cơ. Có thể nói rằng tôi là một người “lạc quan nhưng thận trọng”.
|
TS Ngô Di Lân đưa ra nhiều dự báo về lĩnh vực việc làm trong cuốn sách. Ảnh: NXBTrẻ. |
Trong cuốn sách, “thị trường việc làm” là một trong những lĩnh vực được anh đánh giá tác động của trí thông minh nhân tạo lên nó. Anh có thể bật mí một chút về những gì anh đã đánh giá về lĩnh vực này, nó sẽ thay đổi ra sao?
Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), bà Saadia Zahidi sẽ đồng ý với tôi rằng AI sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường việc làm. Những công việc có tính lặp đi lặp lại cao và ít sử dụng sức sáng tạo hay cần đến cảm xúc của con người sẽ bị thay thế bởi máy một khi AI thực hiện được các thao tác đủ nhuần nhuyễn bởi thay thế người bởi máy gần như chắc chắn sẽ gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp.
Về lâu dài, nó cũng sẽ tạo ra nhiều công việc mới, có thể bao gồm một số công việc chưa tồn tại hiện nay và một số chúng ta còn chưa thể mường tượng ra được. Nhưng tôi nghĩ sẽ có một loại công việc rất thịnh hành là những công việc mang tính phụ trợ cho hệ thống AI và những người vận hành hệ thống AI.
Theo anh, con người cần làm gì, chuẩn bị những gì trong "canh bạc" với AI?
Chỉ có một cách duy nhất là tìm hiểu cách AI vận hành, và tự hỏi xem bản thân mình muốn gì từ các cỗ máy thông minh này, từ đó chủ động xây dựng một mối quan hệ cộng sinh lành mạnh. Đó có lẽ là “chính sách bảo hiểm” tốt nhất trước mọi nguy cơ đến từ AI.
Theo Ánh Hoàng/Znews