Vẹt có thể bắt chước lời nói của con người. Nhưng những âm thanh của chúng có ý nghĩa gì không?
Nếu hiểu điều loài vật muốn nói, chúng ta có thể tìm cách bảo vệ chúng hay theo dõi đa dạng sinh học. Thậm chí, mở ra cơ hội để con người thay đổi mối quan hệ với phần còn lại của tự nhiên.
Nghiên cứu giao tiếp của động vật
Sự hiểu biết của con người về giao tiếp với động vật phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. AI cho phép các nhà nghiên cứu phân tích lượng lớn dữ liệu âm thanh về tiếng kêu của động vật trong vài giây mà thông thường họ phải mất hàng thập kỷ để sàng lọc. Có hàng trăm công cụ AI để phân tích cách phát âm của các loài khác nhau.
Kevin Coffey, nhà thần kinh học tại Đại học Washington (Mỹ), đã xây dựng DeepSqueak, một công cụ học máy giải mã tiếng kêu của loài gặm nhấm. Ông cho biết, chuột sử dụng âm thanh siêu âm (USV).
Tiếng kêu có âm vực cao 50 kilohertz (kHz) được mô tả là tương tự như tiếng cười. Tuy nhiên, có nhiều loại tiếng kêu được thực hiện trong các tình huống tích cực khác nhau, như chơi đùa, tán tỉnh, thậm chí ăn ma túy…
Chuột cũng có những âm thanh có tần số 22 kHz, thường xuất hiện trong các tình huống tiêu cực, như khi chúng cảm thấy đau đớn hoặc ốm yếu. Con người không thể nghe thấy những tiếng kêu này vì chúng nằm ngoài dải tần mà chúng ta có thể nghe được, nhưng DeepSqueak và các công cụ khác có thể giải mã chúng.
Từ khi ra mắt năm 2018, DeepSqueak được sử dụng để nghiên cứu hành vi xã hội, ăn ma túy, bệnh tự kỷ… của loài gặm nhấm. Nó cũng đã được sửa đổi để sử dụng với nhiều loài khác, chẳng hạn như cá heo, khỉ và chim.
Động vật có ngôn ngữ không?
Truyền thông thực chất là sự truyền tải thông tin. Tất cả các loài động vật đều giao tiếp bằng cách nào đó - bằng mùi, pheromone (chất được tiết ra từ cơ thể làm tín hiệu giữa các cá thể cùng loài), hành vi và tiếng kêu. Tuy nhiên, ý tưởng về ngôn ngữ của động vật đang vấp phải những quan điểm trái chiều.
Theo các nhà nghiên cứu, động vật có các dạng giao tiếp. Nhưng những cuộc đối thoại của cá nhà táng hay giao tiếp mang tính biểu tượng của loài khỉ không thể sánh được với sự phong phú của ngôn ngữ loài người.
Theo ông Kevin Coffey, ngôn ngữ là một bộ công cụ giao tiếp đặc biệt tiên tiến và dường như chỉ có ở con người. Các nhà nhân chủng học cũng cho rằng, ngôn ngữ là duy nhất đối với con người vì khả năng tạo ra và duy trì niềm tin, mối quan hệ và bản sắc văn hóa.
Ngôn ngữ của con người còn cho phép chúng ta bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc nội tâm của mình để người khác hiểu được. Các loài động vật khác có lẽ không thể làm được điều đó bằng tiếng kêu và hành động của chúng.
Thận trọng với việc nhân hóa
Nhà triết học người Áo Ludwig Wittgenstein từng cho rằng lời nói của ông có ý nghĩa, nhưng của một con vẹt thì không. Điều này muốn nói rằng khi con người nói điều gì đó, chúng đều có ý nghĩa.
Một số nhà nghiên cứu nói rằng chính ý tưởng về ý nghĩa của con người đã khiến chúng ta phóng chiếu ý nghĩa vào tiếng kêu của các loài động vật khác. Ví dụ, khi các nhà khoa học ở Berlin phát hiện ra chuột “cười” lúc bị cù, các nhà bình luận tuyên bố rằng chuột có khiếu hài hước.
Sau đó, các nhà khoa học khác đã lập luận rằng việc giải thích tiếng kêu tần số cao của những con chuột bị cù là sự hài hước, hay thậm chí là tiếng cười, là con người đã nhân hóa động vật. Thực tế là chúng ta không thể biết được lũ chuột sẽ “buồn cười” khi bị cù vì không đọc được suy nghĩ của chúng.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, chúng ta thường đánh giá thấp khả năng của động vật. Bằng chứng là ngày càng nhiều nghiên cứu khẳng định những phát hiện “mới lạ”, như cá cảm thấy đau đớn, bạch tuộc thông minh hoặc chuột cười.
Vì vậy, chúng ta có thể tiến bộ hơn trong việc nghiên cứu động vật hoặc đơn giản là sẵn sàng chấp nhận sự phức tạp giống con người của chúng hơn. Chuyên gia Coffey cho biết thêm, một số mức độ nhân hóa là tốt vì nó giúp con người kết nối với thế giới động vật.
Cá voi có thể giao tiếp bằng giọng nói nhưng các nhà nghiên cứu không nhận ra những âm thanh đó giống 'ngôn ngữ' của con người.
Tại sao phải lắng nghe động vật?
Hiểu biết về việc giao tiếp của động vật vượt xa sự tò mò của con người. Ông Coffey tin rằng AI sẽ mang lại lợi ích cho động vật chúng ta gặp hàng ngày và mong muốn cải thiện cuộc sống của động vật trong phòng thí nghiệm.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học và tổ chức khác sử dụng AI để theo dõi đa dạng sinh học của động vật trong tự nhiên. Đại học Wurzburg (Đức) đã sử dụng micrô để ghi lại âm thanh của rừng mưa và phân tích tạp âm của tiếng kêu của động vật, gồm côn trùng và chim, để theo dõi quá trình phục hồi đa dạng sinh học.
Dự án Loài Trái đất (ESP) có trụ sở ở Mỹ cũng sử dụng AI để giám sát đa dạng sinh học. Trên trang web của mình, ESP nêu niềm tin táo bạo rằng “sự hiểu biết về các ngôn ngữ các loài không phải của con người sẽ thay đổi mối quan hệ của chúng ta với phần còn lại của tự nhiên”.
Tham vọng của họ là sử dụng AI để hiểu sâu hơn về giao tiếp của động vật, giúp chúng ta kết nối với các loài sống khác và bảo vệ chúng.
Chuyên gia Kevin Coffey cho biết, AI và các công cụ học không phải là phép thuật có thể dịch tất cả âm thanh của động vật sang tiếng Anh. Công việc khó khăn này đang được thực hiện bởi các nhà sinh vật học, họ cần quan sát động vật trong vô số tình huống và kết nối các tiếng kêu với hành vi, cảm xúc…
Theo Cẩm Bình/GDTĐ