Cư dân thuộc địa Đảo Roanoke biến mất bí ẩn
|
Ảnh minh họa |
Năm 1587, thống đốc thuộc địa Anh John White đã lãnh đạo một nhóm 100 người từ Anh đến định cư trên Đảo Roanoke, một trong chuỗi các đảo chắn mà ngày nay được gọi là Outer Banks gần Bắc Carolina để thành lập thuộc địa.
Sau khi nguồn lương thực cạn dần, White đã rời khỏi đảo để lấy đồ tiếp tế. Sau khi quay trở lại, thuộc địa đã trở thành nơi bị bỏ hoang. Tất cả các ngôi nhà và công trình quân sự đều đã bị tháo dỡ, 100 người Anh có mặt trên đảo trước khi White đi đã hoàn toàn biến mất không dấu vết.Trong số những người mất tích có Ellinor Dare, con gái của White, và Virginia Dare, cháu gái của White đồng thời là đứa trẻ người Anh đầu tiên sinh ra ở đất Mỹ.
Trước khi rời đi, White đã chỉ thị cho cấp dưới rằng nếu họ bị tấn công vũ lực, hãy khắc biểu tượng thánh giá vào một gốc cây. Tuy nhiên, họ không tìm thấy biểu tượng này, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy vùng đất đã xảy ra tranh chấp.
Manh mối duy nhất xuất hiện là từ “Croatoan”, tên của một bộ lạc người Mỹ bản địa liên minh với thực dân Anh, được khắc vào một cây cột. White cho rằng những cư dân thuộc địa đã chuyển đến đảo Croatoan. Tuy nhiên, các cuộc tìm kiếm sau đó lại không có kết quả.
Nhiều người cho rằng cư dân trên đảo đã bị bộ lạc Powhatan tàn sát, nhưng không có bằng chứng nào chứng minh điều này. Một số giả thuyết cho rằng cư dân thuộc địa đã gia nhập bộ lạc thổ dân Croatian, nhưng cho đến nay, không có bằng chứng DNA nào xác định được bất kỳ hậu duệ của họ.
100 cư dân thuộc địa cứ thế "bốc hơi" mà không tìm được nguyên nhân.
Sự biến mất của những đứa trẻ nhà Sodder
Vào đêm trước Giáng sinh năm 1945 tại Fayetteville, Tây Virginia, cặp vợ chồng George và Jennie Sodder cùng 9 đứa con của họ đang ngủ thì đám cháy bùng phát trong ngôi nhà vào khoảng 1 giờ sáng. George, Jennie và bốn đứa con của họ đã trốn thoát được. Những đứa trẻ còn lại: Maurice 14 tuổi, Martha 12 tuổi, Louis 9 tuổi, Jennie 8 tuổi và Betty 5 tuổi vẫn ở trong nhà. Được biết, năm đứa trẻ này ngủ trong hai căn phòng ở tầng 2.
George đã cố lao vào nhà để cứu những đứa trẻ còn lại nhưng cầu thang đã bốc cháy. Khi anh ra ngoài để lấy chiếc thang của mình, nó đã biến mất khỏi vị trí cũ. Thêm vào đó, cả hai chiếc xe chở than mà anh định dùng để trợ giúp trèo lên tầng 2 đều không khởi động được một cách kỳ lạ.
Marion, một trong những đứa trẻ thoát khỏi đám cháy, chạy sang nhà hàng xóm để gọi điện cho sở cứu hỏa nhưng người trực tổng đài không bắt máy. Khi một người hàng xóm khác gọi, người trực tổng đài tiếp tục không nhấc máy. Người hàng xóm đó đã phải lái xe đến thị trấn và gặp trực tiếp người đứng đầu đội cứu hỏa, FJ Morris, và kể cho anh ta về vụ cháy. Tuy nhiên, mặc dù trạm cứu hỏa chỉ cách nhà 2,5 dặm nhưng lính cứu hỏa vẫn không đến được nhà Sodder cho đến 8 giờ sáng, bảy tiếng sau khi đám cháy bắt đầu. Khi họ đến nơi, ngôi nhà đã cháy thành tro theo đúng nghĩa đen.
Cơ quan chức năng đã sàng lọc tro bụi để tìm kiếm hài cốt của 5 đứa trẻ mất tích nhưng không tìm thấy gì. Các bé được cho là đã chết do hỏa hoạn. Morris cho rằng ngọn lửa quá nóng đến nỗi nó đã thiêu rụi thi thể của những đứa trẻ, bao gồm cả xương của chúng. Mặc dù lý thuyết đó nghe có vẻ hợp lý nhưng nó không hoàn toàn chính xác vì ngay cả khi thịt bị đốt cháy, xương thường vẫn còn sót lại. Ngoài ra, không có mùi thịt cháy trong hoặc sau vụ cháy.
Nguyên nhân vụ cháy được cho là do hệ thống dây điện kém, 5 đứa trẻ mất tích sau đó đã được cấp giấy chứng tử. Ngay sau vụ cháy, George và Jennie bắt đầu nghi ngờ rằng con của họ không chết mà thay vào đó bị bắt cóc và vụ hỏa hoạn được cố tình đốt để đánh lạc hướng.
Trên thực tế, George đã thuê công ty điện lực kiểm tra hệ thống dây điện trước đó, công ty khẳng định hệ thống dây điện ở trạng thái hoạt động an toàn. Trong khi đám cháy đang diễn ra, một người phụ nữ tự nhận là nhân chứng và cho biết cô nhìn thấy cả 5 đứa trẻ mất tích đang nhìn từ một chiếc ô tô chạy ngang qua. Một người phụ nữ khác ở khách sạn Charleston cũng khẳng định đã nhìn thấy ảnh của bọn trẻ trên một tờ báo và nói rằng cô thấy 4 trong số 5 đứa trẻ một tuần sau vụ cháy. Cô nói: “Những đứa trẻ đi cùng với hai phụ nữ và hai người đàn ông, tất cả đều là người Ý”. “Tôi đã cố gắng nói chuyện với bọn trẻ một cách thân thiện, nhưng những người đàn ông đó tỏ ra thù địch và không cho phép lại gần.”
Từ những năm 1950 cho đến khi Jennie Sodder qua đời vào cuối những năm 1980, gia đình Sodder đã duy trì chạy quảng cáo trên Quốc lộ 16, có hình ảnh của 5 đứa trẻ mất tích và treo phần thưởng cho ai cung cấp thông tin. Đứa trẻ nhà Sodder cuối cùng còn sống sót được biết đến, Sylvia, vẫn không tin rằng anh chị em của mình đã thiệt mạng trong vụ cháy. Cho đến ngày nay, họ chưa bao giờ được tìm thấy.
Dorothy Arnold biến mất
Dorothy Harriet Camille Arnold là một tiểu thư thuộc gia đình giàu có nổi tiếng tại New York, cô là con gái của nhà nhập khẩu nước hoa Francis Rose Arnold và vợ là Mary Martha Parks Arnold. Cô có một gia đình hạnh phúc và sống trong nhung lụa từ khi sinh ra.
Sáng ngày 12 tháng 12 năm 1910, cô rời nhà ở Upper East Side của Manhattan và nói với mẹ rằng sẽ vào trung tâm thành phố để mua một chiếc váy dạ hội. Theo The New York Times, khi mẹ cô hỏi liệu bà có thể đi cùng con gái mình không, Dorothy nói “Không. Khi con tìm được chiếc váy con thích, con sẽ gọi điện cho mẹ và mẹ có thể xem nó sau.”
Khi rời khỏi nhà, Dorothy Arnold mang theo 30 USD trong túi. Quy đổi theo tỷ giá tiền tệ ngày nay, số tiền đó tương đương hơn 750 USD (khoảng gần 20 triệu VND). Trên đường xuống Đại lộ số 5, cô dừng lại ở một cửa hàng tạp hóa trên Phố 59 để mua một ít sô cô la, sau đó đến hiệu sách trên Phố 27 và mua một cuốn Engaged Girl Sketches - một tuyển tập truyện ngắn lãng mạn hài hước.
Vào thời điểm mua cuốn sách, cô tình cờ gặp người bạn thời đại học - Gladys King. Cả hai kể về bữa tiệc mà họ đều được mời tham dự, cũng chính là bữa tiệc mà Dorothy đang mua váy. Sau khi tán gẫu, Gladys rời đi để ăn trưa với mẹ. Sau đó, người ta không bao giờ gặp lại Dorothy nữa.
Francis Arnold ban đầu không muốn công khai về sự mất tích của con gái mình nên ông đã nhờ đến sự giúp đỡ của các thám tử tư. Tuy nhiên cuộc điều tra không có kết quả, gia đình ông đã nộp đơn trình báo về người mất tích lên Sở cảnh sát thành phố New York vào tháng 1 năm 1911.
Nhiều giả thuyết và tin đồn khác nhau về sự biến mất của Arnold đã lan truyền trong nhiều năm và nhiều thập kỷ sau khi cô được nhìn thấy lần cuối, thế nhưng sự biến mất của cô chưa bao giờ tìm được lời giải đáp. Không ai biết số phận củaArnold ra sao sau khi mất tích.
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích
Vào ngày 8/3/2014, khi đang bay từ Malaysia đến Trung Quốc, chiếc Boeing 777 chở 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã biến mất trong không khí. Một nỗ lực tìm kiếm toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hàng không đã được phát động, cuối cùng người ta chỉ tìm thấy vỏn vẹn 20 mảnh vỡ máy bay. Cơ quan chức năng từ chối bình luận và chỉ nói rằng chiếc máy bay đã biến mất trên Ấn Độ Dương.
Trên mạng xã hội, cư dân mạng suy đoán bằng hàng loạt giả thuyết, bao gồm máy bay bị tấn công bởi không tặc, bị bốc cháy nên lao thẳng xuống đại dương, phi công cố tình tự sát, thậm chí là một vụ bắt cóc của người ngoài hành tinh,...
Bất chấp thời gian trôi qua và số tiền 160 triệu USD được chi ra để lùng sục hàng nghìn dặm ở đại dương, sự biến mất của chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines và số phận của 239 người trên máy bay vẫn còn là một bí ẩn.
Theo Văn hóa và Phát triển