Chuyện không nói có, chuyện có nói không
Một lần nói dối là lỗi của hoàn cảnh, nhiều lần nói dối là lỗi của bản thân. Một khi đã giữ thói nói dối bên mình, cả đời không sửa được. Có những người hễ mở miệng là nói dối, nói dối không chớp mắt, nói dối như một điều hiển nhiên, nói dối đến mức thuận lời, không cần suy nghĩ, đến chính họ còn không cảm nhận được là mình đang nói dối.
Có nhiều loại nói dối: Nói dối với đùa vui, nói dối với mục đích lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi, nói dối để thu lợi bất chính… Có thể chính người nói dối chỉ nghĩ đó là những lời vô thưởng vô phạt không hại đến ai nhưng nói dối đã làđiều sai trái với lẽ tự nhiên. Thường tình, điều sai trái với lẽ tự nhiên thì cũng phải chịu ít nhiều tai tiếng, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín bản thân.
Tùy theo mục đích của nói dối mà tạo ra nghiệp tội nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp nói dối với mục đích cứu giúp hoặc bảo vệ tính mạng cho người khác thì không nên coi là “khẩu nghiệp”.
Nói lời ác ý
Người nói lời hung ác thường chủ ý từ tâm không thiện.Đả thương lòng tự trọng của người khác, chửi mắng người khác, làm phương hại danh dự người khác là họa từ miệng ra, nói lời hại người lại chính là hại mình, tự mang phiền toái đến cho mình.
Tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì ngày xuống địa ngục không còn xa. Nhà Phật quan niệm, nghiệp là hành động tạo tác nhiều lần có chủ ý, cùa thân, miệng và ý, nguyên nhân đưa tới quả báo, cả hai “nghiệp” và “quả báo” tạo thành “luật nhân quả”, tuần hoàn không dứt, đưa con người luân hồi khắp sáu cõi.
Nói lời ác ý, dù là để tự vệ hay tấn công mà làm tổn hại đến danh dự, nhân cách của người khác cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tự tích thêm nghiệp quả cho mình. Chẳng thiếu gì những người “khẩu nghiệp” cho sướng miệng,dùng toàn những lời cay cú chửi bới nhục mạ người khác, bỏ lơ hậu quả mình gánh chịu. Tôn trọng người khác cũng như tôn trọng mình, hãy nhớ mình nói những lời không hay, trước tiên, đó cũngthể hiện lối sống thiếu phẩm chất, đạo đức, văn minh trong lời nói, trong giao tiếp và dẫn đến hạ thấp uy tín của tự thân.
Phê bình, khen chê
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta luôn sống trong môi trường bị đánh giá và đánh giá người khác. Trẻ con đi học thì bị đánh giá bằng điểm số, người lớn đi làm bị đánh giá bằng năng lực, mức lương, địa vị…
Vô hình chung những điều này sẽ sinh ra tâm lý so sánh, đố kỵ trong lòng, lâu dần sẽ tích tụ lại thành thói tham lam, tranh đoạt, khởi sinh cái ác mà chúng ta không hay. Muốn tránh được điều này, tốt nhất nên có tâm quan sát học hỏi và tự đúc rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình thay vì can thiệp vào những cuộc bình luận vô nghĩa.