Theo quan điểm giáo dục từ xưa đến nay trẻ nhỏ gặp người lớn thì phải biết chào hỏi, đó mới là đứa trẻ ngoan. Nếu một đứa trẻ không thích chào người lớn thì bố mẹ thường cảm thấy xấu hổ, sợ bị đánh giá là không biết dạy con. Trong nhiều trường hợp, bố mẹ sẽ nổi nóng với trẻ và ép trẻ phải chào bằng được.
Một số trẻ sẽ miễn cưỡng chào hỏi, một số trẻ lại khóc lóc vì cảm thấy uất ức. Bố mẹ cần biết rằng việc ép trẻ chào hỏi khi chúng không thích có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của chúng.
Tệ hơn nữa, lòng tự trọng của trẻ bị ảnh hưởng, trong tương lai trẻ sẽ không biết phải đối mặt với những suy nghĩ, cảm xúc của người khác như thế nào. Những tổn thương tình cảm gây ra bởi một vòng luẩn quẩn như vậy sẽ không bao giờ kết thúc.
Theo các chuyên gia tâm lý, đây là 3 nguyên nhân khiến trẻ không thích chào người lớn.
Biểu hiện tính cách hướng nội
Tính cách của con người thường được chia thành hướng nội và hướng ngoại. Một đứa trẻ không thích chào hỏi người lớn phần nào nói lên tính cách của chúng ra sao.
Với đứa trẻ hướng nội chúng thường thích suy nghĩ, ít nói, chiêm nghiệm về mọi thứ trong im lặng. Chúng có thế giới nội tâm phong phú, có xu hướng thích ở một mình, thích giao tiếp với bản thân và có phần rụt rè,… Tuy nhiên, những điều này sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến việc tương tác với xã hội.
Phản xạ tự bảo vệ chính mình
Khi gặp người lạ trẻ thường có biểu hiện sợ hãi, nhút nhát. Đó là biểu hiện rất bình thường. Đây cũng là biểu hiện khả năng tự bảo vệ chính mình.
Bạn có thể để ý với những đứa trẻ dưới 5 tháng tuổi dễ dàng cho người lạ bế nhưng sau 5 tháng tuổi thì ngoại trừ những người thân trong gia đình rất hiếm có người lạ nào bế được trẻ.
Vậy nên việc một đứa trẻ lần đầu tiên gặp người lạ, chúng không thích chào hỏi người lớn cũng là điều dễ hiểu. Đến một giai đoạn nhất định trẻ sẽ phân biệt được người lạ và người quen.
Bố mẹ không làm gương cho con cái
Bố mẹ là tấm gương lớn cho con cái học theo. Nếu bố mẹ gặp người lớn không chào thì làm sao dạy được con?
Như nhà giáo dục Jean-Jacques Rousseau từng nói: “Giáo dục chân chính không bao gồm chỉ việc dạy dỗ bằng lời nói mà còn phải thực hành”.
Vậy nên bố mẹ muốn con cái biết chào hỏi, khéo ăn nói thì bản thân họ cũng phải làm điều này trước mặt trẻ. Chỉ cần bố mẹ thường xuyên chào hỏi, trẻ cũng sẽ bắt chước làm theo.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên giảng giải cho trẻ một cách đơn giản về tầm quan trọng của lời chào. Dạy cho trẻ biết rằng chào hỏi là một hành vi tốt, nên làm và là một hành động giúp tăng cường kết nối mọi người với nhau.
Kiến Thức