Trong 6 yêu sách mà triều đình Nguyên Mông đặt ra với nhà Trần đã được sử sách ghi chép rất cụ thể:
1.Vua Trần phải sang chầu.
2.Vua Trần phải cho con hay em sang ở tại triều đình Mông Cổ làm con tin.
3.Phải kê khai dân số nộp cho Mông Cổ.
4.Phải chịu các quân dịch của Mông Cổ.
5.Phải nộp phú thuế cho Mông Cổ.
6.Phải để cho Mông Cổ đặt Đạt lỗ hoa xích.
Chúng ta có thể thấy việc đặt quan Đạt lỗ hoa xích chỉ xếp hạng cuối cùng trong khi yêu cầu vua Trần phải sang chầu lại đặt lên đầu. Nhà Nguyên Mông muốn dùng biện pháp ngoại giao này theo kiểu thế nào cũng có lợi. Nếu vua Trần chịu sang chầu thì chúng coi như bẻ gẫy ý chí phản kháng của người Việt và thậm chí có thể giam lỏng như con tin để dễ bề thuần phục. Còn nếu không sang chầu thì chúng có cớ để động binh sau này.
Giữa hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 1 (1258) và lần 2 (1285), Nguyên Mông đã 9 lần đòi vua Trần sang chầu. Sau khi 3 lần thất bại, nhà Nguyên vẫn lẽo đẽo thêm 3 lần đòi vua Trần vào chầu nhưng đều bị cự tuyệt.
Lần thứ nhất, năm 1258, sau khi bị thua chạy về Vân Nam thì Ngột Lương Hợp Thai đã cử hai sứ sang dụ vua Trần Thái Tông sang chầu. Lần đó, ta trói sứ đuổi về nhưng Vân Nam vừa bại trận nên không dám làm gì.
Năm 1261, ta và Nguyên Mông bắt đầu chính thức đặt quan hệ ngoại giao như đã đề cập trong phần trước thì việc đòi vua Trần sang chầu lại được khởi động lại. Năm đó, Hốt Tất Liệt sai Nậu Lạt Đinh đưa chiều thư sang cho vua Trần đòi chầu lần 2. Thư viết: “Trước ta sai sứ sang thông hiếu, các người giữ không cho về. Ta phải ra quân năm ngoái, Quốc chúa người phải chạy ra thảo dã. Ta lại sai sứ đi chiêu dụ trả nước cho, ngươi lại trói sứ của ta đuổi về. Nay đặc sai sứ sang dụ dỗ: như các ngươi thực tâm nội phụ thì Quốc chúa phải thân đến. Nhược bằng không sửa lỗi, hãy nói ta rõ”.
Vua Trần Thái Tông trả lời bằng cách hỏi vặn: “... Nước nhỏ thành tâm thờ bề trên thì nước lớn nên đối đã lại như thế nào cho phải?”. Nậu Lạt Đinh đem lời này về Vân Nam tâu nộp. Tên này sau đó lại sang Đại Việt để dụ chầu lần thứ 3. Vua Trần lại trì hoãn: “Đợi đức ân ban xuống, sẽ lập tức sai con sang làm con tin”. Nhưng sau đó, Trần Thái Tông không hề cử ai sang làm con tin cả nhưng Nguyên Mông cũng không làm gì vì còn bận tranh giành quyền lực sau cái chết của Mông Kha.
Năm 1266, sau khi củng cố vững chắc ngôi vua, Hốt Tất Liệt lại quay về với chuyện đòi vua Trần chầu. Lần này, đích thân y ra chiếu thư với lời lẽ hống hách. “Phàm những nước đã quy phụ với Trung nguyên, thì vua phải thân hành đến chầu, cho con em ở lại Trung Quốc làm tin, biên nạp dân số, cung ứng quân dịch, nạp thuế khóa, còn đặt quan Đạt lỗ hoa xích cai trị. Các khoản nói trên đều để tỏ rõ lòng trung thành làm nước chư hầu. Nay khanh cống hiến không hề quá hạn 3 năm, đủ biết lòng thành thật như trước, nên ta cũng lấy lòng thành thật bày tỏ vậy. Vả lại vua chưa hầu tới chầu, cho con em vào làm tin, nạp sổ dân và sổ thuế, xuất quân giúp nhau xưa vẫn đã có, không phải mới ngày nay ta bày đâu. Khanh lo làm đầy đủ mấy điều khoản đó thì trẫm còn nói gì nữa”. Vua Trần không đáp ứng.
Năm 1271, Mông Cổ đặt quốc hiệu là Đại Nguyên đã tiếp tục cho sứ sang đòi vua Trần vào chầu (lần thứ 5) nhưng vua Trấn Thái Tông bảo đang bệnh nên không đi được.
Năm 1276, Hốt Tất Liệt gửi chiếu thư để lần thứ 6 đòi vua Trần Thái Tông vào chầu. Thư viết: “Theo chế độ của tổ tông đã qui định, phàm các nước nội phụ thì vua phải thân hành tới chầu, gửi con em làm tin, biên nạp dân số, nộp thuế lệ, mộ dân trợ binh và vẫn đặt quan Đạt lỗ hoa Xích để thống trị; sáu điều nói trên, năm trước đã có lời dụ cho khanh biết rồi, thế mà qui phụ đã hơn 15 năm, khanh chưa từng tới triều kiến một lần nào, và các điều qui định đến nay vẫn chưa thi hành; tuy rằng ba năm tới cống hiến một lần, nhưng các đồ cống hiến đều không dùng được. Ý trẫm muốn để lâu ngày khanh sẽ hiểu, cho nên cũng bỏ qua không hỏi làm chi, đến nay cũng chưa thấy tỉnh ngộ, cho nên lại sai sứ thần là Hợp sát Nhi hải Nha qua nước khanh, dụ khanh vào triều. Nếu vì cớ gì khác mà không thể đi được, thì sai con em thay mặt”. Nhà Trần cử sứ sang cự tuyệt yêu sách đòi vua vào chầu.
Năm 1277, vua cha Trần Thái Tông băng hà. Chỉ một năm sau, Nguyên Mông đã viết chiều đòi vua Trần Thánh Tông vào chầu. Thư viết: “Hồi xưa, khanh cùng nhà Tống thông hảo, nay nhà Tống đã dẹp yên, nhưng lễ nghĩa thờ kính thế nào, cũng chép ở trong thơ tịch, có thể xem mà biết. Việc trong thiên hạ chỉ lấy lòng chí thành làm căn bản. Nay khanh dối trá như vậy, ai sẽ tin được. Trước kia ông thân sinh khanh tuổi già suy nhược, đường sá xa xuôi, xông pha không nỗi thì còn có lý; chứ nay khanh đương tuổi cường tráng, vào chầu mà chịu sắc mạng, là chính tại lúc nầy, huống chi nước khanh tiếp giáp với châu Ung và châu Khâm của nước ta, có sợ gì mà không đi tới một lần? Hoặc giả khanh không lo sự an toàn, cố sự lờ sắc mạng của trẫm, thì khanh nên lo sửa sang thành quách cho vững vàng, chuẩn bị binh giáp cho đầy đủ để chờ quân ta; cơ hoạ phúc đổi đời, chính tại trong việc nầy, phải lo mà định đoạt lấy. Nay sai Lễ Bộ Thượng thư Sài Thung và các quan viên khác phụng sứ qua nước khanh để truyền chiếu chỉ”
Vua Trần Thánh Tông trả lời Sài Thung: “Trước dụ 6 việc đã được miễn xá, còn việc thân hành sang chầu thì tôi sinh trưởng trong thâm cung, không biết cưỡi ngựa, không quen phong thổ, sợ chết dọc đường, con em thái úy trở xuống cũng đều như thế cả”.
Năm sau, Nguyên Mông lại viết thư nhắc chuyện đòi chầu lần thứ 8: "Nếu quả không thể tự thân tới được thì phải lấy vàng thay người, hai hạt châu thay mắt và lấy thêm hiền sĩ, phương kỹ, con trai, con gái, thợ nghề, mỗi loại hai người để thay cho thổ dân. Nếu không, hãy tu sửu thành trì để đợi phán xét". Để trì hoãn chiến tranh, nhà Trần đành cử chú họ vua là Trần Di Ái sang chứ vua Trần Thánh Tông nhất quyết không chầu. Nhưng nhà Nguyên tráo trở lập Di Ái làm quốc vương bù nhìn mang về Đại Việt và dẫn đến 2 cuộc chiến kháng Nguyên lần 2 và lần 3.
Sau khi thua trong cả 3 lần xâm lược, nhà Nguyên vẫn còn 3 lần nữa hống hách đòi các vua Trần vào chầu. Năm 1288, vua Nguyên viết chiếu gửi vua Trần Thánh Tông, lời lẽ như sau:
“Trên danh nghĩa, Khanh đã phục tùng mà trên thực tế không hề tới chầu, đã mấy phen đưa thư sang mời, mà cứ cáo bệnh...” rồi “Nếu quả có lòng thành thật, thì sao không sang trình diện để phô bày? Chứ đâu lại có nghe nói sai tướng tới, thì lo chuyện trốn tránh, kịp đến rút quân lui về, thì nói đi cống hiến, lấy điều đó mà thờ kẻ trên, thì lòng ngay thật hay giả dối cũng đủ biết. Khanh thử nghĩ, trốn tránh ở xứ lãnh ngoại, không nghĩ đến mối hoạ binh qua, chi bằng đến sân chầu mà phục mạng thì được sủng ái và về nước một cách vinh dự, trong hai điều ấy, khanh hãy chọn một điều để xét là điều nào hơn”.
Năm 1290, vua Trần Thánh Tông băng hà. Năm 1291, nhà Nguyên đã nhanh nhảu viết thư đòi vua Trần Nhân Tông vào chầu. Thư viết: “Các vị tổ tông ta đã qui định rằng: phàm các nước qui phụ, nước nào thân hành tới chầu thì nhân dân được an cư lạc nghiệp như thường; còn nước nào kháng cự không phục tùng, thì bị tiêu diệt, điều ấy khanh đã biết rồi. Cho nên ta sai sứ thần qua mời thân sinh khanh qua chầu, rút cuộc không vâng lời, chỉ cho ông chú qua thay mặt chầu triều. Vì thân sinh khanh không vào chầu, nên ta phong cho người chú làm An Nam quốc vương và sai sứ thần là Bất Nhãn Thiếp Mộc Nhĩ đưa về nước. Ông thân khanh lại giết người chú và đuổi sứ thần của ta, đến nỗi ta phải dấy binh qua đánh để hỏi tội, nhân dân của khanh bị chém giết thật nhiều mà quân ta cũng có tổn hại. Lúc đó Trấn Nam Vương Thoát Hoan còn trẻ tuổi, do đường thuỷ tiến binh, lầm nghe theo Toa Đô và Ô Mã Nhi, nên rơi vào tay khanh, nhân đó khanh mới được tạm yên đến nay. Khanh như biết thân hành sang chầu triều, thì những phù ấn về tước vua, ta sẽ cho cả không tiếc gì, đất đai và nhân dân ngõ hầu được bảo tồn vĩnh viễn”.
Năm sau lại viết tiếp chiếu thư gợi ý việc sang chầu: “Ta đã xét lời biểu dâng lên. Năm ngoái có quan Thượng thư bộ Lễ là Trương Lập Đạo tâu rằng: "ông ấy đã qua nước An nam biết rõ sự thể trong nước, xin qua hiểu dụ vua Trần sang chầu triều". Nhân vậy, ta lại sai Lập Đạo đi sứ, nay khanh đã biết lỗi, dâng biểu thú tội, thì ta chẳng trách phạt gì nữa. Nhưng nếu mượn cớ con mồ côi đương có tang chế và đường sá xa cách, sợ chết dọc đường không dám đi chầu; xét lại mượn những lời lẽ như trên là bất thông. Trong đời có loài vật gì cứ an toàn mãi ru? Trong thiên hạ có chỗ nào để người ta cứ sống hoài ru? Lời dụ nầy, khanh phải xem cho chu đáo, nếu dùng những lời xảo trá hư văn và chỉ chiếu lệ cống hiến lễ vật, như thế thì đạo nghĩa còn đâu nữa?”
Trước sau các vua Trần đều cự tuyệt việc sang chầu và nhà Nguyên cũng không làm gì được. Nên các chiếu thư sau 1292 thì đều không đề cập yêu sách này nữa vì chúng biết rằng các vua Trần đều không dễ dàng khuất phục.
Theo Một Thế Giới