3 cách chọn phi tần thị tẩm độc đáo bậc nhất lịch sử Trung Quốc

Google News

Sự sáng tạo của Lý Long Cơ và Khang Hi vẫn không bằng Khai quốc Hoàng đế của triều Tấn - Tư Mã Viêm.

"Hoàng đế" là sự tồn tại tối cao trong thời kỳ phong kiến ở Trung Quốc, sở hữu "Hậu cung ba nghìn giai lệ" để phục cho cuộc sống xa hoa và duy trì nòi giống hoàng tộc.
Thế nhưng có khi nào bạn thắc mắc, một vị Hoàng đế có nhiều phi tần như vậy, liệu ông có thật sự nhớ hết từng người?
Kỳ thực Hoàng đế cũng không nhớ rõ, và việc chọn người phục vụ mình có những cách riêng. Nếu Hoàng đế không chủ động chỉ định thì cũng có bộ phận khác lo liệu, đơn cử chính là Kính sự phòng.
Trong lịch sử Trung Quốc, có ba vị Hoàng đế nghĩ ra 3 phương pháp chọn phi tần thị tẩm độc đáo, lưu truyền đến nhiều thế hệ thiên tử đời sau!
1. Bắt đom đóm, ném túi hương
Cách thị tẩm đầu tiên và cũng là phương pháp lãng mạn nhất, được phát minh bởi Đường Huyền Tông Lý Long Cơ.
Như chúng ta đã biết, mối tình của Đường Huyền Tông và Dương Quý phi rất nổi tiếng, đi vào không ít phim truyện cổ trang Trung Quốc.
Dương Quý Phi xinh đẹp đến mức gần như chiếm hết mọi sủng ái của Huyền Tông, vì vậy đối với vị Hoàng đế này, những người phụ nữ khác trong cung đều không mấy quan trọng, căn bản không thể nhớ tên cũng như dung mạo của các phi tần còn lại. Song Huyền Tông cũng không thể làm ngơ dàn hậu cung phía sau và nguyên tắc duy trì nòi giống hoàng tộc, nên ông đã nghĩ ra một cách chọn người thị tẩm rất lãng mạn, được gọi là "phương pháp hạnh hương".
3 cach chon phi tan thi tam doc dao bac nhat lich su Trung Quoc
 
Mỗi tối khi đến giờ đi ngủ, thái giám trong hậu cung sẽ tập hợp tất cả phi tần lại, lúc này Huyền Tông sẽ đứng trên bục cao, lấy một túi hương từ tay thái giám, rồi ném về phía các phi tần. Túi hương trúng ai hoặc phi tần nào bắt được thì người đó sẽ ngủ với Hoàng đế đêm nay. Cách thức này tương tự như cô dâu ném tú cầu vào đám đông để tuyển chồng trong dân gian Trung Hoa xưa.
Sau một thời gian, Huyền Tông cảm thấy phương pháp này hơi nhàm chán nên đã nghĩ ra một cách khác lãng mạn hơn. Vào mùa hè, ông thích sử dụng "phương pháp hạnh huỳnh", liên quan đến một loại côn trùng là đom đóm. Theo đó, phi tần cầm túi lưới nhỏ, ai bắt được nhiều đom đóm nhất thì sẽ được ngủ cùng Hoàng đế.
3 cach chon phi tan thi tam doc dao bac nhat lich su Trung Quoc-Hinh-2
 
Đây là cách chọn phi tần để thị tẩm vào mùa hè, còn các mùa khác thì sao? Vào mùa xuân và mùa thu có rất nhiều bướm nên Huyền Tông đã nghĩ ra "phương pháp hạnh điệp" rất thú vị, cho phép các phi tần trồng những bông hoa đẹp trước cửa phòng ngủ. Mỗi khi đêm đến, Huyền Tông sẽ thả một con bướm và ra lệnh cho các thái giám đi theo, xem con bướm này đậu trên bông hoa của phi tần nào thì người này sẽ được cơ hội chung chăn với Hoàng đế. Bằng cách này, ba mùa xuân, hạ, thu đều có một cách chọn phi tần thị tẩm độc đáo, đến mùa đông, đổi lại "phương pháp hạnh hương" ban đầu là xong.
Từ đó có thể thấy Đường Huyền Tông thật sự rất xứng với danh hiệu "Thiên tử lãng mạn", có thể bày ra bao nhiêu chiêu trò độc đáo, vừa vui vẻ lại vừa sức với các phi tần của mình.
2. Lật thẻ gọi tên
So với Hoàng đế nhà Đường, phương pháp chọn người thị tẩm của Hoàng đế nhà Thanh có vẻ đơn điệu hơn rất nhiều. Khang Hi đế cả đời lập được vô số công lớn, có thể nói là người đầu tiên đưa nhà Thanh phát triển thịnh vượng.
Các Hoàng đế đời trước đều đến tận phòng ngủ của phi tần để thị tẩm, nhưng Khang Hi cho rằng đó là biểu hiện của sự mê đắm nữ sắc, không đàng hoàng, tổn hại đến uy nghiêm của hoàng thất. Thế là ông đổi thành các phi tần đến cung điện của Hoàng đế. Từ đó, phương pháp "lật thẻ" ra đời.
3 cach chon phi tan thi tam doc dao bac nhat lich su Trung Quoc-Hinh-3
 
3 cach chon phi tan thi tam doc dao bac nhat lich su Trung Quoc-Hinh-4
 
Thái giám bê một mâm đựng các thẻ ghi tên của tất cả phi tần, xếp ngay hàng thẳng lối, để Hoàng đế chọn thẻ có tên vị phi tần nào mà mình hứng thú. Sau đó phi tần được thông báo trước để tắm rửa sạch sẽ và dùng chăn quấn quanh người rồi được các thái giám khiêng vào cung điện của Hoàng đế. Kể từ khi Khang Hi sáng tạo ra phương pháp này, tất cả các Hoàng đế về sau đều làm theo cho đến khi nhà Thanh sụp đổ.
Tuy nhiên, cách "lật thẻ" thực sự có những lỗ hổng rất lớn. Hoàng đế có thể lật thẻ của bất cứ ai mà ông muốn, do đó cuối cùng vẫn là dựa theo ý muốn của Hoàng đế, dẫn đến việc rất nhiều phi tần trong hậu cung nhà Thanh cả đời không có cơ hội được thị tẩm một lần, đồng thời cũng trực tiếp khiến hoàng tộc Mãn Thanh ngày càng ít đi.
Tuy nhiên, sự sáng tạo của Lý Long Cơ và Khang Hi vẫn không bằng Khai quốc Hoàng đế của triều Tấn - Tư Mã Viêm.
3. "Xe dê chọn người"
Tấn Vũ đế Tư Mã Viêm là cháu nội của Tư Mã Ý và là con trai trưởng của Tư Mã Chiêu. Ông đã phát minh ra một phương pháp chọn phi tần thị tẩm vô cùng đặc biệt, đến nỗi nó đã trở thành một thành ngữ: "Dương xa vọng hạnh", hiểu nôm na là "xe dê chọn người may mắn nhất đêm".
3 cach chon phi tan thi tam doc dao bac nhat lich su Trung Quoc-Hinh-5
 
Theo nhiều tư liệu lịch sử, Tư Mã Viêm vô cùng dâm đãng, ông thậm chí còn sai người đi khắp thiên hạ để tuyển mỹ nữ nên hậu cung của ông rất đông đảo. Tất nhiên, có rất nhiều phi tần mà vị Hoàng đế này không thể nhớ và ưu ái, vì vậy khi đến giờ đi ngủ mỗi tối, ngủ cùng ai trở thành điều khó khăn nhất đối với Tư Mã Viêm.
Thế là ông đã vắt óc nghĩ ra một cách quái đản nhất trong lịch sử, đó là sai người điều khiển một chiếc xe dê kéo, tự do đi lại trong hậu cung, ông ngồi ở xe sau xem dê kéo xe đi đâu, dừng lại trước gian phòng của phi tần nào thì ông sẽ ngủ với người đó.
3 cach chon phi tan thi tam doc dao bac nhat lich su Trung Quoc-Hinh-6
 
Phương pháp này mang tính ngẫu nhiên cao, cho nên các phi tần của Tư Mã Viêm phải làm mọi cách có thể.
Có người rưới nước muối xuống đất để dụ dê dừng lại, vì dê thích liếm vị mặn này. Có người cắm một cành trúc trước cửa để thu hút dê ghé lại ăn, thậm chí họ còn biến cửa phòng của mình thành rừng trúc để tăng sự chú ý với đám dê kéo xe… Ai cũng khát khao mình được một lần ngủ cùng Hoàng đế, để nếu may mắn mang long thai, họ sẽ thay đổi số phận, có thể trở thành mẫu nghi thiên hạ, hoặc ít nhất có thêm địa vị trong hậu cung.
Sau đó, điển cố này được ghi lại trong "Tấn thư", gọi là "Dương xa vọng hạnh", là một phép ẩn dụ cho những hành vi mong được người khác coi trọng và ưu ái.
Theo Danviet