27 năm lớp học tình thương: Gieo con chữ, gieo niềm tin tử tế

Google News

Suốt 27 năm, lớp học tình thương của cô giáo Phạm Thị Huyền đã không chỉ gieo con chữ, mà còn gieo hạt mầm của tình yêu, lan tỏa niềm tin vào sự ấm áp, tử tế trong cuộc đời.

“Tôi gọi đây là lớp học linh hoạt. Ngày nào cũng đúng 7 giờ sáng là tôi có mặt, học sinh nào đến thì dạy dần, chứ không phải ‘tùng, tùng, tùng thì vào lớp và tùng, tùng, tùng thì tan lớp. Cô giáo cũng không chỉ dạy cho các em con chữ, kiến thức, mà còn chăm sóc, bảo vệ các em”, cô giáo Phạm Thị Huyền nói về lớp học đặc biệt của mình.
27 nam lop hoc tinh thuong: Gieo con chu, gieo niem tin tu te
"Lớp học linh hoạt" chan chứa yêu thương của cô giáo Phạm Thị Huyền.
Hành trình khởi đầu từ tình yêu thương
Năm 1997, rời xa công việc giảng dạy ở Tuyên Quang để về Hà Nội chăm sóc gia đình, cô giáo Phạm Thị Huyền nhận thấy xung quanh mình có quá nhiều trẻ em không được đến trường vì nghèo khó, mồ côi hoặc phải chịu những tổn thương sâu sắc. Hình ảnh các em lang thang, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần khiến cô trăn trở từng đêm. Tình thương trong của một người mẹ, và của một cô giáo thôi thúc cô phải làm gì đó, không thể khoanh tay đứng nhìn các em bị bỏ rơi khỏi dòng chảy của tri thức.
27 nam lop hoc tinh thuong: Gieo con chu, gieo niem tin tu te-Hinh-2
 Mỗi em học sinh trong lớp học là một câu chuyện hoàn cảnh khác nhau.
Không có kinh phí, cô bán đi bộ salon duy nhất trong nhà để mua bàn ghế và dụng cụ học tập. Cô tự mình đến từng gia đình để vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Ngày 16/1/1998, lớp học đầu tiên được khai giảng trong căn nhà chật hẹp, với 6 học sinh chưa biết đọc, viết. Sau đó, lớp học đông dần.
“Tôi gọi đây là “lớp học linh hoạt”. Mỗi ngày cứ đúng 7 giờ sáng là cô giáo có mặt tại lớp, nhưng học sinh thì đến vào nhiều khung giờ khác nhau. Thế là cứ có em nào thì cô dạy dần, bạn nào đến sau thì lại dạy tiếp. Chứ không phải như lớp học bình thường, cứ trống “tùng tùng” thì vào, “tùng tùng” lại tan lớp. Và cô giáo không chỉ dạy văn hóa, mà còn dạy kỹ năng sống, trông nom, bảo vệ học sinh”, cô giáo Phạm Thị Huyền xúc động chia sẻ với Tri thức và Cuộc sống.
Để duy trì được lớp học thế này, cô Huyền cho biết, giáo viên đứng lớp phải có lòng yêu ngành, yêu nghề và một lòng yêu thương vô bờ đối với con trẻ. Những năm đầu, mỗi học sinh đến đăng ký học, cô Huyền đều lặn lội đến nhà từng em để tìm hiểu hoàn cảnh. Có những nhà trong ngõ ngách, đi cả một buổi cô mới tìm đến nơi. Nhưng bù lại, là những hạnh phúc không đong đếm được.
Cô nhớ mãi khoảnh khắc một học trò khoe: “Cô ơi, hôm nay đi chơi, con đã đọc được hết tấm biển quảng cáo rồi”. Với cô giáo khác, đó là điều quá đỗi bình thường, nhưng với cô, đó là cả một hạnh phúc khiến cô trào nước mắt.
Bởi đây là lớp học đặc biệt, mỗi em học sinh lại là một hoàn cảnh éo le riêng. Em thì mất bố, em mất mẹ, có em lại mồ côi cả bố lẫn mẹ, phải ở với bà. Có em đúng tuổi đi học, có em lại vượt quá. Sức khỏe cũng không đồng đều, có em suy dinh dưỡng, có em tự kỷ…, mỗi bạn một bệnh. Hành trình ấy không hề dễ dàng, nhưng chưa một ngày cô than phiền hay từ bỏ. Những bài học đọc viết tưởng chừng đơn giản nhưng đối với các em – đặc biệt là trẻ khuyết tật – lại cần đến hàng trăm lần lặp đi lặp lại.
27 nam lop hoc tinh thuong: Gieo con chu, gieo niem tin tu te-Hinh-3
 Những ghi nhận cho hành trình tràn ngập yêu thương của cô giáo Huyền.
Suốt 27 năm qua, cô Huyền đã dành trọn tình yêu, sự kiên nhẫn để chắp cánh ước mơ dang dở của nhiều em nhỏ. Dưới tình yêu thương của cô Huyền, đã có trên 200 em tốt nghiệp ở các bậc học khác nhau. Từ những cậu bé, cô bé bán báo, đánh giày, hoàn cảnh gia đình éo le, không biết chữ… các em đã trưởng thành, có được công việc thuận lợi, cuộc sống hạnh phúc nhờ biết chữ. Với một hành trình dài, không thể kể hết những kỷ niệm, những câu chuyện xúc động của lớp học đặc biệt này.
Có lần, cô tiếp nhận một học sinh người dân tộc thiểu số trên Hà Giang. 15 tuổi, bố mẹ bắt lấy chồng. Không muốn cuộc đời phải làm mẹ quá sớm, rồi lại luẩn quẩn trong đói nghèo, cô bé đã trốn xuống Hà Nội đi bê phở, rửa bát thuê kiếm tiền. Về sau tích cóp mua được điện thoại, nhưng do không biết chữ, nên chỉ nhận cuộc gọi, không biết nhắn tin. Sau khi học hết lớp 3 ở lớp học cô Huyền, em gái này đã xin dừng lại, đi làm, dần dần tự mở được cửa hàng gội đầu, làm đẹp. Sau đó, lấy chồng ở Đan Phượng (Hà Nội), có cuộc sống hạnh phúc. Biết ơn người đã “gieo chữ”, khiến mình thay đổi số phận, cô học trò đó đã gọi cô giáo Huyền là mẹ.
Một học trò khác mà cô Huyền cũng rất nhớ, đó là cậu bé ở với bà ngoại, do bố nghiện ma túy mất, mẹ đi lấy chồng. Dưới sự giúp đỡ, kèm cặp của cô Huyền, cậu bé đã học tới lớp 9, sau đó đi học nghề, lấy được bằng cấp 3, nuôi sống được bản thân và cả bà ngoại. Đêm 30 Tết nào, hai bà cháu cũng đến nhà cô giáo Huyền chơi, trò chuyện, đến gần Giao thừa mới về.
Tình yêu ấy, vẫn tiếp nối ở lớp học hiện tại. Trò chuyện với PV, Hương Thảo, 17 tuổi không giấu được niềm xúc động. Sinh ra trong gia đình khó khăn, học hết lớp 1 thì em phải nghỉ học. Ở tuổi thiếu nữ rực rỡ như bông hoa, nhưng trình độ của Thảo vẫn chỉ dừng ở ngưỡng lớp 1. Mỗi lần nhìn thấy bạn bè nói về học hành, bằng cấp, Thảo lại chạnh lòng. Biết đến lớp học của cô Huyền, Thảo đã lặn lội từ quận Tây Hồ đến Thanh Xuân mỗi ngày để học lại từ chương trình lớp 2. Với em, lớp học này không chỉ là nơi học chữ, mà còn là nơi chắp cánh cho ước mơ của em. “Em bắt đầu học từ đầu tháng 10/2024. Mục tiêu của cháu lên lớp nhanh và học lên đại học”, Thảo tâm sự.
Còn với Trâm Anh, cũng từng mất phương hướng sau biến cố gia đình, khi đến lớp học của cô Huyền, em đã tìm lại niềm vui, biết đọc, biết viết, và quan trọng hơn, biết rằng mình vẫn có giá trị, vẫn được yêu thương.
Gieo niềm tin vào sự tử tế trong đời
Không chỉ là nơi gieo con chữ, lớp học tình thương của cô Huyền còn là chiếc cầu nối tình yêu thương trong cộng đồng.
Cảm động trước tấm lòng và nghĩa cử của bà giáo Phạm Thị Huyền, hơn một năm nay, cô giáo Lã Thị Bảy, một giáo viên về hưu tình nguyện đồng hành. Hàng tuần, bà Bảy và bà Huyền thay nhau lên lớp, vừa dạy kiến thức vừa bù đắp thiệt thòi cho những học sinh đặc biệt bằng những lời động viên, chia sẻ. Ngoài ra, còn có một sinh viên tình nguyện đến dạy tiếng Anh, dạy hát cho các em.
27 nam lop hoc tinh thuong: Gieo con chu, gieo niem tin tu te-Hinh-4
 Cô giáo Lã Thị Bảy, một giáo viên về hưu đã "tiếp sức", cùng dạy với cô Huyền.
Công việc của bà Huyền cũng đã được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ. Trong đó, tổ dân phố số 6, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân đã hỗ trợ một phòng học khang trang cũng như tiền điện, tiền nước lớp học. Một phần là chung tay cùng cô Huyền được giúp đỡ các cháu nhỏ thiệt thòi, một phần để người dân nơi đây học tập, noi gương tinh thần của cô Huyền. Một số doanh nghiệp cảm động trước tấm lòng cô giáo cũng đã có quà tặng các em nhỏ những ngày lễ, tết.
27 nam lop hoc tinh thuong: Gieo con chu, gieo niem tin tu te-Hinh-5
 Nhờ có phòng học khang trang được hỗ trợ, việc giảng dạy và học tập của cô và trò đỡ vất vả hơn.
Những phụ huynh có con em theo học đều cảm nhận được sự tận tâm, hết lòng của cô. Họ không chỉ biết ơn, mà còn học được từ cô cách yêu thương, chấp nhận và kiên nhẫn với con cái mình.
Và điều đặc biệt nhất, những đứa trẻ bước ra từ lớp học tình thương của cô Huyền, dù nhiều em không tiếp tục học lên cao nhưng đã tìm được công việc ổn định, có gia đình và cuộc sống mới. Và điều đặc biệt nhất, các em có một điểm tựa vững chắc, đó là niềm tin vào sự tử tế, ấm áp trong cuộc đời. Đó là hành trang quý giá để các em có thẻ đối mặt với các khó khăn trong cuộc sống, và cũng trở thành người tử tế, thiện lương.
Tấm lòng và sự hy sinh của cô Huyền là minh chứng sống động cho giá trị bền bỉ của sự tử tế. Trong một xã hội đôi lúc còn nhiều khó khăn, nơi lớp học tình thương nhỏ bé này, ánh sáng của niềm tin vẫn bừng lên mạnh mẽ. Không chỉ gieo con chữ, cô Huyền còn gieo cả niềm hy vọng, khẳng định rằng những điều tốt đẹp luôn hiện hữu quanh ta.

Giờ đây, khi đã ở tuổi lục tuần, cô Huyền vẫn ngày ngày đứng lớp, chăm lo cho từng học trò nhỏ. Khi hỏi về lý do của việc làm ý nghĩa này, cô Huyền nói: “Tôi không muốn bất cứ một trẻ em nào không biết chữ. Tôi làm việc này vì vui. Và niềm vui của tôi chính là khi thấy các em vui”, cô giáo Huyền chia sẻ.

 
 
Mai Loan