Trước hết phải kể đến cuộc tình vụng trộm giữa Càn Long với vợ của Đại học sĩ Phó Hằng. Phó Hằng là người tộc Phú Sát thị, một gia tộc nổi tiếng quyền lực dưới triều Thanh. Ông là em trai của của Phú Sát hoàng hậu và cũng là người được Càn Long rất trọng dụng.
Theo "Đại Thanh ngoại sử", vợ của Phó Hằng rất được Càn Long sủng ái. Ngay cả Thanh Sử Cảo cũng có một số chi tiết thể hiện, không ít lần, Càn Long đã ban thưởng cho Phó Hằng và cũng không quên ơn huệ riêng cho phu nhân của ông ta. Tuy nhiên, vì là dòng chính sử, nên Thanh Sử Cảo không trực tiếp thừa nhận mối quan hệ "mờ ám" này.
Phu nhân của Phó Hằng tên Qua Nhĩ Giai thị. Vì là em dâu của Phú Sát hoàng hậu nên thường xuyên được đi lại trong cung.
Mùa xuân năm Càn Long thứ 17 (năm 1752) Càn Long dẫn theo thái hậu Sùng Khánh, Phú Sát hoàng hậu cùng các phi tần, trong số đó có cả Qua Nhĩ Giai thị, tới vườn Viên Minh thưởng ngoạn cảnh xuân.
Càn Long lần đầu gặp mặt, đã bị cuốn hút bởi sắc đẹp Qua Nhĩ Giai thị. Sau này, dù biết nàng là phu nhân của người em vợ, Càn Long vẫn không nguôi hi vọng được gần gũi với người đẹp.
Nhân dịp sinh nhật Hoàng hậu, Càn Long ra lệnh mở tiệc trong cung, Qua Nhĩ Giai thị cũng đến dự tiệc. Càn Long mượn cớ ngâm thơ, nếu ai không biết ngâm thơ sẽ phạt uống rượu.
Do không biết uống rượu nên Qua Nhĩ Giai thị mới uống được vài chén đã say. Càn Long thấy vậy, sai cung nữ đưa Phó phu nhân sang phòng khác nghỉ ngơi. Sau đó, Càn Long kiếm cớ rời khỏi tiệc rượu, rồi lén lút tư thông với Qua Nhĩ Giai thị.
Cuộc tình vụng trộm này kéo dài đến 2 năm và kết quả là Phúc Khang An ra đời. Về sau, mối quan hệ giữa Càn Long và Qua Nhĩ Giai thị ngày càng mờ nhạt.
Nói về thân thế của Phúc Khang An, quả thật vô cùng đặc biệt. Trước hết, dù là con trai của Phó Hằng, nhưng cái tên Phúc Khang An lại do đích thân Càn Long đặt.
Theo Thanh sử, Phúc Khang An là đại thần mà Càn Long vô cùng sủng ái, có lẽ không hề kém cạnh so với Hòa Thân. Ngay từ khi còn rất trẻ (12 tuổi), Phúc Khang An đã được Càn Long trọng dụng, giao cho quản lý đội thị vệ và đưa vào cung dạy dỗ. Dĩ nhiên, con đường quan lộ của Phúc Khang An từ đó cũng thăng tiến thần tốc.
Đáng nói hơn cả, là ngoài các chức vụ quan trọng, Phúc Khang An còn đặc biệt được phong tước vị Bối tử (tước vị chỉ dành riêng cho hoàng tộc). Sau khi Phúc Khang An qua đời, Càn Long vô cùng đau xót, truy phong làm Quận vương, đây cũng là tước vị chỉ dành cho các hoàng tử.
Những người anh em của Phúc Khang An, là Phúc Linh An, Phúc Long An và Phúc Trường An, đều lần lượt được Càn Long gả con gái, cho làm phò mã. Chỉ riêng Phúc Khang An dù được vô cùng sủng ái, nhưng lại không được Càn Long gả con gái cho.
Một số thông tin khác lại cho rằng, Phú Sát hoàng hậu đã phát hiện ra mối quan hệ giữa Càn Long và cô em dâu. Dù trong lòng vô cùng oán hận Càn Long nhưng phải nhẫn nhịn, nhắm mắt làm ngơ.
Trong chuyến tuần du phương nam, Phú Sát hoàng hậu cùng Càn Long đi qua Trực Lệ, Hàng Châu. Tại đây, Hoàng hậu nhắc đến chuyện Càn Long gian dâm với phu nhân của Phó Hằng , trách mắng thậm tệ.
Càn Long vì quá tức giận, đã vô tình đẩy Phú Sát hoàng hậu xuống nước, khiến bà chết đuối.
Một số thông tin khác cho rằng, Phú Sát hoàng hậu cùng Càn Long tuần phương Nam. Tại đây, chứng kiến cảnh Càn Long trăng hoa, chơi bời, Phú Sát hoàng hậu khuyên bảo không được, bèn tự vẫn bằng cách đập đầu vào cột thuyền hay nhảy xuống sông tự vẫn.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin trên đều không xác thực. Trước hết phải nói, theo Thanh sử, Phú Sát hoàng hậu chưa một lần cùng Càn Long đi tuần du Giang Nam, mà chỉ cùng đi Đông tuần.
Mặt khác, việc Càn Long đi tuần du Giang Nam chủ yếu là để ăn chơi, hưởng lạc, không có lý do gì lại đưa cả Phú Sát hoàng hậu đi theo để cản trở.
Thực tế, Phú Sát hoàng hậu tự vẫn chỉ là câu chuyện được thêu dệt dựa trên cái chết của Thành tần, một phi tần khác của Càn Long.
Theo Thanh sử, năm Càn Long thứ 49 (năm 1784), Càn Long tuần du phương Nam bằng thuyền, Thành tần đi theo, bất cẩn bị ngã xuống nước, chết đuối. Như vậy, người chết đuối ở đây là một phi tần khác của Càn Long, chứ không phải là Phú Sát hoàng hậu như một số thông tin hiện nay đang thể hiện.
Theo “Thanh cung mười ba triều”, Càn Long còn có một mối quan hệ loạn luân khác với chính người con dâu của mình, là vợ của hoàng tử Vĩnh Thành – người con trai trưởng của Càn Long.
Hoàng tử Vĩnh Thành hay còn gọi là Đa Đa Lý Quận Vương (1739- 1777) là con trai của Càn Long, mất sớm mà không có con nối dõi. Người vợ cả của Vĩnh Thành tên là Xuân A, họ Nữu Hỗ Lộc thị, vô cùng xinh đẹp.
Ngoại hình của bà được miêu tả là mặt hoa da phấn, cử chỉ phong lưu, là một trang tuyệt thế giai nhân. Khi nói chuyện, môi cười mắt liếc, miệng lưỡi lanh lẹ, vô cùng duyên dáng, đặc biệt còn có đôi nét giống Hương phi.
Càn Long mới gặp lần đầu đã bị mê hoặc bởi sắc đẹp của Xuân A, bèn giữ nàng trong cung, không cho về vương phủ nữa. Càn Long nói với hoàng tử Vĩnh Thành rằng:
- Cô con dâu này của trẫm nói chuyện quả hay thật. Khanh (Vĩnh Thành) hãy cho nàng vào cung một thời gian. Thái hậu đang thiếu một người bầu bạn cho được vui vẻ, tiêu khiển. Được thế trẫm cũng là người con có hiếu và khanh cũng là một đứa cháu ngoan.
Hoàng tử Vĩnh Thành biết Càn Long có ý xấu nhưng không thể nào trái lệnh được, đành uất ức ra về. Không lâu sau, Vĩnh Thành mất, Càn Long chuyển luôn Xuân A vào cung và phong làm phi.
Có thể nói, Càn Long là một ông vua lắm tài nhưng cũng nhiều tật. Thói trăng hoa làm cho ông nổi tiếng trong lịch sử, để lại biết bao giai thoại trong dân gian, nhưng cũng có những mối quan hệ "mờ ám", vô cùng đáng trách.
Theo Vương Nam/Người Đưa Tin