Với người Việt, rằm tháng 7 có ý nghĩa thiêng liêng, quan trọng. Dưới đây là gợi ý của chuyên gia phong thủy Song Hà về văn khấn rằm tháng 7 cũng như lưu ý khi cúng rằm tháng 7 để rước được những điều tốt lành nhất theo quan niệm tâm linh.
|
Người dân Hà Nội cúng rằm tháng 7. |
Gợi ý văn khấn cộng đồng gia tiên Rằm tháng Bảy
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
Con kính lạy tổ tiên nội ngoại và cộng đồng chư vị hương linh.
Nếu là gia đình nam trưởng phải khấn:
Con kính lạy Cửu huyền thất tổ gia tiên và cộng đồng chư vị Hương linh dòng họ ... nguyên quán tại ...
Tín chủ chúng con là… hiện gia đình đang cư ngụ tại…
Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy năm 2024, tết Trung nguyên đầu tiên của địa vận 9 vận Cửu Tử trong Hạ Nguyên của Tam nguyên cửu vận, nhân gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức.
Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền nên tín chủ con sửa sang lễ vật, hương hoa, trà quả, thắp nén tâm hương, thành kính lên các cụ cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô di, tỷ muội và tất cả các hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ….
Cúi xin các vị thương xót cháu con, linh thiêng hiện về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long, hướng về chính giáo.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Sở cầu tất ứng sở nguyện tòng tâm.
Nam mô A Di Đà Phật ( 3 lần)
Đồ lễ cúng cô hồn (cúng chúng sinh)
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày rằm tháng 7 còn gọi là ngày “xá tội vong nhân”, tức là ngày mà Diêm Vương mở cửa địa ngục cho các vong hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước...
Những vong hồn này rất đáng thương vì không được ai thờ cúng, hoặc chết đường chết chợ, chết sông chết suối, chết tai nạn, thắt cổ tự tử, ngã giếng... vong cô đơn lang thang vạ vật không tìm được đường về với tổ tiên mang theo nhiều chấp niệm đau khổ với cuộc sống dương gian trước đây. Vì vậy, dân gian thường làm một mâm lễ cho các vong hồn này để chúng không quấy nhiễu dương gian.
Bên cạnh đó, cúng cô hồn cũng là cách để người dương tránh gặp xui xẻo trong tháng 7 cũng như tích đức, tích phước cho con cháu, xóa tội cho vong linh của người thân đã khuất.
Lễ cúng cô hồn được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.
Mâm cúng cô hồn chỉ nên chuẩn bị các món đồ chay để các cô hồn không phát sinh lòng tham. Một mâm lễ cúng cô hồn điển hình gồm có: quần áo chúng sinh được gỡ ra thành từng món, rải xuống dưới mâm, vài chén cháo trắng loãng, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), một ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô, khoai, sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ...
Mâm cúng cô hồn bao gồm:
- Muối gạo (1 đĩa): sẽ được rắc ra vỉa hè ngã ba ngã tư đường hoặc sân trước nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong;
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hay là cơm vắt: 3 vắt.
- 12 cục đường thẻ.
- Hoa quả (5 loại 5 màu).
- Giấy áo, giấy tiền vàng bạc.
- Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc...
- Mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc nhỏ độ 15 cm).
- Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá thấp ).
- Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.
Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...).
Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện. Kết thúc lễ cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, đường.
11 điều lưu ý khi tiến hành các nghi lễ cúng trong tiết rằm tháng 7 âm lịch
1. Không cúng chúng sinh, cúng cô hồn trong nhà, cúng ngoài sân, ngoài đường hoặc không thì đăng kí cúng ở đình, chùa...
Theo quan niệm, nếu cúng chúng sinh, cúng cô hồn ở bên trong nhà như phòng khách, phòng thờ, sân thượng của nhà dân xây từ mặt đất xây dựng nhiều tầng thì những tà vong sau khi đến thụ hưởng đồ lễ cúng sẽ lưu luyến không rời khỏi nhà sẽ quấy nhiễu những người sống trong ngôi nhà đó.
2. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã. Theo quan niệm, do nhiều người khi còn sống có tâm địa tham lam tiền bạc chết đi rồi lại là vong lang thang, không có ai thờ cúng nên tà niệm về tiền bạc vô cùng lớn. Nếu hoá vàng bừa bãi họ sẽ đến nhiều và đi theo người hay đốt vàng mã.
3. Không đọc tên tuổi, địa chỉ bản thân
Trong văn khấn cúng chúng sinh không nhất thiết phải đọc tên tuổi địa chỉ của bản thân và người thân trong gia đình vì khi làm phúc không nhất thiết phải đợi báo ân. Thế giới tâm linh cũng quan niệm vong linh cũng chia ra có thiện vong và tà vong cho nên để tránh việc các tà vong xấu gây ảnh hưởng xấu tới người dương trần trong văn khấn cúng chúng sinh cúng cô hồn tuyệt đối không ghi và đọc xướng tên tuổi địa chỉ của bản thân và người thân trong gia đình.
4. Mang theo đồng tiền bạc
Khi cúng chúng sinh và cúng cô hồn nên mang theo người đồng tiền bạc có mặt chữ Phúc hoặc chữ Thọ tượng hình. Nhà có cái nón rách cũng có thể mang theo để khi thấy gai gai người hay bất an thì đốt ngay chiếc nón và hơ quanh người mình. Mang theo nhiều củ tỏi ta cùng 1 con dao nhỏ, nếu thấy bất an thì lấy dao bổ tỏi ép nước bôi vào giữa trán, nhân trung, sau gáy và vùng xương đĩa đệm cuối lưng.
Những việc làm trên đều là để làm tăng cường năng lượng dương của cơ thể con người tránh bị ảnh hưởng xấu tIêu cực từ năng lượng âm của tà ma.
5. Không mặc màu đen trắng
Không mặc quần áo trang phục màu đen hay kết hợp 2 màu đen trắng khi cúng chúng sinh bởi đây là những màu sắc kết hợp mang năng lượng âm cao và là biểu hiện của tang chế. Khi đứng cúng hoặc tham gia lễ cúng chúng sinh áo nên mặc màu đỏ, hồng, cam, vàng, xanh ngọc ... những màu sắc tươi sáng.
6. Giữ thân thể thanh tịnh
Trước ngày cúng chúng sinh, cô hồn chủ lễ nên giữ thân thể thanh tịnh (dân gian kiêng sinh hoạt tình dục). Ngoài ra còn những kiêng kị ăn uống sau nhằm giúp cơ thể sạch sẽ, tránh hôi hám.
Về ăn uống, kiêng ăn mắm tôm, mắm tép, tỏi, tiết canh. Kiêng ăn cá chép, ba ba, rùa, rắn, lươn, chạch, thịt chó, thịt mèo. Hạn chế ăn các con vật tượng trưng cho tứ linh như chó, mèo, ly, rùa, ba ba, rắn, lươn, chạch (là quy, huyền vũ - quy xà ), cá chép (cá chép hoá rồng là long)...
Kiêng uống rượu cao hổ cốt, rượu ngâm rắn hay ngâm động vật, kiêng bôi mỡ trăn.
7. Không để trẻ em gần mâm cúng
Khi mâm cỗ cúng đã lên hương tuyệt đối không để trẻ em ở gần mâm cúng vừa tránh trẻ không ăn vụng đồ cúng và cũng để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ tâm linh của trẻ.
Do trẻ nhỏ thì phần thể phách là hồn vía còn chưa thể có đủ định lực trước những năng lượng tâm linh mang tính âm cao.
8. Rời khói chỗ cúng khi có chó, mèo đến
Trong khi cúng lễ mà có mèo hay chó đen đến ngồi gần mâm lễ thì cần cúng nhanh chóng và sớm rời khỏi chỗ cúng bởi theo tâm linh có thể có nhiều âm khí ở đó, không nên ở lâu.
9. Đi qua lửa sau khi cúng. Cúng chúng sinh xong hay vừa ra nghĩa trang xong trước khi bước vào cửa chính nam đi qua lửa 7 lần, nữ đi qua lửa 9 lần mới được đi vào.
Do lửa nóng ấm mang năng lượng dương cao sẽ giúp thể phách của nam ( 7 vía) của nữ ( 9 vía ) được định khí đẩy đi các năng lượng xấu, năng lượng âm tiêu cực và phần thể xác cũng khoẻ mạnh hơn.
10. Nếu bị hạn tam tai thì phải lo cúng tam tai cho bản thân mình trước, cúng Rằm sau vì trước tiên phải tu tại Thân đã. Cụ thể năm 2024 năm Giáp Thìn này thì có 3 tuổi Thân, Tý, Thìn phạm hạn tam tai và phải cúng ông Thiên Kiếp, cúng ngày 13 âm hàng tháng riêng tháng 7 là cúng 13/7 âm , khi cúng lạy về hướng Đông Nam.
11. Thay trang phục sau cúng. Sau khi cúng chúng sinh cúng cô hồn bước vào nhà phải thay ngay trang phục đã đứng cúng lễ. Uống 1 cốc trà gừng, ai huyết áp thấp có thể uống trà gừng mật ong. Ở thành phố, thị trấn hiện đại thì chuẩn bị được 1 hộp cao nóng ví dụ như cao sao vàng và một chiếc máy sấy tóc thì càng tốt.
Chuẩn bị sẵn một nồi nước lá gồm xả, hương nhu, mùi thơm, lá bưởi, lá nếp ... đun sôi để nguội xông nhanh 10 đến 15 phút lau khô toàn thân ( không tắm ) rất cần làm với người già trên 60 tuổi, người huyết áp thấp, người có tiền sử đột quỵ người yếu bóng vía, người hay bị bóng đè, người bị bệnh mộng du, người mới ốm dậy mà vẫn phải lo toan mọi việc lễ nghi...
Nhanh gọn nhất là lấy cao nóng bôi vào trong trục cột xương sống phần xương cụt , bôi vào ngay sau gáy, bôi 2 bên thái dương, bôi ở nhân trung, bôi vào 2 lòng bàn chân và 2 mu mặt bàn tay ở huyệ Khốc Khấp xoa bóp.
Xoa dọc trục từ gáy xuống xương cụt và tại mỗi điểm xoa xoay thuận chiều kim đồng hồ. Tại 2 bên lòng bàn chân xoa day lòng bàn chân sau đó xoa thuận chiều kim đồng hồ ở mỗi lòng bàn chân. Cuối cùng ta dùng máy sấy chỉnh chế độ phù hợp sấy một chiều từ đỉnh đầu chạy dọc trục xương cột sống xuống đến vùng xương cụt, vùng mà dễ bị thoát vị đĩa đệm nhất.
Thông tin trong bài mang tính tham khảo và chiêm nghiệm.
Nguyễn Mai