Vụ xe Audi gây tai nạn, Hà Hồ có bị liên đới?

Google News

(Kiến Thức) - Hồ Ngọc Hà không trực tiếp lái xe và gây tai nạn, nhưng cô là chủ sở hữu của chiếc Audi thì có phải chịu trách nhiệm liên đới?

Vụ việc xe Audi đón ca sĩ Hồ Ngọc Hà gây tai nạn nghiêm trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất khiến 11 người bị thương vào những ngày giáp Tết đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Bên cạnh những lời chia sẻ, cảm thông dành cho ca sĩ Hồ Ngọc Hà và các nạn nhân, nhiều người cũng băn khoăn dù Hồ Ngọc Hà không trực tiếp lái xe và gây tai nạn, nhưng cô là chủ sở hữu của chiếc Audi này thì cô có phải chịu trách nhiệm liên đới gì không? Nếu Hồ Ngọc Hà có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tài sản cho chiếc xe thì các nạn nhân trong vụ tai nạn trên có được bảo hiểm chi trả viện phí? Với chiếc xe Audi của Hồ Ngọc Hà, liệu bảo hiểm có bồi thường chi phí sữa chữa, bảo dưỡng, mông má?
Trao đổi với Kiến Thức về các vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, theo khoản 1 điều 623 Bộ luật Dân sự (BLDS) và khoản 18; Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khoản 1 Mục III Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ và pháp luật có các quy định riêng về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, cụ thể:
-  Khoản 2 điều 623 BLDS 2005 Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Vu xe Audi gay tai nan, Ha Ho co bi lien doi?
 Hiện trường vụ xe Audi đón Hồ Ngọc Hà gây tai nạn. 
- Theo điểm đ, khoản 2, mục III, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP: “Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây ra tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:
- Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A phải bồi thường thiệt hại.”
- Nếu B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp; do đó, B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó; do đó, C phải bồi thường thiệt hại”.
“Như vậy, căn cứ vào các điều trên, nếu tài xế chỉ được Hồ Ngọc Hà thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, trong khi xe đó của Hồ Ngọc Hà thì Hồ Ngọc Hà phải bồi thường thiệt hại”, Luật sư Quân nói.
Về vấn đề bảo hiểm có bồi thường cho các bên bị thiệt hại trong vụ tai nạn trên, Luật sư Quân cho biết, nếu Hồ Ngọc Hà có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho mình, thì việc bồi thường cho 11 nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn do chiếc ô tô của mình gây ra được căn cứ ở các điều khoản sau:
- Khoản 1, điều 55 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định về giới hạn trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự: Trong phạm vi số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba.
- Theo điều 609 BLDS 2005, người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại do sức do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
• Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
• Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
• Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Ngoài ra, người xâm phạm sức khỏe còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Như vậy, trong trường hợp sự kiện bảo hiểm (vụ tai nạn) xảy ra, nếu bên thứ ba (nạn nhân) có yêu cầu chi trả các khoản viện phí thì công ty bảo hiểm phải chi trả trong phạm vi số tiền bảo hiểm.
Với chiếc xe Audi, sau vụ tai nạn đã bị hư hỏng khá nặng. Nếu Hồ Ngọc Hà có mua gói bảo hiểm tài sản cho xe thì bảo hiểm sẽ bồi thường như thế nào?
Luật sư Quân cho biết, theo điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì căn cứ bồi thường đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản được xác định như sau:
1.Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
2.Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
3.Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Như vậy, trong trường hợp xác định được sự kiện bảo hiểm (vụ tai nạn) được quy định trong hợp đồng bảo hiểm thực sự xảy ra, trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực và không thuộc các trường hợp bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (ví dụ: Hành động cố ý gây tai nạn, gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người được giao quản lý và sử dụng xe hoặc của người bị thiệt hại; Xe không có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ hoặc có nhưng không hợp lệ; Tại thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe không có Giấy phép lái xe hợp lệ; v.v) thì gói bảo hiểm dành riêng cho xe có chi trả cho chi phí sữa chữa, bảo dưỡng xe. Chi phí sửa chữa, bảo hiểm được xác định qua kết quả giám định theo điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm.
Vu xe Audi gay tai nan, Ha Ho co bi lien doi?-Hinh-2
 Chi phí điều trị cho các nạn nhân trong vụ tai nạn trên sẽ được bảo hiểm trách nhiệm dân sự bồi thường. 
Liên quan đến việc bồi thường của bảo hiểm, Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, phân tích, về nguyên tắc, luật pháp xác định các chủ thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại trước hết là chủ sở hữu xe ô tô hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng như đã nêu ở trên. Tùy vào từng trường hợp cụ thể khác nhau để xác định.
Trong trường hợp trên, liên quan đến quan hệ hợp đồng bảo hiểm giữa chủ sở hữu xe và doanh nghiệp bảo hiểm thì cần xác định là đây là loại hình bảo hiểm về trách nhiệm của chủ xe gây thiệt hại cho người khác, cả thân thể và tài sản, ở ta hiện nay mua xe ô tô sử dụng thì bắt buộc phải xác lập hợp đồng bảo hiểm với một tổ chức kinh doanh bảo hiểm. Khi đó, xe gây tai nạn được bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì công ty bảo hiểm sẽ hoàn trả cho chủ xe một số tiền (trong trường hợp chủ xe hoặc tài xế đã bồi thường cho nạn nhân) hoặc công ty bảo hiểm có thể thay mặt chủ xe bồi thường trực tiếp cho nạn nhân.
Luật sư Lê Cao cho biết thêm, theo quy định hướng dẫn bổ sung tại Thông tư số 151/2012/TT-BTC thì số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể (của bên thứ ba) do xe ô tô gây ra là 70.000.000 đồng/1 người/1 vụ tai nạn; số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về tài sản (cho bên thứ ba) do xe ô tô gây ra là 70.000.000 đồng/1 người/1 vụ tai nạn. Cơ sở để xác định mức bồi thường được quy định cụ thể tùy mức thiệt hại, các chi phí hợp lý cụ thể để chữa trị, các tổn thất liên quan ... Và bảo hiểm chỉ chi trả thay cho chủ xe mức tối đa như trên.
Trong khi đó, trên thực tế về các thiệt hại được xác định làm cơ sở để yêu cầu bồi thường trong một vụ tai nạn giao thông có thể lớn hơn rất nhiều con số tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm chi trả thay cho chủ xe được nêu trên. Do đó về nguyên tắc, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu chủ xe (người chiếm hữu, sử dụng) phải bồi thường đầy đủ và toàn bộ các thiệt hại mà theo luật họ được bồi thường. Phần bảo hiểm chi trả không đủ thì trách nhiệm bồi thường của chủ xe (người chiếm hữu, sử dụng) phải thực hiện đầy đủ cho các nạn nhân.
Còn riêng đối với phần bảo hiểm tự nguyện đối với chiếc xe gây tai nạn bị hư hỏng (bảo hiểm thiệt hại vật chất xe, bảo hiểm tai nạn đối với lái xe và người được chở trên xe... ) được thực hiện thông qua hợp đồng bảo hiểm giữa chủ xe và doanh nghiệp bảo hiểm, mỗi một loại hình bảo hiểm sẽ có mức bồi thường, tính chất, điều kiện bồi thường khác nhau, vấn đề này chúng ta không rõ chủ xe có mua bảo hiểm tự nguyện hay không, mua doanh nghiệp bảo hiểm nào, các điều kiện, mức đóng và trách nhiệm bồi thường thế nào nên không có đủ dữ liệu để xác định được cụ thể.
Minh Hiếu