Là công trình đạt giải vàng chất lượng xây dựng Việt Nam năm 2010 nhưng sau 6 năm đi vào sử dụng đường ống nước sông Đà đã 9 lần bị vỡ khiến 70.000 hộ dân Hà Nội sống khốn khổ vì thiếu nước. Đỉnh điểm nhất, 2 lần vỡ thứ 8 (10/7) và thứ 9 (rạng sáng 12/7) chỉ cách nhau 1 ngày khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đại diện công ty nước sạch VINACONEX cho biết, mỗi lần sửa chữa đường ống dẫn nước sông Đà, kinh phí đều không dưới 1 tỷ đồng. Nhiều người dân thắc mắc, liên tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, tiêu tốn tiền ngân sách, liệu những cá nhân liên quan đến đường ống dẫn nước sông Đà kém chất lượng có bị khởi tố hình sự?
|
Hiện trường vỡ đường ống sông Đà lần 9. Ảnh: Tiến Dũng. |
Trao đổi về vấn đề này trên Dân trí, luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh đưa ra quan điểm rằng, cơ quan cảnh sát điều tra cần vào cuộc xem xét hành vi vi phạm của các đơn vị trúng thầu thi công đường ống dẫn nước Sông Đà bị vỡ và sửa chữa đi, sửa chữa lại đến 8 lần.
Đường ống dẫn nước Sông Đà được xem là công trình đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân sinh, hơn thế đây là một công trình có quy mô lớn, có sử dụng vốn đầu tư lớn nên việc giám sát, thi công công trình phải được kiểm soát một cách chặt chẽ để bảo đảm chất lượng công trình.
Tuy nhiên, công trình này đã bị hư hỏng và phải sửa chữa nhiều lần và kéo theo đó là việc tiêu tốn tiền của của nhà nước, của nhân dân nhưng vấn đề trách nhiệm cụ thể thì không thấy chỉ rõ cá nhân nào phải chịu, hoặc do thiếu trách nhiệm mà các cơ quan chức năng không quyết liệt trong việc xử lý các đơn vị có liên quan, những cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Xét thấy có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 165 về tội danh "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và Điều 285 về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Vì vậy, theo LS Diện, cơ quan điều tra cần thiết phải vào cuộc làm sáng rõ có hay không hành vi phạm tội của những cá nhân, đơn vị đã gây ra hậu quả nghiêm trọng này.
Chung quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Bách, công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự cho biết: "Quá trình xây dựng và triển khai dự án thì ai là người giám sát, việc giám sát có đảm bảo đúng với cái thi công thiết kế ban đầu hay không, nếu đúng thiết kế thì tại sao đường ống nước lại bị vỡ? Như vậy có thể quá trình thi công không đảm bảo chất lượng, nguyên nhiên vật liệu thi công không đảm bảo chất lượng."
Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng: "Cơ quan điều tra phải vào cuộc và phải khởi tố vụ án để điều tra. nếu có dấu hiệu của hành vi sai phạm thì khởi tố bị can. vấn đề đặt ra là tội danh gì ở đây, có thể phải xem xét đến tội cố ý làm trái, thứ 2 là tội thiếu trách nhiệm, bởi vì ai là người có trách nhiệm, ai là người giám sát, cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào thi công thì đặt ra tình huống là tiền của nhà nước có bị rút đi hay không."
Điều 165, luật hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trần Vũ