Liên quan đến trách nhiệm của người lái xe taxi Thanh Nhàn đâm chết người và những bên liên quan, báo điện tử Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Hình phạt cao nhất là 15 năm tù
Ông Tiến cho hay, hành vi điều khiển phương tiện giao thông của người lái xe taxi Thanh Nhàn gây hậu quả nghiêm trọng có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự về vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, cần dựa vào kết luận của cơ quan điều tra xác định hành vi của người lái xe có vi phạm pháp luật giao thông đường bộ hay không, để xác định trách nhiệm của người lái xe này.
Trong trường hợp, dựa vào kết quả điều tra hiện trường cũng như các hậu quả thực tế xảy ra, nếu hành vi của người lái xe này thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông thì:
Về trách nhiệm hình sự: Người lái xe có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù (theo khoản 3 Điều 202 Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ). Ngoài ra, người lái xe còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm (Nếu là tài xế có chứng chỉ hành nghề).
Về trách nhiệm dân sự: Người lái xe có thể phải thực hiện bồi thường những thiệt hại thực tế xảy ra về tài sản, sức khỏe, tính mạng theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự về Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm và Điều 610 Bộ luật dân sự về Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Các khoản chi phí trên được quy định tại Mục 1, 2 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định người gây tai nạn là không phải là tài xế của hãng taxi Thanh Nhàn thì người này sẽ phải chịu các trách nhiệm trên, đồng thời, cá nhân này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế về vật chất và uy tín đã gây ra đối với hãng taxi Thanh Nhàn theo quy định tại Bộ luật dân sự.
Hãng taxi Thanh Nhàn không phải chịu liên đới?
Do chiếc xe gây tai nạn thuộc hãng taxi Thanh Nhàn, vì vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tai nạn? Theo luật sư Tiến, để trả lời câu hỏi này cần đối chiếu các quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định phương tiện gây tai nạn là chiếc xe ô tô mang thương hiệu hãng taxi Thanh Nhàn, và người gây tai nạn là tài xế của hàng thì lúc này cần phải xem nội dung hợp đồng giữa hãng taxi Thanh Nhàn và người lái xe cụ thể như thế nào để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trường hợp thứ nhất, nếu trong hợp đồng có nội dung chiếc xe taxi thuộc sở hữu của người tài xế và hãng taxi Thanh Nhàn đồng ý cho tài xế sử dụng thương hiệu để đón chở khách thì khi gây tai nạn tài xế phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (trừ trường hợp hãng taxi Thanh Nhàn và anh tài xế có thỏa thuận khác);
Trường hợp thứ hai, chiếc ô tô gây tai nạn thuộc quyền sở hữu của hãng taxi Thanh Nhàn, còn anh tài xế chỉ là người được hãng này thuê lái xe và trả tiền công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về hãng taxi Thanh Nhàn. Sau đó, hãng taxi Thanh Nhàn có quyền yêu cầu lái xe taxi gây ra tai nạn hoàn trả lại số tiền hãng đã bỏ ra để bồi thường cho các nạn nhân theo quy định tại Điều 618 Bộ luật dân sự.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đặt ra đối với hãng taxi Thanh Nhàn được quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự về Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm và Điều 610 Bộ luật dân sự về Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và được cụ thể hóa tại Mục 1, 2; phần 2 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định phương tiện gây tai nạn là chiếc xe ô tô mang thương hiệu hãng taxi Thanh Nhàn, và người gây tai nạn là không phải là tài xế của hãng thì người này sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hành vi trên, hãng taxi Thanh Nhàn sẽ không phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Điều 202 Bộ luật hình sự về vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Xem thêm video: Clip Full Xe điên Camry gây tại nạn liên hoàn ở quận Long Biên Hà Nội 29/02 - Nguồn Thông tin giải trí
Hồng Liên