Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 quy định gì? (1)

Google News

(Kiến Thức) - Công ước Luật biển 1982 là cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển, trong đó có phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước xung quanh Biển Đông.

Hỏi: Trước việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dưới góc độ pháp lý, Trung Quốc đang trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế và cụ thể là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982. Vậy, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 quy định những gì? (Hải Hà - Thanh Xuân, Hà Nội).
Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhìn từ trên cáo 
Đáp: Công ước Luật biển 1982 là hiến pháp biển, là cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển, trong đó có phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước xung quanh Biển Đông.
Công ước về Luật biển đã được 117 quốc gia và thực thể, trong đó có Việt Nam thông qua và ký kết vào ngày 10/12/1982. Với 17 phần, 320 điều khoản và 9 phụ lục với 100 điều khoản, 4 nghị quyết kèm theo, Công ước về Luật biển 1982 (Luật biển quốc tế năm 1982) thực sự là một bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế, tổng hợp toàn diện, bao quát được tất cả những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển cả và đại dương thế giới; quy định được những quyền lợi và và nghĩa vụ về nhiều mặt của mọi loại quốc gia (có biển cũng như không có biển) đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với những vùng biển thuộc phạm vi quốc tế.
Kiến Thức lược trích một số nội dung cơ bản nhất về Công ước Luật biển 1982:
Các vùng biển tiếp giáp lãnh thổ quốc gia ven biển gồm:
- Vùng nước nội thuỷ: là vùng nước nằm phía bên trong của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, tại đó quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền, bao gồm : các vùng nước cảng biển; các vũng tầu, cửa sông, các vịnh, các vùng nước nằm giữa lãnh thổ đất liền và đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Luật biển quốc tế 1982 quy định về quyền tự do thông thương của tầu thuyền thương mại; thẩm quyền tài phán dân sự; thẩm quyền tài phán hình sự của quốc gia ven biển.
- Lãnh hải: chiều rộng không quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở vạch ra theo đúng Công ước. Ranh giới phía ngoài của lãnh hải là đường chạy song song với đường cơ sở và cách đều đường cơ sở một khoảng cách tối đa là 12 hải lý và được coi là đường biên giới quốc gia trên biển. Như vậy, lãnh hải là vùng biển nằm giữa vùng nước nội thuỷ và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Về bản chất pháp lý, thuật ngữ lãnh hải là sự kết hợp giữa hai từ lãnh thổ và biển. Lãnh hải là một vùng biển đệm giữa một bên là lãnh thổ do quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ và bên kia là các vùng biển mà tại đó các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển được hạn chế bởi các nguyên tắc tự do trên biển và nguyên tắc di sản chung của nhân loại. Luật biển quốc tế coi lãnh hải như một “lãnh thổ chìm”, một bộ phận hữu cơ của lãnh thổ quốc gia, trên đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt về phòng thủ quốc gia, về cảnh sát, thuế quan, đánh cá, khai thác tài nguyên thiên nhiên, đấu tranh chống ô nhiễm, như quốc gia đó tiến hành trên lãnh thổ của mình. Chủ quyền giành cho quốc gia ven biển trên lãnh hải không phải là tuyệt đối như trên các vùng nước nội thủy, do sự thừa nhận quyền đi qua không gây hại của tầu thuyền nước ngoài trong lãnh hải.
Về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải gồm có đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng. Cách tính đường cơ sở thông thường là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được các quốc gia ven biển chính thức công nhận. Cách tính đường cơ sở thẳng có ba cách. Đó là : ở những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; ở những nơi có một chuỗi đảo chạy qua; ở những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ. Tuy nhiên, đường cơ sở thẳng vạch ra này phải đi theo xu hướng chung của bờ biển và không được cách xa bờ.
Tàu thuyền của các nước có quyền đi qua không gây hại trong phạm vi lãnh hải của các quốc gia ven biển; các quốc gia ven biển có thể quy định cụ thể chế độ pháp lý để điều chỉnh hoạt động của tầu thuyền nước ngoài khi đi qua lãnh hải nhằm đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích của mình. Nếu một tầu chiến không tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải, thì quốc gia ven biển có thể yêu cầu chiếc tầu đó rời khỏi lãnh hải ngay lập tức. Tầu ngầm thực hiện quyền đi qua không gây hại phải đi ở trạng thái nổi và phải treo cờ quốc tịch. Nghĩa của việc đi qua là đi qua lãnh hải mà không vào nội thủy, đi qua lãnh hải để vào nội thủy hoặc rời nội thủy ra biển. Việc đi qua phải là liên tục và nhanh chóng. Tuy nhiên, việc đi qua bao gồm cả việc dừng lại và thả neo, nhưng chỉ trong trường hợp gặp những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng hay mắc nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, tầu thuyền hay phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc nạn. Nghĩa của việc đi qua không gây hại là các loại tầu thuyền nước ngoài được quyền đi qua lãnh hải của quốc gia ven biển là việc đi qua không gây hại, xâm phạm tới chủ quyền, an ninh, lợi ích của quốc gia ven biển. Tầu thuyền nước ngoài khi đi qua lãnh hải không được tiến hành một hoặc bất kỳ hoạt động nào sau đây : đe doạ hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc; luyện tập hoặc diễn tập với bất kỳ kiểu loại vũ khí nào; thu thập tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển; tuyên truyền nhằm làm hại đến quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển; phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tầu các phương tiện bay; phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tầu các phương tiện quân sự; xếp hoặc dỡ hàng hoá, tiền bạc hay đưa người lên xuống tầu trái với các luật và quy định về hải quan, thuế khoá, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển; gây ô nhiễm cố ý và nghiêm trọng, vi phạm Công ước; đánh bắt hải sản; nghiên cứu hay đo đạc; làm rối loạn hoạt động của mọi hệ thống giao thông liên lạc hoặc mọi trang thiết bị hay công trình khác của quốc gia ven biển; mọi hoạt động khác không trực tiếp quan hệ đến việc đi qua. Ngoài ra, quốc gia ven biển có quyền ấn định các tuyến đường quy định việc phân chia các luồng giao thông dành cho tầu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình. Tầu thuyền nước ngoài phải tuân thủ luật pháp của quốc gia ven biển về an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị công trình, dây cáp ống dẫn ở biển; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, giữ gìn môi trường biển; hải quan, thuế khoá, y tế, nhập cư.
- Vùng tiếp giáp lãnh hải: là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, tại đó quốc gia ven biển thực hiện các thẩm quyền có tính riêng biệt và hạn chế đối với các tầu thuyền nước ngoài. Phạm vi của vùng tiếp giáp không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Vùng tiếp giáp lãnh hải nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, có quy chế của một vùng đặc biệt, không phải là một vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và cũng không phải là vùng biển có quy chế tự do biển cả. Mọi sự trục vớt các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ từ đáy biển thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải mà không được phép của quốc gia ven biển, đều được coi là vi phạm xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của quốc gia đó.
- Vịnh: có ba loại. Một là, vịnh do bờ biển của một quốc gia bao bọc, đó là một vùng lõm sâu rõ rệt vào đất liền mà chiều sâu của vùng lõm đó so sánh với chiều rộng ở ngoài cửa của nó đến mức là nước của vùng lõm đó được bờ biển bao quanh và vùng đó lõm sâu hơn là một sự uốn cong của bờ biển; đồng thời vùng lõm đó phải thoả thoả mãn hai điều kiện : (1). Diện tích của vịnh ít nhất cũng bằng diện tích một nửa hình tròn có đường kính là đường thẳng kẻ ngang qua cửa vào của vùng lõm. Diện tích của một vùng lõm được tính giữa ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển của vùng lõm và đường thẳng nối liền các ngấn nước triều thấp nhất ở các điểm của cửa vào tự nhiên. Nếu do có các đảo mà một vùng lõm có nhiều cửa vào thì nửa hình tròn nói trên có đường kính bằng tổng số chiều dài các đoạn thẳng cắt ngang các cửa vào đó. (2). Đường khép cửa vào tự nhiên của cửa vịnh không vượt quá 24 hải lý. Trong trường hợp ngược lại, thì cần phải vạch các đoạn cơ sở thẳng dài 24 hải lý ở phía trong cửa vịnh sao cho phía trong của nó có một diện tích tối đa. Hai là, vịnh do bờ biển của nhiều quốc gia bao bọc. Vì thế, các quốc gia có thể bằng con đường thoả thuận hoặc do toà án, công nhận chế độ đồng sở hữu vịnh và có thể quy định lãnh hải của mình trong vịnh. Ba là, vịnh lịch sử được căn cứ vào tập quán và các phán quyết của toà án và trọng tài quốc tế khi thoả mãn ba điều kiện : thực hiện chủ quyền một cách thực sự của quốc gia ven biển; thực hiện việc sử dụng vùng biển này một cách liên tục, hoà bình và lâu dài; có sự chấp nhận công khai hoặc sự im lặng không phản đối của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia láng giềng và có quyền lợi tại vùng biển này.
(Còn nữa)
Hoàng Hoa