Tổ chức Ân xá Quốc tế đã thông qua một nghị quyết ngày 11/8 tuyên bố cần phi hình sự hóa hoạt động gái mại dâm trên toàn thế giới.
|
Mại dâm sẽ không còn bị xếp vào tội hình sự? (Ảnh: Sodahead) |
Nghị quyết này được thông qua ở Hội nghị hội đồng quốc tế (ICM) của Ân xá quốc tế, hiện chưa dẫn tới thay đổi chính sách ở nhiều nước, bao gồm Nga, nơi mại dâm vẫn là tội hình sự. Tuy nhiên, việc này sẽ tạo ra sự chú ý nhiều hơn từ truyền thông tới những người hoạt động trong ngành, vốn thuộc các nhóm dễ tổn thương trong xã hội.
“Có khoảng 3 triệu người như chúng tôi ở Nga, không có quyền gì, bị làm nhục và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật”, Irina Maslova, đứng đầu hiệp hội Hoa hồng bạc của những người làm trong ngành mại dâm, nói với trang tin tức Vesti.ru ngày 13/8.
Luật dân sự Nga quy định một người bán dâm có thể bị phạt từ 1.500 tới 2.000 rúp (21-29 USD). Năm 2014, hơn 9.000 án phạt đã được áp lên những người bán dâm, theo thống kê chính thức từ tòa án. Tổ chức mại dâm là tội hình sự có thể có mức án tối đa là 5 năm tù giam.
Ân xá quốc tế giải thích rõ rằng việc họ ủng hộ phi hình sự hóa hoạt động mại dâm không có nghĩa là ủng hộ việc hợp pháp hóa ngành kinh doanh nhiều tranh cãi này, chỉ là họ muốn nhà chức trách tôn trọng hơn khi đối xử với người bán dâm.
Các nhà hoạt động và luật sư ở Nga nói một vấn đề nghiêm trọng với người bán dâm là bị cảnh sát lạm dụng. “Việc có một điều khoản có thể hình sự hóa hoạt động bán dâm trong luật dân sự khiến cảnh sát có thể cướp, giết, hiếp và tra tấn (người bán dâm)”, bà Maslova nói. “Điều khoản đó khiến nhà chức trách có thể đối xử với những người bán dâm cả nam, nữ và người chuyển giới rất khắc nghiệt”.
|
Những người hành nghề mại dâm dễ bị tổn thương trong xã hội. (Ảnh: The Weeklings) |
Igor Danilov, một luật sư thường nhận bào chữa cho người bán dâm, nói các thân chủ của ông không sợ những khoản tiền phạt, vốn không đáng kể, mà sợ bị ghi hồ sơ hình sự hoặc bị tiết lộ thông tin nhân thân cho người thân và bạn bè. “Những phụ nữ này có chồng con và gia đình, họ cũng có cuộc sống bình thường”, Danilov nói, và họ không muốn những người thân phát hiện ra họ là người bán dâm.
“Tôi từng gặp một trường hợp một cảnh sát lấy điện thoại của một người, tìm ra số điện thoại chồng cô ta và gọi điện báo cho ông ấy rằng vợ ông ấy là gái mại dâm”, Danilov nói. Ông cho rằng hầu hết các vụ mà cảnh sát can thiệp đều dẫn tới gái làng chơi bị lạm dụng.
“Tôi từng bị cảnh sát đe dọa, cướp tiền, và giờ họ còn bắt tôi phải đóng tiền hàng tháng”, Pain, một người tham gia diễn đàn của Silver Rose chỉ dùng biệt danh mạng, viết. Vika Begalskaya, một nghệ sĩ và nhà hoạt động vì quyền của người bán dâm ở St. Petersburg, nói vấn đề không chỉ là tiền: “Hồi tháng 7, một người bán dâm chuyển giới tên Julia tới nhờ tôi giúp. Cô bị cảnh sát bắt. Ba cảnh sát đã thay nhau đánh cô”.
Julia đệ đơn kiện, nhưng không ai coi đó là vấn đề đáng quan tâm và các cảnh sát không bị điều tra. “Ngay lúc này những người bán dâm, nhất là những người chuyển giới, bị coi là đối tượng có thể đánh đập, thậm chí là giết hại”, Begalska nói. “Họ hoàn toàn không có quyền gì”.
|
Gái mại dâm có an toàn hơn khi hợp pháp hóa? (Ảnh: Prostitution Recovery) |
Cả Begalskaya và Maslova đều tin rằng việc phi hình sự hóa hoạt động bán dâm sẽ làm giảm các vụ xâm hại và là một bước cần thiết tiến tới việc hợp pháp hóa nghề bán dâm. Tuy nhiên, Ân xá quốc tế nói phi hình sự hóa và hợp pháp hóa nghề bán dâm là hai việc hoàn toàn khác nhau và cảnh báo việc hợp pháp hóa có thể khiến tình hình thêm tồi tệ.
“Nếu các dịch vụ tình dục được phi hình sự hóa, những người bán dâm không phạm tội hình sự nếu cung cấp dịch vụ đó”, Ân xá quốc tế giải thích. “Hợp pháp hóa hoạt động tình dục có nghĩa là nhà nước phải thông qua luật và chính sách để quản lý”, như thế, người bán dâm có thể sẽ gặp nhiều rắc rối nếu không tuân theo các luật đó. “Việc phi hình sự hóa cũng sẽ giúp người bán dâm tự kiểm soát nghề nghiệp tốt hơn, hoạt động độc lập và tự thành lập các nghiệp đoàn theo cách mà hợp pháp hóa chưa chắc giúp được”, Ân xá quốc tế viết.
Khi xã hội không còn coi người bán dâm là tội phạm hình sự, tuyên bố nói, cảnh sát sẽ không đối xử với họ thô bạo nữa và sẽ bảo vệ họ như những công dân bình thường.
Tuy nhiên, phi hình sự hóa mại dâm sẽ không giải quyết được những vấn đề lớn hơn mà người bán dâm đang phải đối mặt, theo một “blogger” tự nhận từng làm nghề bán dâm với tên giả Yekaterina Bezymyannaya. “Nghề này hủy hoại cuộc sống và tinh thần của bạn”, cô nói. Bezymyannaya, 33 tuổi, cho biết cô bỏ nghề hai năm trước và cho rằng đối phó với cảnh sát chỉ là vấn đề đơn giản nhất của người làm nghề bán dâm.
|
Gái bán dâm luôn phải đối phó với cảnh sát. (Ảnh: Praisedc) |
“Đó chỉ là chuyện vặt so với những khách hàng quái dị. Con người khác nhau, một số người bình thường, nhưng một số người nghĩ đã bỏ tiền thì muốn làm gì cũng được. Phi hình sự hóa sẽ không giúp ích gì trong trường hợp đó. Tâm lý của xã hội cần phải thay đổi”, cô viết. Cô cũng cho rằng là quá lời khi nói người bán dâm không có quyền gì. Trái lại, họ có đủ mọi quyền như bất kỳ công dân bình thường nào.
“Họ có hộ chiếu, có thể mua nhà, vay tiền ngân hàng, kết hôn…”, cô viết. “Khi tôi làm người bán dâm, tôi không hề thấy mình bị tước đi quyền gì. Chỉ là tôi không thể công khai về nghề nghiệp mà tôi đang làm”. Với Bezymyannaya, hình sự hóa mại dâm hay không thì đó vẫn là một nghề nghiệp bị xã hội lên án.
Phần lớn phụ nữ tham gia nghề này là vì tiền, Bezymyannaya thừa nhận. “Họ muốn kiếm tiền mà không phải làm gì cực nhọc. Tôi cũng thế”, cô viết. “Có những phụ nữ thà đi làm ô-sin, chứ không bao giờ bán mình, và có những phụ nữ khác như tôi và các đồng nghiệp của tôi”.
Theo Minh Hải/Vntinnhanh