Bài “Một lịch sử căng thẳng lâu dài và bạo lực” nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Rohingya hiện nay là đợt xung đột mới nhất của hơn một thế kỷ căng thẳng giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo tại bang Rakhine, vùng đất biên giới của Myanmar giáp Bangladesh.
|
Một em bé chạy loạn trong cuộc xung đột sắc tộc ở bang Rakhine thuộc Myanmar. Ảnh: Reuters |
Báo Le Monde liệt kê “nguyên nhân đầu tiên” của thảm kịch Rohingya vào năm 1826, sau khi xâm chiếm vùng Arkhan (tức bang Rakhine của Myanmar hiện nay), thực dân Anh đã khuyến khích dân Hồi giáo miền đông Bangladesh định cư tại khu vực này. Trong khoảng thời gian từ năm 1890 đến 1911, số lượng dân cư Bangladesh theo đạo Hồi sang định cư tại các địa điểm như Maungdaw, Buthidaung và Rathedaung (các trung tâm biến loạn hiện nay ở bang Rakhine) đã tăng vọt tới 77%.
Trong Thế Chiến tranh Thế giới thứ II, sau khi phát xít Nhật chiếm Myanmar năm 1942, căng thẳng giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo ở bang Rakhine lại có cơ hội bùng phát. Nhiều tín đồ Phật giáo không chấp nhận trở thành thiểu số tại một số địa điểm nơi người “Rohingya” sống quần tụ. Đã xảy ra nhiều vụ tấn công nhắm vào các “làng Hồi giáo” và người “Rohingya” trả đũa các tín đồ Phật giáo ở Maungdaw và Buthidaung.
Xung đột giữa hai cộng đồng đặc biệt quyết liệt, khi các tín đồ Phật giáo bị lực lượng chiếm đóng Nhật Bản sử dụng để đẩy lùi quân Anh. Trong khi đó, thực dân Anh (đã rút về Ấn Độ) thì tổ chức nhiều nhóm dân quân chống Nhật, bao gồm người Hồi giáo Rohingya (hay Bangladesh). Các chiến binh tình nguyện theo đạo Hồi nhiều khi, thay vì tấn công quân Nhật, lại nhắm vào các làng theo Phật giáo.
Kể từ khi Myanmar giành độc lập năm 1948, căng thẳng tiếp tục gia tăng. Năm 1951, một “tổ chức của người theo đạo Hồi ở Arakhan” kêu gọi thành lập một “Nhà nước Hồi giáo tự do, bình đẳng với các bang khác trong Liên hiệp Myanmar”.
Chính vào thời điểm này, cái từ “Rohingya” được lực lượng ly khai và các tín đồ Hồi giáo sử dụng để nói về cộng đồng này. Trong khi đó, chính quyền Miến Điện và đông đảo cư dân nước này không thừa nhận sự tồn tại của người “Rohingya”, mà coi họ chỉ là những người Bangladesh tha hương. Trong khi đó, những người tranh đấu cho cộng đồng Rohingya coi đây là một sắc tộc riêng - một phần có nguồn gốc Bangladesh, nhưng có cả các gốc gác khác như Arập, Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ…
Kể từ những năm 1960, nhiều nhóm nổi dậy Rohingya được thành lập. Một số nhóm tuyên bố chiến đấu để bảo vệ quyền tôn giáo, một số nhóm khác nghiêng đấu tranh chính trị. Nhìn chung, xung đột với chính quyền tại vùng biên giới diễn ra “với cường độ thấp”. Trong khi đó, các nhóm nổi dậy cũng cạnh tranh với nhau và số lượng mỗi nhóm thường không vượt quá 100 người.
Lực lượng nổi dậy Quân đội Giải phóng Rohingya hiện nay chắc chắn là một hóa thân của các nhóm chiến đấu trước đây, vốn hoạt động trong tình trạng phân tán. Một số người cho rằng lực lượng này do các thế lực lưu vong ở Ả-rập Xê-út và Pakistan giật dây. Nhưng theo những người phát ngôn của Quân đội Giải phóng Rohingya, cuộc chiến của “quân đội này” không liên quan gì đến thánh chiến Hồi giáo.
Minh Châu (BT)