Ra rạp ngày 19/4, Cái giá của hạnh phúc được kỳ vọng là điểm sáng của phim Việt trong tháng 4. Tác phẩm có Thái Hòa đóng chính nhanh chóng vươn lên vị trí số một phòng vé và thu về 20 tỷ đồng chỉ sau 5 ngày công chiếu, theo số liệu của Box Office Vietnam.
Tuy nhiên, càng về sau, sức hút của bộ phim suy giảm và đặc biệt lép vế khi Lật mặt 7 ra rạp, cạnh tranh trực tiếp dịp nghỉ lễ 30/4.
|
Tạo hình Thái Hòa trong Cái giá của hạnh phúc.
|
Cái giá của hạnh phúc hay bài học đắt giá cho Xuân Lan?
Tính đến hết ngày 2/5, Cái giá của hạnh phúc chạm ngưỡng hơn 23 tỷ đồng. Doanh thu trong ngày chưa đạt 700 triệu đồng với 430 suất chiếu.
Trước diễn biến không mấy khả quan, đường đua phòng vé của Cái giá của hạnh phúc gian nan hơn khi liên tục bị giới phê bình phim và khán giả chỉ ra nhiều điểm hạn chế.
Cao trào là khi Xuân Lan – nhà sản xuất Cái giá của hạnh phúc, cũng là diễn viên trong phim – đối chất, lời qua tiếng lại với nhà phê bình Lê Hồng Lâm.
Xuân Lan cho rằng những bình luận ác ý của Lê Hồng Lâm kéo theo hệ lụy không nhỏ đến phim. “Đáng lẽ, những người có chuyên môn như em phải có góc nhìn khách quan để giúp những người làm phim tử tế phát triển", Xuân Lan đáp trả.
Một mặt “cãi tay đôi” với nhà phê bình, một mặt Xuân Lan thể hiện sự thiếu tự tin vào chất lượng “đứa con tinh thần” của mình.
Xuân Lan thú nhận cô buồn, lo, không thể ngủ, thấy ngày dài vô tận và bí bách vì phim chưa bán được vé như kỳ vọng, cơ hội hòa vốn trở nên khó khăn hơn. Cô mong khán giả thương và ủng hộ bằng cách mua vé xem ngay.
|
Xuân Lan cầu cứu khán giả.
|
Phản ứng của Xuân Lan là bình thường
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, mối quan hệ giữa nhà sáng tạo (hay còn gọi nhà sản xuất) với giới phê bình không phải đến sự kiện Xuân Lan mới bàn luận. Mối quan hệ này là quan hệ cơ bản trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, có từ thời cổ đại khi mới khai mở bộ môn nghệ thuật. Bất cứ nơi nào và bất cứ ở đâu có sáng tạo là sẽ có phê bình, phản biện. Chính điều này tạo nên sự phong phú của thế giới quan nghệ thuật.
|
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang.
|
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho biết sáng tạo (sản xuất) làm nên tác phẩm nghệ thuật, song tác động của tác phẩm đó đến đời sống con người tích cực hay tiêu cực, đạt đến giá trị văn hóa nào, người đọc, người xem tiếp cận ra sao lại cần đến tính định hướng của phê bình, phản biện.
“Vấn đề sự phê bình, phản biện ấy có khách quan và vì nghệ thuật, vì nhân sinh hay không. Ý kiến đóng góp của phê bình, phản biện sẽ giúp nhà sáng tạo ăn sâu bám chặt vào hiện thực để điều chỉnh hoặc đúc rút giá trị cho những sáng tạo kế tiếp, ngược lại, nhờ có tác phẩm sáng tạo mà nhà phê bình, phản biện có đất để tham gia xây dựng hệ sinh thái nghệ thuật hài hòa, không thái quá, không bất cập”, ông Ngô Hương Giang chia sẻ với Tiền Phong.
Chuyên gia ví von nếu sáng tạo nghệ thuật là chân ga của một chiếc ôtô, thì phê bình phản biện giống chân phanh điều tiết chiếc xe nghệ thuật ăn nhịp với mỗi cung đường thưởng thức thẩm mỹ.
Qua phê bình, phản biện, trí tưởng tượng của nhà sản xuất sẽ được kiểm soát, luôn bám chặt với đời sống con người, thay vì mộng mơ vượt thoát thế giới hiện sinh. Do đó, trong sáng tạo đã tiềm ẩn yếu tố phê bình và trong phê bình cũng ẩn chứa sự sáng tạo. Vì vậy không thể tách biệt rạch ròi kiểu toán học giữa sáng tạo và phê bình được.
“Việc người mẫu Xuân Lan phản biện những đánh giá của nhà phê bình Lê Hồng Lâm cũng là lẽ bình thường. Bởi vì không ai hiểu tác phẩm nghệ thuật bằng chính tác giả của nó. Nhưng chính vì quá hiểu tác phẩm của mình, đôi khi nhà sáng tạo rơi vào tình trạng nhận thức chủ quan, độc đoán trong quan điểm. Quan trọng nhất vẫn là thái độ trong khi phê bình, phản biện như thế nào mà thôi. Vì lợi ích chung hay chỉ chăm chăm bảo vệ cái tôi chủ quan, sở thích của mình”, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận định.
Nhà phê bình không phải đao phủ, bài phê bình không phải bản án
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, một nhà phê bình đúng nghĩa không bao giờ có ý nghĩ giết chết sáng tạo, mà chỉ làm cho tác phẩm tích cực hơn, cũng như có ích hơn từ những góc nhìn phản biện.
“Một bài phê bình dù hay hay dở cũng chỉ là một góc nhìn lý luận về một vấn đề hay một tác phẩm. Nó không phải và không bao giờ là ‘lời sấm truyền’ hay ‘một bản án’ đối với tác phẩm sáng tạo. Nếu quan niệm xem nhà phê bình như ‘đao phủ’ và xem bài phê bình như ‘bản án’ đối với sản phẩm sáng tạo nghệ thuật là chúng ta đang sai về nhận thức thẩm mỹ”, chuyên gia nói.
“Theo tôi, nếu tác phẩm của nhà sáng tạo có giá trị thì hàng nghìn bài phê bình, phản biện đi nữa cũng không bao giờ chết được, ngược lại, chính những ý kiến phê bình sẽ làm cho tác phẩm ấy trở nên giá trị hơn. Giống như vàng thử lửa vậy. Đã là vàng tốt thì gặp ngọn lửa lớn sẽ càng tỏa sáng rực rỡ”, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho hay.
Chuyên gia khẳng định việc "cãi tay đôi" chưa bao giờ được xem là phê bình, phản biện, mà chỉ là sự bộc phát của cái tôi chủ quan bảo thủ.
“Đã là phê bình, huyết mạch vẫn phải là chứng lý. Không có chứng lý, mọi bàn luận chỉ là đôi co qua lại phục vụ ý chí thắng thua chủ quan. Mặt khác, nếu sản phẩm nghệ thuật, phim ảnh hay và có giá trị, tự khắc khán giả sẽ tìm đến xem, cảm nhận, mà không cần phải cầu xin ai cả”, ông Ngô Hương Giang nêu quan điểm.
Chê phim vì lợi ích cá nhân là hành động thiếu nhân văn
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng khi bình tĩnh xem xét vấn đề trên nhiều khía cạnh sẽ thấy đánh giá phim và viết bình luận tiêu cực không hẳn là hành động thiếu nhân văn đối với bộ phim hoặc nhà sản xuất.
Chuyên gia nhận định mỗi người có quyền tự do biểu đạt ý kiến và cảm nhận cá nhân về một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, việc viết bình luận tiêu cực có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.
“Khi các bình luận tiêu cực không được đưa ra một cách xây dựng và có lý do, không chỉ dựa trên sở thích cá nhân mà còn bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực và không công bằng, hay những lợi ích khác thì điều này được coi là hành động thiếu nhân văn, cần phải lên án. Việc chỉ trích không có cơ sở hoặc lý do cụ thể, không chỉ không mang lại giá trị cho người đọc, khán giả mà có thể ảnh hưởng xấu đến danh tiếng và doanh thu của bộ phim và nhà sản xuất”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, một hệ quả khác của việc viết bình luận tiêu cực là khiến cho khán giả hoặc độc giả không công bằng trong việc đánh giá và quyết định xem bộ phim.
Điều này cản trở truyền tải thông điệp hay giá trị nghệ thuật đích thực của bộ phim mà nhà sản xuất muốn truyền đạt.
“Khi một bộ phim bị đánh giá tiêu cực mà không có cơ sở, nhà sản xuất có thể gánh chịu mất mát về doanh thu và danh tiếng”, chuyên gia cho hay.
|
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
|
Từ thực tế đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích việc nhà sản xuất và ê-kíp làm phim tiếp nhận phản hồi tiêu cực từ bình luận và review có thể giúp họ cải thiện trong tương lai. Nhận phản hồi xây dựng từ những ý kiến tiêu cực có thể giúp nhà sản xuất hiểu rõ hơn về những khía cạnh cần cải thiện và học hỏi từ kinh nghiệm đó để sản xuất những tác phẩm tốt hơn.
“Mặc dù việc đánh giá tiêu cực có thể gây ra hậu quả không mong muốn cho bộ phim và nhà sản xuất, quan trọng là phản hồi phải được đưa ra một cách công bằng, đúng đắn và xây dựng. Các bình luận tiêu cực cần được đánh giá dựa trên lý do và cơ sở chứ không chỉ làm theo cảm xúc cá nhân”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Theo nhận định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, bình luận và review phim có ảnh hưởng đến thành công của một bộ phim trước và sau khi ra rạp. Rõ ràng, ý kiến từ các nhà phê bình, người xem và các trang web đánh giá phim ảnh hưởng lớn đến sự hấp dẫn của bộ phim đối với khán giả tiềm năng.
Trước khi ra rạp, các bài review và bình luận có thể tạo ra sự quan tâm và tò mò, chờ đợi từ khán giả. Nếu nhận được những đánh giá tích cực từ các chuyên gia và người xem, bộ phim có thể thu hút người xem nhiều hơn khi ra mắt.
Ngược lại, nếu nhận được những bài review tiêu cực có thể khiến khán giả e ngại và không muốn dành thời gian, tiền bạc cho bộ phim đó.
Sau khi ra rạp, các review và bình luận tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và duy trì sự quan tâm của khán giả đối với bộ phim. Ý kiến từ người xem có thể ảnh hưởng đến quyết định của người khác về việc xem bộ phim đó hay không. Từ đó, tác động trực tiếp tới doanh thu và sự thành công của bộ phim.
Có thể nói rằng các bài review và bình luận về phim ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, tạo dựng hình ảnh và ảnh hưởng đến thành công hoặc thất bại của một tác phẩm khi ra mắt. Quan trọng là cần có sự cân nhắc và đánh giá chính xác từ các nguồn đáng tin cậy để đưa ra quyết định hợp lý về việc xem một bộ phim cụ thể.
Theo Đỗ Quyên/Tiền Phong