>>> Mời quý độc giả xem video “Lê Phương bật mí cái kết của phim “Gạo nếp gạo tẻ”. Nguồn Youtube/vtc:
Nhà sản xuất “méo mặt” vì phim Việt bị xâm phạm bản quyền như cơm bữa
Mới đây, nhà sản xuất phim “Gạo nếp gạo tẻ” - Công ty Truyền thông DID TV (DID) đâm đơn kiện Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (gọi tắt là FPT) đã xâm phạm bản quyền. Theo DID, từ tháng 8, FPT khai thác toàn bộ 76 tập phim mà không có bất kỳ thỏa thuận nào với DID.
Tháng 10/2018, hai bên làm việc về vấn đề bản quyền. Trước mức giá 200-250 triệu cho cả bộ phim, DID không đồng ý và yêu cầu FPT trả phí bản quyền cho việc đã tự ý khai thác 76 tập phim số tiền hơn 9 tỷ đồng. Do không nhận được phản hồi từ FPT, DID nộp đơn khởi kiện.
DID cho hay, “Gạo nếp gạo trẻ” dài hơn trăm tập, kinh phí mỗi tập lên đến 400 triệu đồng. Việc các fanpage, kênh Youtube hay các kênh lớn xài chùa phim “Gạo nếp gạo tẻ” gây tổn thất nặng nề với nhà sản xuất và các đơn vị mua bản quyền.
|
"Gạo nếp gạo tẻ" bị xâm phạm bản quyền. Ảnh: Dân Việt |
Thực tế, không chỉ DID, nhiều nhà sản xuất phim Việt cũng “méo mặt” vì vấn nạn xâm phạm bản quyền. Lấy dẫn chứng như VTV với hai bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” bị phát sóng trái phép trên hàng chục kênh, fanpage cùng giờ phát sóng với VTV.
Các đơn vị phát sóng trái phép thường xuyên xóa logo của VTV, chèn logo mới, thậm chí lồng quảng cáo để thu lợi bất chính. Dù VTV và các đơn vị mua bản quyền không tính được tổn thất bằng con số cụ thể nhưng thiệt hại là có thật.
|
Phim Việt trên VTV thường xuyên bị phát sóng trái phép. Ảnh: Báo giao thông |
Phim Việt chiếu rạp cũng tránh khỏi vấn nạn bị xâm phạm bản quyền khi một số khán giả dù đã được nhắc nhở vẫn có hành vi quay lén rồi phát tán cùng thời điểm phim đang công chiếu. Các phim càng gây sốt lại càng rơi vào tình trạng này.
“Cô Ba Sài Gòn”, “Em chưa 18”, “Em là bà nội của anh”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đều bị phát tán, trong đó, nhà sản xuất “Cô Ba Sài Gòn” từng chịu tổn thất 250 triệu đồng khi một nam thanh niên livestream phim hơn 30 phút với hơn 50 nghìn lượt xem.
|
“Cô Ba Sài Gòn” bị quay lén, phát tán. Ảnh: Saostar |
Giải pháp nào để ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền?
Nhà sản xuất đau đầu vì phim Việt bị phát sóng trái phép. Để ngăn chặn hành vi này, có nhà sản xuất dùng các biện pháp kĩ thuật để báo cáo, có nhà sản xuất nhờ đến pháp luật giải quyết. Tuy nhiên, kết quả thường không như mong đợi với nhà sản xuất.
Chủ các website vi phạm, sau khi nhận án phạt lại tiếp tục lập ra những website mới để tiếp tục xài chùa phim. Bên cạnh đó, hành vi quay lén phim chiếu rạp cũng được tái diễn như cơm bữa khi người quay lén chỉ bị yêu cầu gỡ bản phát tán mà không phải chịu trách nhiệm.
Nhiều người cho rằng nâng cao ý thức xem phim sẽ là biện pháp lâu dài và hữu hiệu để xử lý triệt để vấn nạn xâm hại bản quyền. Bởi lây nay, tâm lý xem phim không bản quyền tồn tại ở một bộ phận khán giả. Thay vì mất tiền mua vé, họ chỉ ngồi nhà và truy cập trang phim lậu.
Tuy nhiên, xem phim trên các website không bản quyền, người dùng đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn như vi rút, các phần mềm khai thác thông tin. Chưa kể, các bản quay lén, phát tán kém chất lượng.
Quan trọng hơn, xem phim lậu là tiếp cho hành vi xâm phạm bản quyền, gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất. Trong bối ảnh phim Việt đang gặp nhiều khó khăn, khán giả cần ủng hộ nền điện ảnh nước nhà bằng cách xem phim có bản quyền, tẩy chay phim lậu.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất phim Việt cũng nên có những động thái mạnh tay hơn để cùng các cơ quan chức năng xử lý đến cùng các vụ vi phạm bản quyền, làm trong sạch môi trường bản quyền phim Việt.
Thu Cúc